Người đàn ông mắc kẹt trong đám mây giông ở độ cao 14,3km suốt 40 phút

    Anh Việt, Trí Thức Trẻ 

    (Tổ Quốc) - Trong lịch sử loài người, trung tá phi công William Rankin của quân đội Mỹ là một trong hai người duy nhất từng rơi qua một đám mây vũ tích, nhưng may mắn sống sót để kể lại trải nghiệm kinh hoàng có một không hai này.

    Dù có muốn đến mấy, bạn không thể thực sự đi bộ trên mây. Nếu bạn cố gắng làm như vậy, bạn sẽ rơi thẳng xuống và chỉ bị ướt một chút trong quá trình xuyên qua đám mây. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ không thực sự êm ả  trong trường hợp bạn rơi tự do xuyên qua một đám mây vũ tích.

    Nếu so sánh một cách hình tượng, mây vũ tích có thể coi là nhân vật phản diện của thế giới mây. Đặc trưng bởi các lớp mây hỗn loạn tạo thành các cột mây cao chót vót, dạng hơi nước đầy đe dọa này là những thứ duy nhất được biết là tạo ra sấm, sét và mưa đá. Trong khi hầu hết các đám mây thậm chí không cao tới 2.000 mét, mây vũ tích leo cao tới 20.000 mét để tạo ra hình dạng gợi nhớ tới một chiếc đe khổng lồ.

    Người đàn ông mắc kẹt trong đám mây giông suốt 40 phút - Ảnh 1.

    Mây vũ tích có hình dạng gợi nhớ tới một chiếc đe khổng lồ. Ảnh: Wikipedia

    Trong lịch sử loài người, trung tá phi công William Rankin của quân đội Mỹ là một trong hai người duy nhất từng rơi qua một đám mây vũ tích, nhưng may mắn sống sót để kể lại trải nghiệm kinh hoàng có một không hai này, theo trang IFL Science. Câu chuyện của ông cho thấy điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bị mắc kẹt bên trong một đám mây vũ tích.

    Nhảy dù ở độ cao 14.300 mét, ngay giữa một đám mây giông. 

    Vào ngày 26 tháng 7 năm 1959, Trung tá William Rankin và người đồng đội Herbert Nolan điều khiển 2 chiếc chiến đấu cơ phản lực F-8 Crusader hướng về phía bang South Carolina (Mỹ). Phát hiện ra ,ột số đám mây bão đang hình thành phía trước, cả 2 đã điều khiển máy bay tới độ cao khoảng 14.300 mét, tức cao hơn một chút so với đỉnh của đám mây. 

    Tuy nhiên, khi đang bay độ cao này, động cơ chiếc F-8 Crusader của William Rankin đột nhiên gặp trục trặc không rõ nguyên nhân và dừng hoạt động. Tình thế này buộc phi công Rankin phải tính tới phương án nhảy dù để bảo toàn tính mạng khi máy bay đang mất điều khiển. 

    Do không được trang bị bộ đồ chịu áp suất, Rankin không hề muốn nhảy dù ra khỏi máy bay khi nhiệt độ xung quanh đang chạm ngưỡng -50 độ C, trong khi không khí quá loãng oxy có thể khiến ông không thể thở được. Tuy nhiên, vào thời điểm 18h00 chiều cùng ngày, Rankin không có quá nhiều lựa chọn. Việc khởi động lại động cơ máy bay gặp thất bại, khiến ông quyết định thực hiện việc phóng ghế lái để thoát ly ở độ cao 14.300 mét.

    Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần, Rankin vẫn bất ngờ trước sự khắc nghiệt của môi trường xung quanh. Ngay khi nhảy dù ra khỏi máy bay, máu bắt đầu chảy ra từ mắt và tai, trong khi bụng của Rankin phình ra do sự chênh lệch của áp suất trong buồng lái và bên ngoài. Do bị mất găng tay trong quá trình phóng ghế lái, bàn tay của rankin bắt đầu bị tê cóng trong nhiệt độ đóng băng. Tuy nhiên, cơn ác mộng của phi công này vẫn chưa dừng ở đây.

    William-Rankin-F-8.jpg

    Trung tá phi công William Rankin (trái) đã phải thoát li ra khỏi chiếc F8 Crusader (ảnh minh họa) sau khi máy bay gặp trục trặc, trước khi ông rơi tự do suốt 40 phút trong một đám mây vũ tích. Ảnh: Internet

    Rankin lúc này đang rơi vào một đám mây vũ tích, trong khi trên người chỉ được trang bị một bình dưỡng khí khẩn cấp, cùng một chiếc dù không được thiết kế để hoạt động giữa cơn giông bão. Rankin quyết định chưa kéo dây dù, vì ông thừa biết rằng đó sẽ là một bản án tử hình nếu làm vậy.

    Rankin quyết định sử dụng một chiếc phong vũ biểu, vốn sẽ tự động thả dù khi độ cao đạt khoảng 3.048 mét, với hy vọng bản thân sẽ thoát ra khỏi cơn giông trước khi chết vì ngạt thở hoặc chết cóng.

    Trong một khoảng thời gian dài như vô tận, Rankin ‘bay lượn’ bên trong đám mây vũ tích, bị ném qua lại bởi những luồng gió dữ dội hình thành nên kiểu thời tiết khắc nghiệt như vậy. 

    Các nhà khoa học biết rất ít về cơ chế hoạt động bên trong của những đám mây bão dữ dội này. Tuy nhiên, luồng không khí nóng bốc lên đủ mạnh để hất tung Rankin, trong khi mưa đá và sấm sét luôn chực chờ kết thúc mạng sống của viên phi công này.

    Ngay sau đó, chiếc dù của ông bung ra, khiến Rankin tin rằng mình đã rơi xuống độ cao 3.048 mét. Hóa ra, áp suất bên trong mây vũ tích vô tình kích hoạt chiếc phong vũ biểu, khiến Rankin bị nâng thẳng lên trên khi luồng gió ngược thổi vào chiếc dù của ông.

    Liên tục, các luồng khí nâng lên và hạ xuống Rankin hết lần này đến lần khác, trong khi ông phải tránh những mảnh băng và nín thở khi không khí trở nên trộn lẫn nhiều với nước đến mức có thể khiến Rankin bị chết đuối.

    Thật may mắn, cơn bão cuối cùng đã ‘buông tha’ Rankin, khi ông và chiếc dù của mình rơi dần xuống mặt đất, va chạm vào một cái cây và chạm đất. Sau khi kiểm tra đồng hồ, Rankin nhận ra khi đó là 18h40 chiều. Điều này có nghĩa, Rankin đã ‘lưu lạc’ trong đám mây vũ tích khoảng 40 phút.

    Rankin cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ gần đó và đến bệnh viện vì bị tê cóng, vết thương do giảm áp suất và các vết thương nhẹ khác. Rất may mắn, trung tá phi công của quân đội Mỹ không gặp bất kì chấn thương nào gây nguy hiểm tới tính mạng, và vẫn có thể thực hiện các chuyên bay cho đến khi nghỉ hưu. Gần 50 năm sau, Rankin qua đời vào năm 2009 ở tuổi 88, sau khi viết cuốn sách The Man Who Rode The Thunder (Tạm dịch: "Người đàn ông cưỡi sấm sét”). 

    Tham khảo IFL Science

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ