Nghiên cứu: Độ chính xác của công nghệ nhận diện khuôn mặt giảm mạnh đối với người đeo khẩu trang
Các nhà khoa học Mỹ mới đây đã tiến hành kiểm chứng độ chính xác của nhiều hệ thống nhận diện khuôn mặt với người đeo khẩu trang và kết quả cuối cùng không quá bất ngờ.
Một nghiên cứu mới từ Viện tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) đã tiến hành kiểm chứng độ chính xác của các thuật toán nhận diện khuôn mặt khi xác định người đeo khẩu trang. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thất bại của một số hệ thống nhận diện gương mặt khi xác thực khuôn mặt của những người đeo khẩu trang có thể lên tới 50%.
Trong vài năm qua, việc các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng ngày càng nhiều công nghệ nhận diện khuôn mặt còn nhiều khiếm khuyết đã dẫn tới các cuộc tranh cãi về tính hiệu quả của công nghệ và sự thiếu giám sát trong quá trình sử dụng. Đó là lý do dẫn tới việc một số thành phố ở Mỹ đã cấm hoàn toàn việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Trong khi đó, Liên minh tự do dân sự Mỹ (ACLU) cũng kêu gọi thúc đẩy sự minh bạch khi triển khai công nghệ này.
Do tác động của đại dịch Covid-19 nên hầu hết mọi người trên thế giới đều đang đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Và vì sự xuất hiện của khẩu trang nên cũng có nhiều câu hỏi mới về tác động của nó với công nghệ nhận dạng gương mặt.
Một báo cáo đăng trên tờ The Intercept tiết lộ một bản ghi nhớ của Bộ An ninh nội địa Mỹ bày tỏ mối lo ngại về hiệu quả, độ chính xác khi nhận diện khuôn mặt của một người đeo khẩu trang.
Thông điệp có đoạn: "Chúng tôi đánh giá các hệ thống nhận diện khuôn mặt sử dụng để hỗ trợ các nhiệm vụ bảo mật ở nơi công cộng sẽ kém hiệu quả hơn khi gương mặt bị che một phần hoặc hoặc toàn bộ để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19".
Giới chức Mỹ lo ngại rằng, khẩu trang sẽ làm tăng mối lo ngại liên quan đến bạo lực, khủng bố khi nhiều kẻ xấu có thể sử dụng khẩu trang như một cách để ngụy trang và tránh sự phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật.
Mới đây một nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra hiệu quả của hệ thống nhận diện khuôn mặt hiện tại đối với người đeo khẩu trang và kết quả không nằm ngoài dự đoán.
Các nhà khoa học thuộc Viện NIST và hiện tham gia chương trình Face Recognition Vendor Test đã tiến hành kiểm tra 89 hệ thống nhận diện khuôn mặt bán trên thị trường trong các thử nghiệm với các gương mặt có đeo khẩu trang.
Mei Ngan, một nhà khoa học máy tính hiện đang làm việc cho NIST cho biết: "Khi dịch bệnh tràn tới, chúng ta cần phải hiểu được cách công nghệ nhận diện khuôn mặt xử lý ra sao đối với người đeo khẩu trang. Chúng tôi đã bắt đầu tập trung vào cách một thuật toán được phát triển trước khi đại dịch xảy đến có bị ảnh hưởng bởi những người đeo khẩu trang hay không. Cuối mùa hè này, chúng tôi dự định sẽ kiểm tra tính chính xác của các thuật toán được phát triển có chủ ý hướng tới những người đeo khẩu trang".
Sau hàng loạt các thử nghiệm đối sánh, các nhà khoa học nhận thấy ngay cả thuật toán nhận diện gương mặt chính xác nhất cũng có tỷ lệ thất bại khá cao khi phải đối mặt với một người đeo khẩu trang.
Hệ thống tốt nhất được thử nghiệm trong nghiên cứu vẫn có tỷ lệ thất bại là 5%, khá cao so với tỷ lệ thất bại nếu không có khẩu trang là 0,3%. Trong khi đó các thuật toán nhận diện khuôn mặt còn lại có tỷ lệ sai sót dao động từ 20-50%.
Cụ thể, độ che phủ của khẩu trang qua sống mũi càng lớn thì độ chính xác của hệ thống nhận diện càng kém. Ngoài ra, màu của khẩu trang cũng có tác động không nhỏ tới độ chính xác, đặc biệt khẩu trang màu đen gây ra sai lệch nhiều hơn so với màu xanh.
Ngoài ra các thuật toán nhận diện khuôn mặt không xác định chính xác khuôn mặt là những người khác. Thay vào đó, hệ thống chỉ đơn giản là không thể đưa ra các quyết định ngay từ đầu.
Mei Ngan tiết lộ, NIST trong tương lai sẽ phân tích các biến số khác và các hệ thống nhận diện khuôn mặt mới, giúp nó có thể xác định gương mặt dựa trên những đường nét xung quanh khẩu trang.
Tất nhiên thông tin trên sẽ là tin vui đối với những người không thích công nghệ nhận diện khuôn mặt. Nhưng các công ty công nghệ đang chạy đua trong việc xây dựng thuật toán thích ứng với những người đeo khẩu trang.
Hồi tháng 3/2020, một start-up Trung Quốc đã công bố hệ thống nhận diện cải tiến giúp phát hiện và nhận diện khuôn mặt người đeo khẩu trang. Các công ty công nghệ Mỹ cũng đang nghiên cứu cách giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt.
Tham khảo Newatlas
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming