Ngược đời: Vì sao coder chọn MacBook nhưng sếp phần mềm (không phải code) lại chọn Surface cho công việc?
Bạn có thể không tin điều này, nhưng vai trò thực sự của những chiếc laptop chạy macOS và Windows trong thế giới phần mềm đang rất khác biệt với phần còn lại của thế giới.
Chắc hẳn là với nhiều người, máy Mac của Apple bị mang cái "dớp" là sản phẩm trưng bày dành cho những kẻ quá giàu có không biết làm gì với đồng tiền của mình. Có lẽ, một phần lý do dẫn tới hiện tượng này là vì quyết định kiên quyết nói "không" của Apple với giá rẻ trên bất kỳ một thị trường nào, cũng như vì danh tiếng của iPhone, chiếc điện thoại từng phá vỡ cái dớp "giá rẻ" của di động và cho đến nay vẫn là sản phẩm duy nhất của Apple trong cuộc chiếc smartphone.
Tuy vậy, nếu đã từng có kinh nghiệm tham gia các lĩnh vực chuyên nghiệp, bạn sẽ hiểu rằng những chiếc máy Mac không phải là đồ "trưng bày". Trái lại, chúng còn là trợ thủ đắc lực cho những người không cần chơi game mà chỉ cần một cỗ máy bền bỉ, ổn định và có nhiều tính năng phù hợp với công việc.
MacBook: Cỗ máy tuyệt vời nhất của coder
Sử dụng máy Mac là một xu hướng không thể chối cãi của giới kỹ sư phần mềm, nhất là với các thế hệ Macbook từ 2016 trở về trước. Lợi thế đầu tiên của máy Mac nói chung và MacBook là ở chỗ đây là những cỗ máy duy nhất có thể dùng để phát triển phần mềm cho bất kỳ một hệ điều hành nào: trong khi bất kỳ một chiếc PC nào cũng có thể dùng để phát triển app cho Windows và Android, chỉ duy nhất máy Mac có thể compile các ứng dụng macOS và iOS. Với vị thế là hệ điều hành "màu mỡ" nhất cho giới phát triển ứng dụng di động, iOS cũng trở thành sợi dây "trói" vô số developer đến với trải nghiệm PC của Táo.
Tiếp đến, xét về khía cạnh công cụ code thì macOS cũng có thể coi là vượt trội so với cả Windows lẫn Linux. Do là một hệ điều hành nhân UNIX, macOS sở hữu terminal mạnh mẽ và vượt trội hơn hẳn Windows. Nhiều công cụ cần thiết được cài đặt sẵn; nhìn về tổng thể thì các bộ công cụ cần thiết cho nghề dev trên macOS không hề thua kém mà thậm chí còn có phần vượt trội so với hệ điều hành của Microsoft. Nếu nói về chất lượng và hiệu năng hoạt động của các IDE hay các tool cần thiết khác, Windows quả thực không phải là đối thủ của macOS.
So với Linux, macOS đơn giản là mang đến trải nghiệm UI dễ sử dụng và trau chuốt hơn. Thực tế, dù được giới developer ưa thích nhưng nói về trải nghiệm người dùng thì Linux còn thua cả Windows chứ đừng nói đến macOS.
Chất lượng phần cứng vượt trội của Mac
Dĩ nhiên, đến khi cần thì bạn vẫn có thể cài đặt Windows lên MacBook, và đây chính là lúc chúng ta phải nghiêm túc cân nhắc chất lượng phần cứng của máy Mac trong mắt giới coder. Cho đến tận bây giờ, trackpad trên MacBook vẫn là loại trackpad duy nhất được nhiều người đánh giá là có thể thay thế hoàn toàn cho chuột thông thường. Thế mạnh về ngoại hình cũng không thể bỏ qua được – bất kể bạn là ai, khi đi làm bạn đều sẽ muốn cầm trên tay một cỗ máy đẹp và gợi nhắc vẻ chuyên nghiệp (thực sự là như vậy, Windows còn có tính giải trí, có khả năng chơi game chứ máy Mac thì không).
Giá cả thì sao? Đúng là máy Mac đắt thật, nhưng nếu muốn cầm một cỗ máy Windows có cấu hình và thiết kế đẹp tương tự thì bạn sẽ phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ không kém. Đây là sự thật đã được thiết lập từ khi các mẫu Ultrabook vội vã bám đuổi theo MacBook Air. Đến nay, khi nhìn vào Surface cùng các bản sao của Dell, ASUS hay HP, bạn sẽ thấy trong thị trường laptop làm việc cao cấp, máy Mac thực sự là không đắt.
Silicon Valley, giới startup nói riêng và ngành phần mềm cũng có một lý do riêng khiến cho máy Mac trở nên dễ chấp nhận hơn: so với lương thưởng của giới kỹ sư phần mềm, một cỗ máy Mac thực sự không hề đắt. Chọn lựa những cỗ máy ổn định và ít lỗi vặt như MacBook rõ ràng là sẽ tạo ra tâm lý thoải mái nhất, sinh-lời-nhiều-nhất-cho-công-ty từ những gã coder lương vài nghìn đô mỗi tháng. Rất nhiều công ty cũng sẵn sàng cung cấp laptop làm việc cho coder của mình nhằm tạo hiệu quả làm việc tốt nhất, và nhờ vậy nên nhiều người có thể chọn MacBook mà không cần lo giá cả.
Windows dành cho sếp
Bên cạnh thiết kế TouchBar khó hiểu trên MacBook Pro 2016, những chiếc máy laptop chạy macOS hiện đang có 2 điểm yếu ngăn cản chúng không thể trở thành lựa chọn của toàn bộ ngành công nghiệp phần mềm, đặc biệt là giới làm "sếp" chỉ suốt ngày đi họp.
Điểm yếu thứ nhất: Office. Microsoft dù càng ngày càng quan hệ tốt với Apple nhưng vẫn biết cách giữ Office làm một thế mạnh đặc biệt của Windows khi hạn chế lượng tính năng mang lên Office bản macOS. Dĩ nhiên là bạn vẫn có thể cài Windows lên MacBook, nhưng nếu như bạn không thực sự cần các thế mạnh về kỹ thuật của macOS thì chi bằng mua luôn một cỗ máy của Dell hoặc ASUS cho xong.
Điểm yếu thứ hai (và có lẽ là điểm yếu quyết định): cảm ứng. Điểm mạnh này có ý nghĩa đặc biệt với giới làm "sếp" trong nghề code và cả các khối người dùng doanh nghiệp không code nữa. Rõ ràng là giao diện cảm ứng vẫn có giá trị trực quan cao hơn giao diện chuột/bàn phím, và chẳng có lý do gì các doanh nghiệp lại không áp dụng thế mạnh ấy. Sự thiếu hụt về ứng dụng phổ thông chất lượng của Windows 10 thực chất là không mấy quan trọng, bởi người dùng môi trường doanh nghiệp không cần quan tâm tới Facebook, Instagram hay Pokemon GO mà chỉ cần các ứng dụng "thửa" đặc trưng. Khi xây dựng các ứng dụng "thửa" này, doanh nghiệp nào cũng có thể lựa chọn Windows thay cho iOS.
Bởi nếu lựa chọn xây dựng các ứng dụng cảm ứng "thửa" trên Windows, họ cũng sở hữu luôn cả trải nghiệm Office và nhiều công cụ x86 chất lượng khác. Ở phía còn lại, sự chống đối của Apple đối với xu thế "lai" laptop với tablet là hoàn toàn rõ ràng, và bởi vậy nên những người dùng vừa muốn trải nghiệm chuột/phím vừa muốn trải nghiệm cảm ứng sẽ phải mang cả máy Mac lẫn iPad theo mình. Với giới doanh nghiệp luôn cần những trải nghiệm tiện lợi hơn, rõ ràng Surface hấp dẫn hơn bộ đôi MacBook và iPad.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"