Nghe lập trình viên thú tội về những dòng code "trái lương tâm", nhuốm đầy sự nhục nhã và hối hận
Đạo đức trong lập trình là thứ đáng ra coder nào cũng nên được học những rất tiếc hầu hết các nhà phát triển bước ra từ các bootcamp lập trình lại chẳng được dạy chút gì về nó.
Tuần qua, nhà phát triển kiêm giảng viên lập trình Bill Sourour đã đăng tải một bài viết thu hút rất nhiều sự chú ý của giới công nghệ có tên: “Những dòng code tôi thấy nhục nhã khi viết ra”.
Trong bài viết, Sourour kể về thời còn là một lập trình viên trẻ tuổi cho một hãng dược phẩm. Ông từng bị lừa phải thiết kế website giúp họ luồn lách các quy định về quảng cáo thuốc và thuyết phục phụ nữ mua một loại thuốc mà công ty chỉ định.
Sau đó, ông phát hiện ra loại thuốc này thực chất chỉ làm tồi tệ thêm tình trạng trầm cảm của người dùng, thậm chí một phụ nữ đã quyết định tự tử khi đang sử dụng thuốc. Khi thấy chính em gái mình cũng dùng nó, ông đã phải cảnh báo cô.
Nhiều thập kỷ sau, Sourour vẫn còn cảm thấy tội lỗi về điều này. Chính vì vậy mà sau khi xem video buổi nói chuyện có tên “Tương lai ngành lập trình” của nhà phát triển nổi tiếng Robert Martin, ông đã được truyền cảm hứng để chia sẻ những điều này với cộng đồng IT khắp thế giới.
Những nhà phát triển “giết người”
Trong bài nói chuyện của mình, Martin cho rằng các nhà phát triển phần mềm nên sớm tìm ra cách khắc chế bản thân trong kỷ nguyên mọi thứ chúng ta làm hằng ngày, từ gọi điện thoại, lái xe, đi máy bay,... đều có liên quan đến các phần mềm. Hàng chục người từng tử nạn do các lỗi phần mềm trên ô tô; hàng trăm người cũng đã thiệt mạng do lỗi phần mềm trong hàng không.
Martin nhận định: “Chúng ta đang giết người dù trước đây không gia nhập ngành này để làm điều đó. Chuyện này đang ngày càng tệ hại.”
Ông chỉ ra rằng có những dấu hiệu cho thấy các nhà phát triển sẽ ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với vấn đề này trong tương lai và dẫn lời Michael Horn, CEO Volkswagen tại Mỹ, người cũng từng chỉ trích các kỹ sư phần mềm trong scandal lừa gạt khách hàng về thông số chất thải của các dòng ô tô hãng cung cấp. Tuy nhiên, Horn sau đó đã xin từ chức sau khi các công tố viên tại Mỹ khởi tố công ty về tội đưa ra quyết định từ cấp lãnh đạo nhưng lại cố che giấu điều này.
Thế nhưng về vụ việc này, Martin chỉ ra rằng chính các lập trình viên là người đã viết ra những dòng code lừa lọc đó. “Chính là chúng ta. Một số lập trình viên vẫn viết những dòng code gian lận như vậy. Các bạn có nghĩ họ ý thức được thứ họ đang làm không? Tôi cho là họ biết nhưng vẫn làm.”
Martin kết thúc bài nói chuyện của mình bằng một lời kêu gọi hành động dõng dạc trong đó ông cảnh tỉnh các nhà phát triển rằng những gì họ đang làm có thể giết chết hàng ngàn người.
Ông cũng không quên khẳng định rằng không chỉ vô tình gây tai nạn cho ô tô, máy bay hay cố tình được lập trình để thải độc ra không khí, phần mềm còn đang được nhiều công ty tài chính phố Wall sử dụng để chi phối giá cổ phiếu trên thị trường.
Khi lập trình viên thú tội
Bài viết thú tội của Sourour đã gây bão trên Reddit và trang công nghệ Hacker News khi đính kèm một danh sách dài những lời thú tội của các lập trình viên về những thứ phi đạo đức họ từng được yêu cầu làm.
Một nhà phát triển thú nhận công ty anh làm việc vẫn đang bắt mọi người đăng ký nhận email newsletter hàng tuần ngay cả khi họ chọn option không nhận (trái với quy định liên bang). Các lập trình viên ở đây hàng ngày phải viết code giúp nhân viên sales của công ty nhắm trúng các đối tượng khách hàng tiềm năng. Khi một coder hỏi giám đốc công nghệ về hành động này, anh ta đã bị cho nghỉ việc. Và nay, anh cho biết nhiều lập trình viên vẫn đang làm công việc thu thập dữ liệu địa điểm của rất nhiều người dùng cho các công ty công nghệ.
Một người khác thì tiết lộ anh từng được thuê viết phần mềm cho một thiết bị radio và thiết kế sao cho nó có thể sử dụng luôn các kênh dự trữ cho những dịch vụ khẩn cấp bởi làm vậy sẽ giúp thiết bị hoạt động nhanh chóng hơn. “Nhanh hơn nhưng lại bất hợp pháp, chưa kể đến việc chặn đứng liên lạc trên các kênh khẩn cấp. Vậy nhưng rất nhiều kỹ sư vẫn sẵn lòng làm theo mọi yêu cầu được đưa ra” - anh cho biết.
Trong một trường hợp khác, một lập trình viên chia sẻ rằng hồi còn đi thực tập, anh từng bị sếp yêu cầu viết một số đoạn code copy lại từ website đối thủ để “chiếu demo cho các nhà đầu tư xem”. Anh cảm thấy chuyện này không khác gì lừa gạt các nhà đầu tư.
Đáng chú ý là câu chuyện một nhà phát triển được yêu cầu chỉnh sửa sao lưu một số dữ liệu tài chính và chạy lại báo cáo tài chính cuối năm cho một công ty bằng cách khôi phục lại bản sao lưu cũ. Anh đã từ chối không làm theo và “vài năm sau hay tin khách hàng đó bị bắt do trốn thuế.”
Tiếp nối danh sách thú tội, một nhà phát triển kể rằng anh từng được đặt làm sản phẩm nhắm đến trẻ em bằng cách thiết kế một “game đánh bạc đội lốt game giáo dục quản lý chiến lược cho trẻ em.” Được biết anh không còn dám làm việc ở đó nữa.
Thứ mà các bootcamp dạy lập trình đều thiếu
Một điểm thường thấy trong những câu chuyện này là nếu một nhà phát triển không chịu thực hiện yêu cầu, các công ty vẫn sẽ thuê những coder khác làm thay. Martin chỉ ra rằng có thể điều này đúng ở thời điểm hiện tại, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là một lời ngụy biện lảng tránh trách nhiệm mà thôi.
Robert Martin
Ông nói: “Nhiều người tin là họ đang điều khiển thế giới nhưng lại chỉ viết ra các quy tắc rồi đưa cho chúng ta. Chính chúng ta mới là những người viết ra các quy tắc cho máy tính hiểu và tuân theo.”
Khi lập trình viên không thể kiểm soát chính mình thì một ngày nào đó nếu thảm họa nổ ra, các nhà hành pháp sẽ làm chuyện đó thay họ bằng cách điều khiển họ làm mọi thứ, từ các sản phẩm cho tới ngôn ngữ lập trình họ sử dụng.
Martin cũng nhận định rằng đạo đức trong lập trình là thứ đáng ra coder nào cũng nên được học những rất tiếc hầu hết các lập trình viên bước ra từ các bootcamp (chương trình huấn luyện lập trình phổ biến tại nhiều nơi, đặc biệt ở Thung lũng Silicon) lại chẳng được dạy chút gì về nó.
Giới lập trình hiện nay rất cần một tổ chức quản lý và giám sát các lĩnh vực liên quan đến sản phẩm của họ - thứ mà các hiệp hội IT hiện nay hoàn toàn chưa đả động.
Tham khảo BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI