Nghiên cứu: Chỉ mất 1/10 giây để bạn phán xét một người qua quần áo họ đang mặc có đắt tiền hay không
Thay vì được tôn trọng vì nghị lực sống và khả năng vươn lên, những người nghèo lại phải đối mặt với ánh mắt coi thường và thiếu tôn trọng từ các tầng lớp khác của xã hội.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Human Behavior, chúng ta thực sự đang nhìn vào quần áo của mọi người để đánh giá năng lực của họ. Một người mặc quần áo trông có vẻ giàu hơn nhiều khả năng sẽ được đánh giá cao hơn trong mắt người đối diện.
Trái với những gì chúng ta thường tự nhủ mình “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, những phán xét vô thức về quần áo vẫn xuất hiện trong đầu chúng ta, ngay từ khoảng vài phần nghìn giây khi chúng ta nhìn vào ai đó.
Và các nhà khoa học cho biết sự phán xét này rất khó tránh khỏi, giống với một thí nghiệm từng được Unicef thực hiện trước đây:
Quần áo quyết định cách bạn được người khác đối xử
Người mặc quần áo trông có vẻ giàu có luôn được đánh giá cao hơn
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Princeton và Đại học New York. Trong đó, họ đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm để đưa ra được kết luận.
Đầu tiên, họ tuyển chọn một nhóm “thẩm phán” độc lập để đánh giá 50 khuôn mặt kết hợp với các loại quần áo khác nhau. Mỗi “thẩm phán” này được hỏi rằng họ trông người trong ảnh giàu hay nghèo.
Qua lượt đánh giá này, 18 bộ quần áo mặc bởi người da đen và 18 bộ khác mặc bởi người da trắng đã được lựa chọn cho các thí nghiệm tiếp theo.
Những bộ quần nào này nằm trong 2 nhóm được đánh giá là nghèo nhất và giàu nhất. Tuy nhiên, chúng đều đảm bảo phải sạch sẽ và không thể hiện sự nghèo đói cùng cực hoặc quá giàu có xa hoa.
Nói tóm lại, đó là những bộ quần áo thường ngày, có gợi lên sự khác biệt giàu nghèo nhưng chỉ ở mức tinh tế mới có thể nhận ra.
Trong thử nghiệm đầu tiên, các nhà khoa học tuyển chọn một nhóm tình nguyện viên. Họ được cho nhìn ảnh chụp nửa người trên của hai nhóm người mặc quần áo giàu và nghèo.
Các tình nguyện viên được yêu cầu dựa vào khuôn mặt trong ảnh để đánh giá năng lực của người họ nhìn thấy, theo thang điểm từ 1 đến 9.
Các bức ảnh được chiếu trên màn hình trong 3 khoảng thời gian khác nhau, từ 1 giây giảm xuống ngưỡng 130 mili giây, chỉ đủ dài để nhận ra một người qua khuôn mặt họ.
Kết quả cho thấy, những khuôn mặt kết hợp với nhóm quần áo được coi là giàu có hơn ở nghiên cứu trước đã được đánh giá là có năng lực hơn ở nghiên cứu này. Ngược lại, các khuôn mặt kết hợp với quần áo được coi là nghèo hơn cho kết quả đánh giá năng lực kém hơn.
Những khuôn mặt kết hợp với quần áo được coi là giàu hơn được đánh giá là có năng lực hơn.
Để kiểm tra lại kết quả của nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tinh chỉnh thí nghiệm của họ thành nhiều phiên bản.
Phiên bản thứ hai, vẫn với các khuôn mặt và quần áo cũ, tình nguyện viên tham gia chấm điểm, lúc này, nhận được lưu ý rằng quần áo trong những bức ảnh không liên quan gì đến năng lực của người mà họ đang đánh giá.
Phiên bản thứ ba cung cấp cả thông tin về nghề nghiệp và thu nhập của từng người trong ảnh để giảm thiểu các suy luận tiềm năng xuất phát từ quần áo họ mặc. Phiên bản thứ tư mở rộng nhóm người tham gia đánh giá lên gần 200 người và yêu cầu rõ ràng họ phải bỏ qua các phán xét từ quần áo trong những bức ảnh.
Phiên bản thứ năm còn khuyến khích điều đó hơn nữa, bằng cách trao thưởng tiền mặt cho những ai đánh giá và xếp hạng năng lực gần đúng nhất với đáp án, từ một nhóm đánh giá những khuôn mặt mà không có quần áo.
Thế nhưng, bất kể những thay đổi này, kết quả từ tất cả các thí nghiệm đều cho kết quả nhất quán với thí nghiệm ban đầu: Một khuôn mặt được đánh giá là có năng lực hơn đáng kể khi quần áo họ mặc đem lại cảm giác giàu có hơn.
Sự phán xét này được đưa ra gần như ngay lập tức và ngay cả khi tình nguyện viên có nhiều thời gian hơn để đánh giá.
Khi họ được cảnh báo rằng quần áo không liên quan gì đến năng lực của nhân vật, hoặc yêu cầu tình nguyện viên bỏ qua hẳn những định kiến về quần áo của người trong ảnh, các phán đoán về năng lực vẫn thiên về phía những người mặc quần áo trông giàu có hơn.
Thay vì được tôn trọng vì nghị lực sống và khả năng vươn lên, những người sống trong nghèo đói lại phải đối mặt với ánh mắt coi thường và thiếu tôn trọng từ các tầng lớp khác của xã hội.
Những phán xét rất khó tránh khỏi
“Nghèo đói là một nơi chứa đầy rẫy những thách thức. Thay vì được tôn trọng vì nghị lực sống và khả năng vươn lên, những người sống trong nghèo đói lại phải đối mặt với ánh mắt coi thường và thiếu tôn trọng từ các tầng lớp khác của xã hội”, Eldar Shafir, Giáo sư Khoa học Hành vi và Chính sách Công cộng đến từ Trường Quan hệ Công chúng và Các vấn đề quốc tế Woodrow Wilson thuộc Đại học Princeton cho biết.
“Chúng tôi thấy rằng sự thiếu tôn trọng như vậy - rõ ràng là không có cơ sở, vì trong các nghiên cứu này, những khuôn mặt giống hệt nhau được coi là kém cỏi hơn khi xuất hiện với quần áo trông rẻ tiền hơn - bắt đầu từ một phần mười giây đầu tiên của cuộc gặp mặt”.
Qua các nghiên cứu của mình, các nhà khoa học kết luận tình trạng kinh tế được nhận diện từ tín hiệu quần áo có ảnh hưởng đến các đánh giá năng lực tới một người.
Điều này tồn tại ngay cả khi khuôn mặt xuất hiện trong khoảng thời gian rất ngắn, ngay cả khi họ đã cung cấp thông tin về nghề nghiệp hoặc thu nhập của người đó, khi quần áo họ mặc trang trọng hay không trang trọng, khi những đánh giá được khuyên nên bỏ qua tín hiệu quần áo, khi họ được cảnh báo quần áo ai đó đang mặc không có mối quan hệ nào với năng lực của người đó và khi người đánh giá nhận được phần thưởng tiền bạc để đưa ra phán xét công tâm nhất, độc lập với quần áo.
“Nhiều nghiên cứu khác đã từng chỉ ra mọi người nhạy cảm với hình ảnh xuất hiện của một người giàu và một người nghèo như thế nào”, DongWon Oh, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Tâm lý học, Đại học New York cho biết.
“Nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng mọi người dễ bị các tín hiệu này khi đánh giá người khác về những đặc điểm có ý nghĩa, như năng lực và những tín hiệu này rất khó, nếu không nói là không thể bỏ qua”.
“Để vượt qua sự thiên vị, con người ta không chỉ cần nhận thức được điều đó, mà còn phải có thời gian, cần chú ý và cần cả động lực để chống lại sự thiên vị”, các nhà nghiên cứu đã viết.
“Trong các nghiên cứu của mình, chúng tôi đã cảnh báo người tham gia về sự thiên vị tiềm năng, đưa cho họ những khoảng thời gian tiếp xúc khác nhau, cung cấp cho họ thông tin bổ sung về các đối tượng và cung cấp cả các phần thưởng tài chính, tất cả đều nhằm giảm bớt sự thiên vị. Nhưng không có sự can thiệp nào trong số này tỏ ra hiệu quả”.
Chỉ mất hơn 1/10 giây để bạn phán xét một người qua quần áo họ mặc.
“Bất bình đẳng giàu nghèo đã ngày càng trở nên tồi tệ từ cuối những năm 1980 ở Hoa Kỳ. Bây giờ, khoảng cách giữa 1% những người giàu nhất và tầng lớp trung lưu đã là hơn 1.000.000%, một con số tê dại”, tiến sĩ DongWon Oh nói.
Các phát hiện mới cho thấy những người có thu nhập thấp có thể phải đối mặt với những rào cản liên quan đến cách người khác đánh giá khả năng của họ - chỉ đơn giản từ việc nhìn vào quần áo họ mặc.
Vậy rốt cuộc chúng ta phải làm thế nào để thoát khỏi những thiên kiến mang tính phán xét này?
“Nhận thức được sự thiên vị này thường là bước khởi đầu tốt”, giáo sư Shafir nói. “Một giải pháp tạm thời tiềm năng khác là tránh gặp mặt trực tiếp bất cứ khi nào có thể. Giống như những giáo viên đôi khi phải che tên học sinh trong các bài thi để chấm điểm khách quan hơn, những người phỏng vấn và ứng viên có thể muốn năng lực được đánh giá trên giấy [trong hồ sơ của họ] trước buổi gặp mặt.
Một ví dụ thực tế là nhiều trường đại học và viện nghiên cứu đã tìm được những ứng viên chất lượng hơn khi họ không tổ chức phỏng vấn. Cũng là một quan điểm tuyệt vời để ủng hộ việc học sinh nên mặc đồng phục khi đến trường”.
Tham khảo Princeton
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI