Ngay trước thời khắc Luna-25 đâm vào Mặt trăng: Nga phạm sai lầm ở phút 89, không còn cơ hội cho chiến thắng lịch sử
Theo Lenta, Luna-25 đã đâm vào Mặt trăng với tốc độ 1,7km/s. Chuyên gia Nathan Eismont cho rằng điều khủng khiếp đã không xảy đến nếu quyết định đúng được đưa ra.
- Tàu vũ trụ Ấn Độ vs tàu vũ trụ Nga: Tại sao cực nam của Mặt trăng lại hấp dẫn đến vậy?
- "Kho báu" vô chủ trên Mặt Trăng khuấy đảo các cường quốc: Mỹ mất hơn 30 năm mà chưa lấy được 1 gram nào
- Nga phóng tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 vào không gian
- Cấu trúc khổng lồ ẩn giấu bên dưới bề mặt của Mặt trăng
Sứ mệnh thất bại
Sứ mệnh lịch sử của Nga đã kết thúc thất bại sau khi tàu thăm dò Luna-25 va chạm với bề mặt của Mặt trăng. Vụ việc xảy ra sau khi liên lạc với Luna-25 bị gián đoạn.
Hãng tin CNN (Mỹ) nhận định, đây là một đòn giáng mạnh vào khát vọng không gian của Nga. Trước đó, các chuyên gia nhận định, nếu sứ mệnh lần này thành công thì niềm tin vào lĩnh vực mà Nga từng dẫn đầu thế giới sẽ được khôi phục.
Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) cho biết, họ đã mất liên lạc với tàu Luna-25 vào khoảng 14 giờ 57 phút (theo giờ Moscow) ngày 19/8. Các biện pháp được tiến hành trong hai ngày 19 và 20 tháng 8 nhằm tìm kiếm và liên lạc với Luna-25 đều không mang lại bất cứ kết quả nào.
"Theo kiểm tra sơ bộ, Luna-25 đã đi sang một quỹ đạo 'không nằm trong thiết kế' trước khi va chạm" - Roscosmos cho hay, đồng thời đề cập rằng một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập để điều tra nguyên nhân cụ thể.
Tàu thăm dò Luna-25 được phóng đi từ sân bay vũ trụ Vostochny ở Tỉnh Amur vào ngày 10/8, khoác trên mình hy vọng của nước Nga: Đổ bộ thành công lên Mặt trăng sau gần 50 năm tiến hành cuộc thám hiểm đầu tiên năm 1976.
Quỹ đạo bay của Luna-25 cho phép nó vượt qua tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ (được phóng từ giữa tháng 7) trên chặng đường tới bề mặt Mặt trăng.
Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Nga sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hạ cánh mềm xuống cực nam của Mặt trăng. Trước đó, phương tiện thăm dò của các nước đều hạ cánh ở khu vực xích đạo. Rất tiếc, thắng lợi lịch sử đã không diễn ra.
Cơ hội giờ đây đang nằm trọn trong tay Ấn Độ. Nếu tàu Chandrayaan-3 đáp xuống thuận lợi, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc, hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống Mặt trăng, và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đáp xuống gần cực nam của Mặt trăng.
Điều xảy ra ngay trước thời khắc quyết định
Tờ Lenta (Nga) cho hay, nhiều báo cáo về kế hoạch hạ cánh của Luna-25 đã được chia sẻ trên mạng Telegram. Theo đó, vào chiều ngày 19/8, Luna-25 dự kiến sẽ hạ độ cao để tới điểm quỹ đạo mà ở đó con tàu gần với bề mặt Mặt trăng nhất.
Sang ngày 21/8, từ độ cao này, Luna-25 sẽ hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt Mặt trăng. Tuy nhiên, tình huống khẩn cấp đã xảy ra khiến con tàu rời khởi quỹ đạo mở quay quanh Mặt trăng và va chạm với tốc độ 1,7km/giây vào bề mặt vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
"Trong quá trình vận hành, một tình huống khẩn cấp đã xảy ra trên trạm tự động, khiến các thao tác với thông số chỉ định không thể thực hiện được" - Roscosmos cho biết qua bài đăng trên Telegram ngày 19/8.
Sai lầm ngay phút 89
Bình luận về thất bại của Luna-25, ông Nathan Eismont - nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện nghiên cứu Không gian (IKI) - Viện Hàn Lâm Khoa học Nga nói với RIA Novosti: Thao tác cơ động của Luna-25 đáng ra nên được hoãn lại sau khi phát hiện vấn đề.
Ông Eismont cho biết, một số vấn đề trên tàu thăm dò Luna-25 đã phát sinh ngay cả trước khi tàu đi vào vùng quỹ đạo chuẩn bị cho quá trình đáp xuống. Do đó, việc cần thiết là phải hoãn lại các thao tác tiếp theo cho tới khi vấn đề được khắc phục.
Theo ý kiến của vị chuyên gia, nếu việc chuyển đổi sang quỹ đạo tiền hạ cánh được hoãn lại thì "sẽ không có gì khủng khiếp xảy ra".
Trong khi đó, ông Grigory Karasin - Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hội đồng liên bang Nga cho rằng, cần tới "các phân tích chuyên nghiệp" để đưa ra kết luận trong thời gian tới. Ông Karasin nhấn mạnh, Nga là cường quốc không gian, và "chúng tôi (nước Nga) sẽ tiếp tục tiến về phía trước".
Nhà báo Yuri Medvedev của tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga) cho biết, trên mạng xã hội hiện nay đã xuất hiện nhiều "phiên bản" khác nhau về nguyên nhân của sự cố. Quả thật, đây là một "thất bại lớn" với Nga nhưng nếu nhìn nhận khách quan thì sứ mệnh lần này là một nhiệm vụ rất phức tạp.
Anatoly Petrukovich - Giám đốc Viện nghiên cứu không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga thì cho rằng, Nga cần tìm hiểu rõ điều gì xảy ra và bài học nào cần rút ra cho các dự án tương lai. Đây là điều duy nhất và quan trọng nhất cần phải làm ở hiện tại.
Theo ông Petrukovich, còn quá sớm để kết luận thất bại lần này sẽ ảnh hưởng tới chương trình Mặt trăng của Nga trong tương lai ra sao. Một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập để đưa ra các đề xuất về việc tiếp tục chương trình nghiên cứu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Apple chính thức mở bán Mac mini M4 tại Việt Nam: Chip M4 và M4 Pro, RAM khởi điểm 16GB, giá ưu đãi từ 12.5 triệu đồng
Người dùng hiện sẽ phải chờ khoảng 2 đến 3 tuần để nhận máy.
Cầm Sony 85mm F/1.4 GM II giá 50 triệu du hí bắc Thái Lan và đây là những gì tôi chụp được