Ngày này cách đây 30 năm, thảm họa hạt nhân Chernobyl đã xảy ra như thế nào

    Neo,  

    Đúng ngày này 30 năm trước...

    Ngày 26/4/1986, một cơn ác mộng hạt nhân đã trở thành hiện thực sau khi một vụ nổ và hỏa hoạn đã xảy ra tại lò phản ứng hạt nhân số bốn ở nhà máy hạt nhân Chernobyl, Ukraine, gần bên giới Belarus. Nguyên nhân thảm họa là sự kết hợp giữa sai sót của con người và lỗi thiết kế tại nhà máy. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

    Bức ảnh vệ tinh trên cung cấp toàn cảnh nhà máy hạt nhân Chernobyl nhìn từ trên cao vào năm 2009. Thậm chí hiện tại, 30 năm sau thảm họa, các công việc nhằm phong tỏa bức xạ vẫn đang được tiến hành tại khu vực nhà máy. Một dự án kỹ thuật nhằm xây dựng một chiếc quan tài bằng bê tông khổng lồ cho lò phản ứng hạt nhân đã bị đốt cháy đang được tiến hành. Dự án này có thể hoàn thành vào năm 2017.

    Thảm họa hạt nhân Chernobyl diễn ra như thế nào? Mời độc giả cùng tìm hiểu.

    Được thành lập vào năm 1970, thị trấn Pripyat - cách Kiev khoảng 81 dặm, được xây dựng để trở thành đô thị kiểu mẫu cho Liên Xô trong tương lai. Trong thị trấn, Liên Xô xây dựng nhà máy điện hạt nhân Chernobyl với bốn lò phản ứng công suất 1.000 megawatt.

    Ở thời điểm đó, Pripyat là một thành phố hiện đại với cơ sở hạ tầng và thiết bị hỗ trợ khoảng 50.000 dân, tính tới năm 1986, đa số cư dân là các công nhân của nhà máy điện hạt nhân. Tại đây thậm chí còn có một công viên giải trí.

    Chẳng ai có thể dự đoán về thảm họa sẽ xảy ra vào sáng sớm ngày 26/4/1986.

    Vào ngày 25/4/1986, các công nhân trong nhà máy bắt đầu các thử nghiệm tại bộ phận của họ để đánh giá khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Bất chấp các quy định, các quản lý điều hành nhà máy đã tắt hệ thống an toàn và làm mát khẩn cấp, một hệ thống cực kỳ quan trọng với các nhà máy điện hạt nhân.

    Bất chấp cảnh báo về sự gia tăng của nhiệt độ trong lò phản ứng, các công nhân không hề có những biện pháp thích hợp nhằm đối phó với tình trạng nguy hiểm đang ngày càng gia tăng. Áp lực bắt đầu được tích lũy.

    Vào lúc 1 giờ 23 phút sáng 26/4/1986, một vụ gia tăng năng lượng đột ngột trong lò phản ứng số bốn đã gây ra vụ nổ đầu tiên khiến khí hydro bị rò rỉ ra bên ngoài.

    Vụ nổ hóa chất xẩy ra ngay sau đó thổi bay phần trên của nhà máy, hất tung rất nhiều mảnh vỡ chứa phóng xạ nồng độ cao vào không trung.

    Thời điểm này, các công nhân tại nhà máy vẫn chưa xác định được mức độ nghiêm trọng của thảm họa. Nhân viên cứu hỏa tới hiện trường sau khi các vụ nổ xảy ra khoảng 20 phút nhưng họ không được đào tạo để đối phó và chẳng có kinh nghiệm gì với thảm họa hạt nhân.

    Chưa đầy một giờ sau vụ nổ, lúc 2 giờ 15, các quan chức địa phương đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp nhằm đối phó với thảm họa. Họ ra lệnh chặn các con đường và kêu gọi sự giúp đỡ của hàng ngàn cảnh sát, nhân viên cứu hỏa. Chẳng ai trong số cảnh sát, cứu hóa được trang bị quần áo bảo hộ chuyên dụng cho các cuộc khủng hoảng hạt nhân.

    Các công nhân nhà máy, đặc biệt là bộ phận vận hành bơm, đã cố gắng làm mát các lò phản ứng đang bị quá nhiệt. Họ là những người đầu tiên tiếp xúc với bức xạ hạt nhân ở mức gây tử vong cho con người. 3 giờ sáng họ bắt đầu có những triệu chứng của bệnh phóng xạ và suy yếu tới mức không thể tự di chuyển.

    Mảnh vỡ từ lò phản ứng số bốn rơi xuống lò phản ứng số ba nhưng tới 5 giờ sáng các quản lý điều hành nhà máy mới ngừng hoạt động lò phản ứng này. 24 giờ sau lò phản ứng số một và số hai mới bị ngừng hoạt động.

    Nhờ những nỗ lực của 37 lữ đoàn lính cứu hỏa, tất cả các vụ cháy tại nhà máy đã được dập tắt vào lúc 6 giờ 35. Mặc dù thảm họa xảy ra suốt đêm nhưng đội xây dựng tới vào lúc 8 giờ sáng để xây dựng lò phản ứng số năm và số sáu không hề nhận thức được mối nguy hiểm.

    Tối hôm đó, người dân hiếu kỳ của thị trấn Pripyat đã tụ tập trên một cây cầu đường sắt để có thể quan sát những gì đã xảy ra với nhà máy điện. Bất ngờ, một cơn gió mạnh mang theo lượng bức xạ gây chết người thổi qua chỗ họ khiến tất cả tử vong tại chỗ. Sau đó cây cầu này được đặt tên "cây cầu dẫn tới địa ngục".

    Gần 24 giờ sau khi thảm họa xảy ra, khoảng nửa đêm ngày 27/4, xe buýt bắt đầu tới để chuẩn bị cho việc sơ tán người dân Pripyat.

    Tại thời điểm này, các quan chức địa phương vẫn nghĩ rằng họ có thể giữ lại nhà máy. Máy bay trực thăng đã thả hàng tấn nguyên liệu hấp thụ neutrino xuống khu vực lò phản ứng nhưng không thể thả vào vùng lõi.

    Mặc dù bức xạ đã giảm xuống một chút nhưng rồi tiếp tục tăng đột biến vào giữa buổi chiều nên người dân không còn cách nào khác ngoài việc phải sơ tán. Vì mối đe dọa khẩn cấp nên người dân chỉ có vài giờ chuẩn bị và được yêu cầu chỉ mang theo những thứ cần thiết.

    Thông báo chính thức của nhà chức trách tuyên bố rằng người dân chỉ phải sơ tán tạm thời, điều này giải thích tại sao rất nhiều thứ đã bị bỏ lại. Sau đó, những công dân cố gắng quay lại được chào đón bởi quân đội, công an và họ nhanh chóng nhận ra rằng Pripyat đã không còn nữa.

    Hơn 300.000 người trong vòng 18 dặm xung quanh Chernobyl đã bị buộc phải rời khỏi nhà của họ.

    Bất chấp mức độ khủng khiếp của thảm họa, ban đầu Liên Xô rất kín đáo trong việc chia sẻ thông tin về những gì đã xảy ra với cộng đồng quốc tế.

    Ngày 28/4, các nhà khoa học hạt nhân Thụy Điển phát hiện mức phóng xạ trong khí quyển tăng đột biến. Khói phóng xạ từ khu vực Chernobyl đã lan từ phía tây Liên Xô vào châu Âu. Phần Lan và Đan Mạch cũng phát hiện ra mức độ phóng xạ tương tự trong bầu trời của họ. Cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Liên Xô phải đưa ra lời giải thích.

    Chính phủ Liên Xô đã tuyên bố thừa nhận rằng có một tai nạn hạt nhân nhưng không mô tả quy mô của nó. Thay vào đó, Liên Xô nhắc tới thảm họa Three-Mile-Island ở Mỹ vào năm 1979 và cho rằng châu Âu đang phóng đại thảm họa Chernobyl.

    Vào sáng ngày 29/4, sau khi nhìn ảnh mà một vệ tinh Mỹ chụp khu vực Chernobyl các nhà phân tích tình báo đã cực kỳ ngạc nhiên khi thấy mức độ thiệt hại của khu vực. Thậm chí thời điểm đó, một số nơi trong khu vực vẫn còn đang bốc khói.

    Rất khó ước tính số lượng nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này. Một số tổ chức yêu cầu bồi thường cho hàng chục ngàn người đã thiệt mạng sau nhiều thập niên vì ung thư do nhiễm phóng xạ nồng độ cao. Tuy nhiên, thống kê của chính phủ Liên Xô lại cho thấy thảm họa này không đáng lo ngại.

    Ảnh hưởng của phơi nhiễm phóng xạ nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của 28 trong tổng số 600 công nhân của nhà máy trong vòng bốn tháng đầu sau vụ nổ của lò phản ứng hạt nhân số bốn, theo Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Hoa Kỳ (NRC). Hơn 106 người nhiễm bức xạ cấp tính. Trong nỗ lực dọn dẹp, 600.000 công nhân đã bị nhiễm phóng xạ, một số người đã tiếp xúc với phóng xạ nồng độ cao.

    Ô nhiễm phóng xạ sau vụ tai nạn ảnh hưởng tới hàng triệu cư dân Ukraine, Nga và Belarus. Báo cáo từ năm 1986 cho thấy sữa nhiễm phóng xạ khiến 6.000 trẻ em bị ung thư tuyến giáp. May mắn là, theo NRC,99% trong số đó được điều trị thành công. Tuy nhiên, 15 trẻ em bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư tuyến giáp còn lại đã tử vong.

    Hiện tại Chernobyl vẫn tiềm ẩn những mối nguy hại tới sức khỏe con người và khu vực này vẫn được giám sát chặt chẽ. Đa số người dân tránh xa khu vực Chernobyl Exclusion Zone và động vật hoang dã đang phát triển mạnh trong khu vực có diện tích khoảng 1.000 dặm vuông này. Dân số hươu, nai, lợn rừng và chó sói đã suy giảm mạnh sau thảm họa. Tuy nhiên, hiện tại chúng đang sinh sôi mạnh mẽ.

    Chernobyl cũng thu hút rất nhiều khách du lịch. Nhiều người có sở thích lạ, thích tới thăm các khu vực thiên tai đang chọn Chernobyl là điểm đến tiềm năng.

    Phải 320 năm nữa con người mới có thể trở lại sinh sống trong khu vực này. Cho tới lúc đó, thị trấn ma Pripyat với những ngôi nhà hoang và các mảnh vỡ của nhà máy điện hạt nhân vẫn còn là một lời nhắc nhở đầy ám ảnh cho những gì đã từng được coi là kiệt tác thời hiện đại.

    Tham khảo Discovery

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ