Người đàn ông bị liệt chỉnh sửa video, đăng YouTube 'chỉ bằng suy nghĩ': Ca cấy chip não Neuralink thứ ba gây chấn động

    Anh Việt,  

    Không còn là giấc mơ viễn tưởng, chip não Neuralink đang dần biến thành công cụ thực tế để những người mất khả năng vận động có thể kết nối lại với thế giới

    Bradford Smith, người đang sống chung với căn bệnh ALS (xơ cứng teo cơ một bên), là bệnh nhân thứ ba được cấy thiết bị brain-computer interface (BCI) của Neuralink. Căn bệnh đã khiến anh mất khả năng nói và cử động, nhưng nhờ vào công nghệ này, anh có thể sử dụng máy tính mà không cần bất kỳ bộ phận vận động nào.

    Thiết bị mà anh sử dụng có hình dạng như một chồng năm đồng xu nhỏ, bên trong chứa hàng loạt sợi điện cực cực mảnh được robot cấy chính xác vào vùng vỏ não vận động, nơi điều khiển ý định cử động. Toàn bộ tín hiệu được gửi không dây tới một chiếc MacBook Pro qua kết nối Bluetooth, nơi dữ liệu thần kinh được giải mã theo thời gian thực.

    Người đàn ông bị liệt chỉnh sửa video, đăng YouTube 'chỉ bằng suy nghĩ': Ca cấy chip não Neuralink thứ ba gây chấn động- Ảnh 1.

    Ban đầu, Smith cố thử điều khiển con trỏ chuột bằng cách tưởng tượng chuyển động tay, nhưng kết quả không ổn định. Sau quá trình tinh chỉnh, các kỹ sư phát hiện ra rằng hoạt động tưởng tượng về cử động lưỡi lại cho tín hiệu rõ ràng hơn, và anh nhanh chóng làm quen.

    “Tôi không còn phải nghĩ về nó nữa. Nó vận hành giống như cách bạn rê chuột mà chẳng nghĩ đến việc phải nhấc tay,” anh mô tả.

    Không chỉ dừng lại ở việc điều khiển máy tính, Smith còn cùng nhóm kỹ thuật sử dụng các bản ghi âm giọng nói của anh từ trước khi mắc ALS để huấn luyện một mô hình AI tổng hợp giọng nói. Nhờ đó, anh có thể “nói” trở lại, và chính giọng nói ấy đã được dùng để thuyết minh cho video mà anh vừa tự mình chỉnh sửa.

    Câu chuyện của Smith nối dài danh sách những thành tựu ngày càng ấn tượng của Neuralink. Bệnh nhân đầu tiên vào năm 2024 chỉ mới có thể điều khiển con trỏ. Một tháng sau, người này đã chơi được game cờ và Civilization VI. Bệnh nhân thứ hai, Alex, sau khi phục hồi, đã tự thiết kế phụ kiện 3D cho chính con chip của mình và tham gia chơi Counter-Strike 2 cùng đồng đội. Giờ đây, Smith không chỉ vượt qua trở ngại thể chất mà còn thể hiện khả năng sáng tạo nội dung , hoàn toàn bằng tín hiệu não bộ.

    Trong khi đó, các công ty ở Trung Quốc , đặc biệt là Neucyber, cũng đang phát triển công nghệ tương tự với sự hỗ trợ của nhà nước, đặt mục tiêu chuẩn hóa thiết bị BCI để phổ biến rộng rãi.

    Không còn là giấc mơ viễn tưởng, BCI đang dần biến thành công cụ thực tế để những người mất khả năng vận động có thể kết nối lại với thế giới, không chỉ như người dùng, mà còn là người tạo ra nội dung. Với tốc độ phát triển hiện tại, những căn bệnh từng là bản án im lặng suốt đời có thể sớm bị xóa nhòa.

    Anh Việt

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ