Nghe Bill Gates chia sẻ về 5 con người ấn tượng nhất mà ông gặp trong năm 2016

    Ngocmiz,  

    Họ là những nhà khoa học đang tìm ra các loại vaccine mới, những người thầy miệt mài với sự nghiệp giáo dục hay những kỹ sư với ý tưởng điên rồ về nguồn năng lượng sạch mới cho con người

    Nhà sáng lập Microsoft mới đây đã đăng tải một bài viết trên blog cá nhân về những người ấn tượng nhất mà ông gặp trong năm 2016. Hãy đọc bài viết của Gates dưới đây để lắng nghe ông chia sẻ về những con người kiệt xuất đang thay đổi thế giới này.


    Những năm 20-30 tuổi, tôi là một kẻ cuồng phần mềm. “Cuồng” ở đây có nghĩa là tôi luôn chú tâm hết sức vào tầm nhìn đưa những chiếc máy tính trở thành món đồ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tôi làm việc cả cuối tuần và chẳng buồn đi đâu vào mỗi dịp nghỉ lễ. Tôi cũng không có chút hứng thú nào với chuyện kết hôn (Tất nhiên chuyện đó đã thay đổi kể từ khi tôi gặp Melinda!). Các đồng nghiệp và tôi luôn lấy chuyện tới văn phòng sớm nhất và về nhà muộn nhất công ty là một niềm tự hào. Đó quả là một chương tuyệt vời trong đời tôi.

    Giờ đây, hầu hết những thứ tôi làm đều liên quan đến việc học hỏi từ những kẻ “cuồng tín” khác. Họ là những nhà khoa học đang tìm ra các loại vaccine mới, những người thầy miệt mài với sự nghiệp giáo dục hay những kỹ sư với ý tưởng điên rồ về nguồn năng lượng sạch mới cho con người. Quá trình học hỏi và giúp họ thực hiện thực hóa giấc mơ cũng mở ra một chương tuyệt vời nữa trong đời tôi.

    Nhìn lại năm 2016, tôi đã có cơ hội được gặp gỡ rất nhiều người tài năng đang nỗ lực thay đổi thế giới. Sự cống hiến của họ đã khiến tôi thêm lạc quan rằng thời kỳ tuyệt vời nhất của nhân loại vẫn đang chờ đợi chúng ta phía trước.

    Dưới đây là những gương mặt để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Tôi hy vọng các bạn cũng sẽ được họ truyền cảm hứng y như tôi trước đây.

    1. Một cuộc đời viên mãn

    Mùa thu năm nay, tôi và Melinda đã may mắn được tới Plains, Georgia và có một buổi tối trò chuyện với Jimmy và Rosalynn Carter. Ở tuổi 92, Jimmy Carter vẫn không có vẻ gì là muốn nghỉ ngơi. Đối với nhiều người, thời kỳ tại vị trong Nhà Trắng có lẽ cột mốc sáng chói nhất trong sự nghiệp của họ. Thế nhưng đối với Jimmy, đó chỉ là mốc khởi đầu cho sự nghiệp cống hiến hết mình cho nhân quyền. Ông cũng từng giành giải thưởng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc và giải Nobel Hòa bình.

    Jimmy Carter từng thành lập Carter Center để tiếp tục làm việc cho những nỗ lực nâng cao sức khỏe cho người nghèo, bao gồm cả việc xóa bỏ bệnh giun chỉ. Cuốn sách A full life: Reflections at Ninety của ông cũng là một bản hồi ký tuyệt vời về cả sự nghiệp chính trị lẫn đời tư.

    Hiện tại ông và vợ vẫn thường xuyên giảng dạy về y tế toàn cầu, khoa học chính trị, thần học cũng như tham gia các buổi hỏi đáp với sinh viên tại Đại học Emory. Ở nhà, Carter cũng không kém phần bận rộn với việc tự sơn sửa lại căn nhà trong suốt mấy năm qua. Ông cũng chia sẻ với chúng tôi những bức họa ông vẽ lúc rảnh. Cuộc đời Jimmy thật sự là niềm cảm hứng lớn cho tất cả chúng ta.

    2. Bác “nông dân mọt sách”

    Một trong những cụm từ thú vị nhất tôi học được trong năm 2016 là “nông dân mọt sách”. Đây chính là cụm từ mà Nate Bowling – người nhận danh hiệu Nhà giáo xuất sắc nhất năm của bang Washington – dùng để tự mô tả về vai trò của ông trong lớp học.

    Ông từng kể với tôi rằng: “Tôi thường đùa rằng tôi không khác gì một “nông dân mọt sách”. Công việc của tôi là ươm mầm kiến thức và đam mê học thuật cho học sinh. Chính vì vậy mà tôi luôn mang niềm đam mê ấy vào lớp học, để học sinh có thể nhìn thấy nó và cũng cố gắng đạt được như vậy.”

    Nate hiện đang giảng dạy môn Chính phủ và Địa lý nhân văn trong chương trình AP tại trường Trung học Lincoln ở Tahoma. Một nửa số học sinh của ông là người Mỹ gốc Phi hoặc La-tinh; 70% đủ điều kiện được hưởng bữa trưa miễn phí hoặc giảm giá. Trong quá khứ, do hoàn cảnh mà nhiều học sinh của những ngôi trường nghèo như Lincoln thường không tốt nghiệp cấp 3 hay học tiếp lên Đại học. Nhờ Nate và các cộng sự mà trường Lincoln đã xóa bỏ được hiện thực đó với tỷ lệ tốt nghiệp hiện nay lên đến 80%, trên mức trung bình của các trường cấp 3 có cùng mức nhân khẩu học sinh trong bang Washington. Nate là một ví dụ mẫu mực về những phẩm chất cần có để trở thành một nhà giáo tuyệt vời.

    Ông cũng luôn tìm cách khiến cho bải giảng liên quan nhiều hơn đến cuộc sống hàng ngày của học sinh, chẳng hạn như việc dùng bộ phim Star Wars để giải thích về quyền công dân một cách thú vị. Ông luôn tin rằng “tất cả trẻ em đều có thể học tốt nếu nhận được sự trợ giúp cần thiết.”

    3. Gây dựng lại quê hương

    Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 11 vừa qua, tôi có dịp được gặp Nandan Nilekani, một trong những doanh nhân, nhà tư tưởng và nhà từ thiện nổi tiếng nhất nước này. Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau trước đó là cách đây 20 năm, khi ông còn đang khởi nghiệp Infosys – nay đã là một tập đoàn công nghệ và tư vấn giải pháp nổi tiếng.

    Tôi đặc biệt ấn tượng với cách ông đem niềm đam mê kinh doanh của mình sang các lĩnh vực từ thiện và hành chính công. Năm 2009, Nandan rời Infosys sang lãnh đạo Aadhar, hệ thống cung cấp chứng minh thư sinh tắc học kiểu mới cho hơn 1 tỷ dân Ấn Độ. Giờ đây, Nandan đang ấp ủ dự định sử dụng nền tảng này để nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người nghèo nhất thế giới.

    Ông và vợ cũng thành lập EkStep, một tổ chức phi lợi nhuận hướng đến việc giáo dục sớm cho trẻ em qua các ứng dụng smartphone. Nandan và tôi cùng tin rằng với việc cho phép người dân dễ dàng truy cập vào tài khoản tích lũy, hồ sơ y bạ và giáo dục chất lượng, công nghệ số sẽ thay đổi cuộc sống họ.

    Trong cuốn sách Rebooting India: Realizing a billion aspirations, ông cũng cho rằng “điều nguy hiểm nhất đối với quốc gia của chúng ta là cứ làm mọi việc như thường lệ, bỏ mặc cho hàng tỷ tiếng nói không được lắng nghe, hàng tỷ nỗi niềm không được giải quyết.”

    4. Hãy đi xa cùng nhau

    Người Châu Phi có câu cách ngôn thế này: “Nếu bạn muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, còn nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau.” Đây cũng chính là tầm nhìn của Tiến sỹ Ana Mari Cauce trong nỗ lực lớn lao đưa các nhà nghiên cứu và nguồn lực của ĐH Washington ra giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người trên khắp thế giới.

    Vị hiệu trưởng ĐH Washington đã kết nối các nghiên cứu sinh ngành Y, Y tế công cộng, Đánh giá sức khỏe và Môi trường cũng như nhiều đối tác khác của trường cùng hợp tác vì những mục tiêu chung về y tế trong sáng kiến Population Health Initiative. Sáng kiến Population Health Initiative sẽ đưacác công trình nghiên cứu và dữ liệu y tế vào áp dụng trong thực tế.

    Bà cho rằng: “Khỏe mạnh thực sự không có nghĩa là chỉ không mang bệnh tật trong người. Khi đánh giá sức khỏe, chúng ta cần nhìn nhận cả những yếu tố như hoàn cảnh gia đình, biến đổi khí hậu, bạo lực hay liệu họ có bị phân biệt đối xử hay không.” Tháng 10 vừa qua, quỹ Bill & Melinda Gates cũng đã trao 210 triệu USD cho trường Washington xây dựng một trung tâm nghiên cứu dành riêng cho sáng kiến này.

    5. Người thầy tuyệt vời của tôi

    Trong năm qua, tôi đã dành thời gian gặp gỡ không ít các nhà khoa học và nhà nghiên cứu để thảo luận về những vấn đề từ sốt rét cho đến vi khuẩn. Ở lĩnh vực năng lượng, một trong những người thầy tốt nhất của tôi chính là Ken Caldeira.

    Là một chuyên gia của Học viện Khoa học Carnegie, Ken nghiên cứu các vấn đề hệ trọng liên quan đến khí hậu, carbon và các hệ thống năng lượng. Ông là người đi đầu trong việc khám phá ra các tác động của con người đến môi trường. Những thí nghiệm của ông đã cho chúng ta thấy bằng chứng rõ rệt nhất về ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng acid hóa đại dương đến các rặng san hô dưới đáy biển.

    Ở trường, ông cũng là một giáo sư có lối giảng dạy vô cùng cuốn hút. Điều mà tôi ấn tượng nhất ở ông là khả năng truyền đạt những vấn đề phức tạp một cách dễ hiểu cho tất cả mọi người. Các bạn có thể thấy ngay điều này qua blog cá nhân của ông với những bài viết minh họa thú vị như sử dụng tình huống quản lý chiếc ấm đun cà phê nơi công sở để giải thích về cách chúng ta đang làm để chống lại biến đổi khí hậu.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ