Người đàn ông gặp chuyện lạ kỳ: Mua bánh bị lừa 100 triệu, đã thế số điện thoại cũng tự nhiên bị thay đổi

    Mạnh Kiên, Phụ nữ số 

    "Đồng nghiệp gọi cho tôi qua WhatsApp ngay trước mặt, nhưng điện thoại tôi không đổ chuông. Tôi gọi cho đồng nghiệp thì số khác lại hiện ra, trong khi ảnh hồ sơ vẫn giống như vậy", anh chia sẻ.

    Mất tiền, số điện thoại cũng thay đổi

    Trong dịp Lễ hội Thuyền rồng chuẩn bị diễn ra, bánh ú, còn được gọi là bak zhang, bán rất chạy trên các kệ hàng ở Singapore.

    Một người đàn ông tên Lin nghĩ rằng anh ta đã mua được món bánh này với giá hời là 2 SGD/chiếc, trong khi giá trung bình thường khoảng 4 SGD.

    Nhưng thay vì tiết kiệm được một vài đồng, khoản tiền 6.000 SGD (hơn 100 triệu đồng) đã bị lấy khỏi tài khoản ngân hàng của anh chỉ sau một đêm, Shin Min Daily News đưa tin.

    Người đàn ông gặp chuyện lạ kỳ: Mua bánh bị lừa 100 triệu, đã thế số điện thoại cũng tự nhiên bị thay đổi - Ảnh 1.

    Người đàn ông 43 tuổi cho biết đã xem quảng cáo bánh trên Facebook và muốn đặt 15 cái. Khi anh liên hệ với người bán vào ngày 12/6, họ nói với anh rằng giao dịch qua WhatsApp sẽ thuận tiện hơn.

    Tại đây, Li được gửi một liên kết để đặt hàng. Khi nhấp vào liên kết, điện thoại của anh tự động tải xuống một ứng dụng.

    "Người bán và tôi đã nói chuyện trên WhatsApp trong toàn bộ quá trình. Tôi làm theo hướng dẫn của bên kia từng bước. Sau khi tải xuống ứng dụng, tôi thiết lập số tài khoản và mật khẩu, sau đó đặt bánh nhân thịt", anh kể lại.

    Nhưng khi được hỏi về thông tin chi tiết ngân hàng của mình, anh cảm thấy không thoải mái và bày tỏ mối lo ngại với người bán. Sau đó, anh được hướng dẫn thêm đơn hàng vào giỏ hàng và điền địa chỉ nhà riêng cũng như số điện thoại liên lạc.

    Người đàn ông gặp chuyện lạ kỳ: Mua bánh bị lừa 100 triệu, đã thế số điện thoại cũng tự nhiên bị thay đổi - Ảnh 2.

    Tuy nhiên, ngày hôm sau, anh nhận được thông báo từ ngân hàng cho biết 6.000 SGD đã bị chuyển khỏi tài khoản vào sáng sớm.

    Bất ngờ hơn, số điện thoại di động WhatsApp của anh bằng cách nào đó cũng bị thay đổi.

    "Đồng nghiệp đã gọi cho tôi qua WhatsApp ngay trước mặt, nhưng điện thoại tôi không đổ chuông. Tôi gọi cho đồng nghiệp của mình thì một số khác hiện ra, trong khi ảnh hồ sơ vẫn giống như vậy", anh chia sẻ.

    Vì không thể đăng nhập trực tuyến vào tài khoản ngân hàng của mình, Lin đã gọi cho ngân hàng và biết rằng ai đó đã cố gắng truy cập vào tài khoản của mình nhiều lần và tài khoản tạm thời bị khóa.

    Lin lập tức gọi cảnh sát.

    Thoát hiểm phút chót

    Trò lừa đảo mua hàng trên mạng gần đây ngày càng trở nên phổ biến. Thủ đoạn chung thường là kẻ gian rao bán các loại đồ ăn đang có nhu cầu mua lớn hoặc được yêu thích, với mức giá rẻ hoặc cao hơn bình thường.

    Mức giá rẻ để qua mặt người tiêu dùng ham rẻ, trong khi giá cao nhằm tạo nên sự tin tưởng đối với người mua thận trọng.

    Không chỉ xuất hiện trên Facebook, biến thể của trò lừa đảo lừa đảo này cũng đã nhen nhóm trên trang mạng xã hội phổ biến Instagram.

    Người đàn ông gặp chuyện lạ kỳ: Mua bánh bị lừa 100 triệu, đã thế số điện thoại cũng tự nhiên bị thay đổi - Ảnh 3.

    Một người phụ nữ đặt mua dim sum với giá 2 SGD trên nền tảng và phát hiện ra hạn mức thẻ của mình đã được nâng lên 20.000 SGD vào ngày hôm sau. Rất may, người chồng đã kịp thời can thiệp nên cả hai không bị thiệt hại gì.

    Theo Shin Min Daily News, bà He, 57 tuổi, tình cờ nhìn thấy một quảng cáo dim sum trên Instagram. Một cửa hàng có tên "Thực phẩm đông lạnh Mcy" đang chào bán một gói 12 xíu mại, cơm gà ngũ sắc và 300g sườn heo hấp chỉ với 2 SGD.

    Bị thu hút bởi mức giá hấp dẫn, bà He liên hệ với người bán qua Instagram. Sau đó, bà nhận được liên kết đưa đến cuộc trò chuyện WhatsApp với người bán.

    Người bán đã gửi một liên kết khác để tải xuống ứng dụng có tên "1stMallv1.2" và nói rằng bà cần đặt hàng qua ứng dụng. Bà He đã làm theo hướng dẫn nhưng liên tục gặp lỗi trong lúc gửi thông tin cá nhân để thanh toán.

    Sau đó, bà phát hiện ra rằng đây chính là cách mà những kẻ lừa đảo lấy được thông tin.

    Người chồng 63 tuổi của bà nhận được e-mail từ ngân hàng vào ngày hôm sau, thông báo rằng vợ mình đã yêu cầu tăng hạn mức hàng ngày trong tài khoản của họ lên 20.000 SGD vào lúc 6 giờ sáng. Ông He đã gọi cho ngân hàng ngay lập tức để đóng băng tài khoản.

    Cần phải mất 12 giờ trước khi các thay đổi được thực hiện nên những kẻ lừa đảo đã không lấy được tiền.

    "Chúng tôi rất sợ hãi, vì đây là tất cả số tiền chúng tôi vất vả kiếm được. Nếu bị đánh cắp, hệ quả sẽ rất thảm khốc".

    Người chồng nói thêm rằng nhân viên ngân hàng cho biết đây là trường hợp lừa đảo phổ biến hiện nay nên mọi người cần cẩn trọng.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ