Nghiên cứu 'minh oan' cho Facebook trong nghi vấn can thiệp bầu cử

    Lan Phương, Báo Tin Tức 

    Các thuật toán về xếp hạng nội dung của Facebook không định hình quan điểm chính trị của người dùng. Đây là kết luận ban đầu của dự án nghiên cứu về Facebook trong khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và được công bố ngày 27/7.

    Nghiên cứu 'minh oan' cho Facebook trong nghi vấn can thiệp bầu cử - Ảnh 1.

    Biểu tượng của Facebook trên màn hình điện thoại thông minh. Ảnh: AFP/TTXVN

    Thuật toán của Facebook sử dụng công nghệ máy học để quyết định bài đăng nào sẽ đứng đầu bảng tin của người dùng dựa trên sở thích của họ. Thuật toán này thường đối mặt với chỉ trích rằng sẽ hạn chế thông tin người dùng được tiếp cận và dẫn tới thông tin sai lệch.

    Để xác minh giải thuyết này, Meta - công ty chủ quản của Facebook và Instagram - phối hợp với các học giả của các trường đại học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu với sự tham gia của 40.000 người có tài khoản Facebook. Các học giả được cấp quyền truy cập dữ liệu nội bộ của công ty này. Nhóm học giả sau đó đã có các bài viết đánh giá về vai trò của mạng xã hội Facebook đối với nền dân chủ Mỹ và đăng trên các tạp chí Science và Nature.

    Trong nghiên cứu thứ nhất, các học giả đã thiết kế một thử nghiệm trong đó một nhóm người sử dụng Facbook được tiếp xúc với thuật toán thông thường, trong khi nhóm còn lại xem các bài đăng được liệt kê theo trình tự thời gian. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng người dùng trong nhóm tiếp cận nguồn dữ liệu theo trình tự thời gian đã tiêu tốn chỉ khoảng một nửa thời gian trên Facebook và Instagram so với nhóm thuật toán. Trên Facebook, những người trong nhóm theo trình tự thời gian đã xem nhiều nội dung hơn từ các bài đăng trong nhóm bạn bè, cũng như nhiều nguồn nội dung khác với các quan điểm trái ngược nhau. Tuy nhiên, các bài đăng theo trình tự thời gian lại làm tăng lượng nội dung chính trị và không đáng tin cậy mà người dùng nhìn thấy. Bất chấp những sự khác biệt, sự điều chỉnh trong trình tự thời gian xem bài đăng không dẫn đến sự thay đổi thái độ chính trị.

    Tương tự, trong các nghiên cứu còn lại, nhóm học giả đã đánh giá tác động của những nội dung được chia sẻ lại, nội dung của những người cùng quan điểm. Kết quả chỉ ra rằng tất cả những nội dung này đều không tác động đến niềm tin của người dùng.

    Meta hoan nghênh những phát hiện trên. Ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, nhấn mạnh các nghiên cứu cho thấy có rất ít bằng chứng cho thấy mạng xã hội gây ra... sự phân cực có hại hoặc có bất kỳ tác động lớn nào đối với thái độ, niềm tin hoặc hành vi chính trị quan trọng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày