Người chơi bitcoin đang kiếm lợi nhuận lên đến 700%, và rồi vụ hack trị giá hàng chục triệu USD xảy ra
Sau vụ tấn công, rất nhiều người dùng đã mất trắng khoản lãi kiếm được sau nhiều năm chơi bitcoin.
Nhiều năm nay, Tian Jia đã kiếm được lợi nhuận trên các khoản đầu tư của mình ở mức tất cả các nhà đầu tư trên thế giới phải ao ước: 700%!
Lập trình viên 29 tuổi sống ở Bắc Kinh này đang đặt tới 440.000 USD trên sàn bitcoin Hong Kong Bitfinex, và hầu như sáng nào thức dậy cũng sẽ thấy tài khoản của mình tăng thêm vài nghìn USD. Khoản lời này đến từ việc cho các trader bitcoin vay tiền. Những thương vụ thế này cho phép các chủ nợ như Tian tự đặt mức lãi suất riêng – đôi khi có thể lên đến 700% mỗi năm. Có những thời điểm lợi nhuận Tian kiếm được trong một ngày bằng cả số tiền những người cầm trái phiếu kho bạc Mỹ kiếm được trong 10 năm.
Tian cho biết: “Lợi nhuận thu về rất khủng khiếp. Bitfinex là một trong những sàn đi tiên phong khi ra mắt các sản phẩm như cho vay chơi bitcoin.”
Thế nhưng những thương vụ lãi đậm như vậy lại có một cái kết cay đắng khi tuần qua, Bitfinex thông báo vừa bị hacker đánh cắp mất 119.756 bitcoin, tương đương với 70 triệu USD tiền mặt theo mệnh giá hiện nay. Mặc dù không mất tiền mặt nhưng Tian cũng chịu thiệt hại lên đến 36% tổng số vốn đặt tại đây – tương đương với 160.000 USD – sau nỗ lực cứu vãn khách hàng của sàn Bitfinex. Anh cho biết thiệt hại này đã làm tiêu tan tất cả các số lợi nhuận kiếm được qua việc cho vay tiền.
Trước vụ tấn công, Bitfinex từng là sàn giao dịch bitcoin đổi ra USD lớn nhất hiện nay. Bitfinex cho biết dựa vào người dùng để bù lại khoản mất mát là cách tốt nhất để tránh khỏi phá sản – điều có thể kéo theo tất cả các khoản cọc và giao dịch của người dùng trong nhiều năm qua. Sàn này cũng hy vọng có thể bồi hoàn lại cho các nạn nhân số tiền thiệt hại.
Các khách hàng hiện nay được đề xuất nhận các token có thể quy đổi thành cổ phần tại công ty mẹ của Bitfinex, giúp họ thu về lợi nhuận từ lợi nhuận hàng năm trong tương lai. Zane Tackett, giám đốc Bitfinex cho biết sàn cũng đang đề xuất thưởng cho bất cứ ai có thể giúp khôi phục lại được số tiền bị mất 5% tổng số tiền, tương đương với hơn 3 triệu USD.
Vụ việc đã khiến cho Tian và những người như anh phải viện đến cố vấn pháp lý. Trên thực tế, phản ứng của người dùng (chấp nhận lấy cổ phần công ty hay quyết định khởi kiện) sẽ định đoạt số phận của Bitfinex.
Tian chia sẻ: “Một số người dùng vẫn đang nhờ tới các luật sư cân đo giữa các lựa chọn hiện nay; việc dính dáng vào các vụ kiện tụng cũng kéo theo rất nhiều rủi ro. Khoản thiệt hại không quá khủng khiếp như tôi tưởng tượng nhưng vẫn còn rất nhiều nghi hoặc xoay quanh cách thức bồi thường của Bitfinex.”
Những nghi vấn này bao gồm các câu hỏi như Bitfinex đã tính toán thế nào để ra được con số 36% thiệt hại? Liệu Bitfinex có dự phần chút nào trong khoản thất thoát này không? Có bảo đảm nào cho việc người dùng có thể quy đổi các token công ty đề nghị kia thành cổ phần trong tương lai hay không? Sàn Bitfinex hiện vẫn chưa trả lời những cây hỏi trên từ Bloomberg.
Các token Bitfinex phát hành có tổng giá trị 70 triệu USD đã ngay lập tức tụt về còn 21 triệu USD trong phiên giao dịch thứ năm vừa qua.
Sự tụt giảm trên không cho thấy bất cứ dấu hiệu đáng tin nào vào tương lai của Bitfinex. Peter Ng, một người dùng Hong Kong bị thiệt hại 200.000 USD cho biết: “Bitfinex đã chứng minh rằng họ có thể sống sót sau thảm họa, nhưng chúng tôi cần những bằng chứng cho thấy sự minh bạch của công ty. Đánh mất uy tín cũng đồng nghĩa với đánh mất khánh hàng.”
Peter cũng cho biết thực chất anh đã tưởng tượng sự việc còn nghiêm trọng hơn thế này. Tháng 2 năm 2014, sàn Mt. Gox tại Tokyo – khi đó là sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới – thông báo bị các hacker tấn công và đánh cắp mất 480 triệu USD. Mt.Gox sau đó phải tuyên bố phá sản. Người dùng của Mt. Gox đến bây giờ vẫn đang chờ thanh khoản một phần số tiền họ đặt cọc trên sàn này.
Các vụ tranh chấp pháp luật với Bitfinex cũng có thể sẽ bị kéo ra ngoài Hong Kong, bởi như hầu hết các quốc gia khác, nước này chưa có một hạ tầng pháp luật đầy đủ bảo vệ chủ sở hữu các loại tiền ảo. Ngân hàng trung ương Hong Kong cũng cho biết bitcoin nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. KC Chan, thư ký các dịch vụ tài chính và kho bạc cho rằng chính phủ vẫn chưa nhận ra nhu cầu của việc phải thiết lập bộ luật cho bitcoin.
Theo hãng luật Kobre & Kim, các sàn bitcoin nhiều khả năng vẫn sẽ phải đối mặt với các điều luật chung về chống rửa tiền; các giao dịch bitcoin vẫn sẽ được quy theo luật giao dịch hàng hóa thông thường.
Jef Klazen, đối tác New York của Kobre & Kim cho biết: “Nếu tài khoản của bạn thực chất không bị hack mà bạn vẫn mất 36% số tiền thì bạn có thể khẳng định trước pháp luật giả thiết Bitfinex biển thủ tiền quỹ của mình bởi sàn này đã đưa ra một quyết định đơn phương để lấy tiền ra khỏi tài khoản của bạn. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc khá nhiều vào các giao kèo mà người dùng ký kết với Bitfinex khi mở tài khoản.” Sau khi xem các điều khoản được ghi trên website của Bitfinex, ông cho rằng các tranh chấp cần được xét xử với một bên trọng tài do Bitfinex lựa chọn.
Tuy các chuyên gia đã khuyến cáo người dùng không nên đặt nhiều tiền trên các sàn bitcoin – bài học đau đớn từ Mt. Gox – nhưng rất nhiều người vẫn phớt lờ điều này qua hệ thống cho vay lấy lãi của Bitfinex. Nền tảng này cho phép các trader tăng khoản cược bitcoin của họ lên nhiều lần qua việc đi vay. Thế nhưng cơ chế này cũng yêu cầu cả người cho vay lẫn người đi vay phải giữ hết tiền trên sàn. Chính điều này khiến họ trở thành mục tiêu của hacker. Theo trang bfxdata.com, website theo dõi các hoạt động trên Bitfinex thì ngay trước thời điểm vụ tấn công diễn ra, các trader đang vay nợ khoảng 38 triệu USD.
Trong số những người vay đậm có Zhuo Shuoji, 34 tuổi. Trader đến từ Bắc Kinh này cho biết mức lãi suất vay hàng năm của anh thường dưới 10%, nhưng có lúc leo cao khủng khiếp khi mức độ biến động của bitcoin gia tăng. Mặc dù vậy, Zhuo vẫn khẳng định anh kiếm được rất nhiều tiền từ sàn bitcoin trước khi vụ việc xảy đến. Giờ đây, đối với Zhuo, số tiền đã mất lấy lại được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu.
Anh chia sẻ: “Hiện giờ quan trọng nhất là lấy lại được tiền. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xem liệu sàn này có tiếp tục hoạt động được với số token tung ra hay không.”
Nguy cơ của Bitfinex hiện nay là nếu những khách hàng như Zhuo ném quá nhiều tiền vào mà không lấy lại được thì lợi nhuận từ các giao dịch cũng như các hoạt động cho vay về sau sẽ nhanh chóng tụt giảm; và đến lúc đó, câu hỏi được đặt ra là liệu Bitfinex sẽ làm thế nào để kiếm bù lại khoản lỗ kia? Mặc dù vậy, cách xử lý khủng hoảng qua việc nhanh chóng phục hồi lại hoạt động, bảo vệ hệ thống khỏi các vụ hack tiếp theo cũng như giữ cho người dùng không cạn kiệt hết hy vọng cũng đang mang lại ít nhiều lòng tin cho công ty.
Theo Tian, cách xử lý khủng hoảng của Bitfinex đã khá hơn các vụ việc trước đây – khi các sàn chỉ biết tuyên bố phá sản hoặc để mặc người chơi trắng tay. Họ đã tìm được đường hướng xoa dịu người dùng và các giải pháp đặt ra có thể sẽ trở thành lộ trình cho tương lai.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"