Nghịch lý giày chạy bộ: Công nghệ tốt vẫn làm tăng nguy cơ chấn thương

    zknight,  

    Bạn sẽ chọn giày truyền thống, để mỏng hay đế dày?

    Khi bạn thấy ngày càng nhiều bạn bè, đồng nghiệp và những người hàng xóm của mình xách giày đi chạy, điều đó có nghĩa là phong trào chạy bộ đang phát triển và phủ rộng ra nhóm những người nghiệp dư.

    Các nhà sản xuất giày vì thế cũng biết tận dụng tập khách hàng này. Họ liên tục cải tiến và tung ra thị trường các công nghệ đế giày mới, nhằm tìm kiếm được sự cân bằng giữa lớp đệm, sự ổn định và lực đẩy mà đôi giày có thể tạo ra.

    Nhưng bất chấp làn sóng cải tiến công nghệ ấy, các nghiên cứu gần đây cho thấy những người đam mê chạy bộ vẫn có nguy cơ gặp chấn thương cao và khó chịu với đôi giày họ sử dụng. Vậy vì lý do gì mà các công nghệ giày mới vẫn không thể giải quyết những vấn đề này?

    Nghịch lý giày chạy bộ: Công nghệ tốt vẫn làm tăng nguy cơ chấn thương - Ảnh 1.

    Nghịch lý giày chạy bộ: Công nghệ tốt vẫn làm tăng nguy cơ chấn thương

    Nghịch lý giày chạy bộ

    Chạy bộ tất nhiên đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nhưng dữ liệu thống kê cho thấy môn thể thao thời thượng này không phải không có những mặt trái của nó. Chạy bộ có thể gây ra các vấn đề như bong gân, căng cơ hoặc các tình trạng quá tải dẫn đến tổn thương hoặc khó chịu ở chân và lưng.

    Cứ ba người chạy bộ thì có một người gặp chấn thương ít nhất 1 lần mỗi năm, theo một bài báo xem xét các tài liệu khoa học về chủ đề này. Ngoài ra, tạp chí Science Report gần đây đã công bố một nghiên cứu cho thấy:

    Mặc dù các công ty sản xuất giày mất cả hàng thập kỷ để nỗ lực tạo ra các công nghệ mới, nhắm đến việc giảm thiểu tác động của các bước chạy lên cơ thể, nhưng có vẻ họ vẫn không thành công, và đôi khi còn gây phản tác dụng.

    Để hiểu được nghịch lý này, các tác giả nghiên cứu đã so sánh cách hai loại giày chạy bộ với đệm thông thường và một loại khác với đệm MAX (có độ dày 43 mm ở gót chân và 37mm ở phía trước). Tình nguyện viên tham gia là 12 người đàn ông khỏe mạnh trong độ tuổi từ 22 đến 32.

    Họ được yêu cầu chạy ở các vận tốc khác nhau (10km/h và 15km/h) để các nhà nghiên cứu quay video lại. Phát hiện từ các video này cho thấy, khi mang giày đệm MAX, tác động của bàn chân lên mặt đất còn lớn hơn so với giày thường.

    Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Helsinki kết luận rằng việc chạy với lớp đế đệm dày hơn đã thay đổi hoạt động bình thường của chân, do đó tạo ra nhiều tác động hơn, thay vì hạn chế các lực này.

    Nghịch lý giày chạy bộ: Công nghệ tốt vẫn làm tăng nguy cơ chấn thương - Ảnh 2.

    Giày chạy với lớp đế đệm dày hơn đã thay đổi hoạt động bình thường của chân, do đó tạo ra nhiều tác động hơn, thay vì hạn chế các lực này.

    Giày chạy có đệm dày lại khiến chân cứng hơn và chạm đất mạnh hơn

    Nhà nghiên cứu chính của bài báo, Juha-Pekka Kulmala, giải thích kết luận của mình bằng các lập luận cơ học sinh học.

    Khi chúng ta chạy, đôi chân của chúng ta hoạt động giống như một chiếc lò xo. Nó nén khi chân chạm đất và giãn ra khi bàn chân nhấc lên. Những đôi giày có đệm dày đã đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ nén, khiến chân không cần phải nén nhiều đồng thời uốn cong ít hơn ở đầu gối và mắt cá chân.

    Điều này được quan sát thấy rõ ràng trên các video mà nhóm nghiên cứu quay lại được. Và theo giả thuyết của Kulmala, sự cứng nhắc mà đôi giày có đế đệm dày gây ra, và tác động chạm đất mạnh hơn đó có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ chấn thương cho người chạy bộ.

    Nghịch lý giày chạy bộ: Công nghệ tốt vẫn làm tăng nguy cơ chấn thương - Ảnh 3.

    Khi chúng ta chạy, đôi chân của chúng ta hoạt động giống như một chiếc lò xo

    Vậy điều này có nghĩa là chúng ta không nên chọn giày có đế đệm dày?

    Jose Víctor Alfaro, một bác sĩ phẫu thuật tại Liên đoàn điền kinh Hoàng gia Tây Ban Nha (RFEA), người đang làm việc cho câu lạc bộ bóng đá Real Madrid, đồng thời sáng lập một mạng lưới các phòng khám chuyên khoa trả lời câu hỏi này, ông nói:

    "Sau khi đã điều trị cho gần 400.000 bệnh nhân, chúng tôi chưa từng tìm thấy hai bàn chân nào giống hệt nhau, cũng như những người chạy giống nhau như đúc".

    Theo ý kiến của ông ấy, bạn không thể rút ra kết luận chung chung rằng giày có đệm cao là không tốt cho tất cả mọi người. Đơn giản là chúng ta chưa thể chắc chắn một thứ gì đó sẽ tốt hơn cho một bàn chân uốn cong nhiều hoặc độ đàn hồi, so với một bàn chân khác rất phẳng hoặc cứng nhắc, Alfaro nói. "Công thức là không có công thức nào cả".

    Tương tự, Alfaro tin rằng một công nghệ không thể được coi là tốt hay xấu. "Tất cả các công nghệ phục vụ chúng ta ngày nay đều có một phần tác dụng thực sự, nhờ vào những kết quả nghiên cứu và phát triển kỹ thuật quan trọng đằng sau nó", ông nói. "Nhưng [thực tế cho thấy] những công nghệ này có thể giúp ích cho một người chạy nào đó, [nhưng chính công nghệ đó lại] có thể gây thương tích cho một người khác".

    Nếu bạn suy nghĩ theo chiều hướng này, kết quả của nghiên cứu mới trên tạp chí Science Report cũng chỉ nên được tin với một nửa sự nghi ngờ. "Bạn có thể tìm thấy các bài viết xác nhận kết quả đó hoặc phản biện với điều ngược lại. Nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhóm nghiên cứu", vị bác sĩ phẫu thuật đang làm việc tại Real Madrid nói.

    Trên thực tế, bài báo này đã được các nhà nghiên cứu khác bình duyệt và xác nhận kết luận của nó.

    Nghịch lý giày chạy bộ: Công nghệ tốt vẫn làm tăng nguy cơ chấn thương - Ảnh 4.

    Có vẻ sau nghiên cứu này, việc chọn giày chắc chắn sẽ trở thành một băn khoăn lớn hơn với những người yêu thích chạy bộ.

    Chúng ta cần những vật liệu mới để tạo ra cuộc cách mạng

    Đối với các nhà sản xuất giày, công nghệ đế đệm được coi là mũi nhọn trong mục tiêu sáng tạo và đổi mới. Trước đây, người ta thường chỉ bán những đôi giày được quảng cáo với cụm từ "đế cao su" là đủ. Nhưng bây giờ, đế giày có thể được làm từ nhiều vật liệu khác nhau, có thể là cao su tổng hợp, polyurethane nhiệt dẻo, polymer hoặc bọt xốp thông minh cho đến bã mía tái chế...

    Và để có được sự thoáng khí và hỗ trợ tốt, phần trên của những đôi giày cũng được tạo thành từ các loại vải và sợi ngày càng tinh vi.

    "Nhưng những tiến bộ quan trọng nhất vẫn đang diễn ra ở dưới đế", Alfaro nói. "Đây là lĩnh vực có tác động lớn nhất, bởi vì đó là phần tiếp đất và phải hứng lại năng lượng [từ cú tiếp đất ấy]".

    Cùng là phần đế, mỗi hãng giày bây giờ lại chọn cho mình một hướng đi riêng. Trong khi Nike nhắm đến việc cải thiện phản lực từ đế, Mizuno lại cam kết tìm kiếm sự cân bằng giữa lớp đệm và sự ổn định, Asics thì tập trung hơn vào việc kết hợp sự nhẹ nhàng và linh hoạt.

    Tùy từng tập khách hàng mà những cải tiến công nghệ này sẽ hấp dẫn họ với những lợi ích, hoặc ngược lại, có thể gây chấn thương. Suy cho cùng, chưa có một cách tiếp cận nào tốt nhất cho tất cả mọi người.

    "Vì họ [mỗi hãng giày] có một mục tiêu rất cụ thể, những công nghệ đế này nên được chỉ định cho những người chạy cụ thể", vị bác sĩ phẫu thuật của Real Madrid kết luận. Có vẻ sau nghiên cứu này, việc chọn giày chắc chắn sẽ trở thành một băn khoăn lớn hơn với những người yêu thích chạy bộ.

    Tham khảo Openmind

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ