Người độc thân cô đơn quá lâu, cơ thể sẽ tự sinh ra 5 protein độc hại trong máu, khiến sức khỏe yếu đi, sinh bệnh

    Thanh Long,  

    Và chúng sẽ phát tác sau 14 năm, nghĩa là khi những người độc thân bước vào tuổi già hoặc trung niên.

    Đây rõ ràng là một tin không vui với những người độc thân. Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Human Behaviour, các nhà khoa học tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát hiện ra sự cô đơn không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất. 

    Theo đó, những người cảm thấy cô đơn trong thời gian dài sẽ sản sinh ra 5 loại protein độc hại trong máu, làm cơ thể yếu đi, tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các protein này sẽ tích tụ dần cho tới khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng như bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và bệnh mất trí nhớ, sa sút trí tuệ...

    Chúng sẽ phát tác sau 14 năm sống trong cảnh cô đơn, nghĩa là khi những người độc thân bước vào tuổi già hoặc trung niên. Vì vậy, lời khuyên cho bạn nếu còn chưa tìm được mảnh ghép của cuộc đời mình là hãy thật nhanh chóng đi tìm, bởi thời gian đang làm phép trừ đối với bạn.

    Người độc thân cô đơn quá lâu, cơ thể sẽ tự sinh ra 5 protein độc hại trong máu, khiến sức khỏe yếu đi, sinh bệnh- Ảnh 1.

    Ảnh minh họa

    Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng cô đơn

    Con người vốn có tính xã hội. Sự kết nối, giao tiếp và những trải nghiệm chung với một người bạn đời sẽ đem đến cho chúng ta kinh nghiệm sống, giúp giải tỏa tâm lý và củng cố nhiều thói quen lành mạnh, các nhà khoa học cho biết.

    Tuy nhiên, trong một thế giới ngày càng số hóa và phát triển nhanh chóng, cảm giác cô đơn và bị cô lập về mặt xã hội đã trở nên phổ biến đến mức đáng báo động.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện có khoảng 5-15% thanh thiếu niên đang phải chịu đựng sự cô đơn. Họ có thể là những người hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội, nhưng ngoài đời thật thì có ít bạn bè, không có người tri kỷ thực sự để chia sẻ nhiều cảm xúc.

    Con số trong nhóm người trung niên và lớn tuổi thậm chí còn tăng lên tới 25%. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy sự cô đơn ở người lớn tuổi làm tăng thêm 26% nguy cơ họ sẽ bị sa sút trí tuệ. 

    Đối với mọi lứa tuổi, tình trạng cô đơn còn liên quan đến chứng trầm cảm, gây ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của họ. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực này không chỉ dừng lại ở mặt tâm lý mà còn liên quan đến nhiều vấn đề sinh học cơ bản.

    Người độc thân cô đơn quá lâu, cơ thể sẽ tự sinh ra 5 protein độc hại trong máu, khiến sức khỏe yếu đi, sinh bệnh- Ảnh 2.

    Ảnh minh họa

    Khám phá về những protein cô đơn

    Để hiểu rõ hơn tại sao sự cô đơn lại có hại cho cơ thể và tâm trí, các nhà khoa học đến từ Đại học Cambridge đã soi chiếu nó dưới lăng kính của "proteomics", hay lĩnh vực nghiên cứu protein.

    Giống với "genomics" là nghiên cứu toàn bộ bộ gen người, "proteomics" tập trung vào khám phá sự ảnh hưởng của tất cả các protein được sinh ra trong cơ thể. Chúng đóng rất nhiều vai trò quan trọng với sự sống của chúng ta, từ biểu hiện gen, làm cầu nối giữa thông tin di truyền và các hoạt động sinh học. Đồng thời, protein cũng là nguồn chính để phát triển thuốc điều trị bệnh.

    Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 42.062 người tham gia vào UK Biobank, một dự án thu thập mẫu sinh học trong dân số ở Anh Quốc. Họ đã quét qua gần 3.000 protein có mặt trong máu của những người này, những người cũng đã làm các cuộc khảo sát để tiết lộ tình trạng hôn nhân hoặc cuộc sống hiện tại của họ.

    Kết quả cho thấy người nào càng độc thân lâu và càng cô đơn thì họ càng có nồng độ cao hơn của 5 loại protein trong máu, bao gồm GFRA1, ADM, FABP4, TNFRSF10A, và ASGR1. Các protein này chính là những protein độc hại, phải chịu trách nhiệm cho các quá trình gây viêm, làm giảm miễn dịch và khả năng kháng bệnh của cơ thể.

    Người độc thân cô đơn quá lâu, cơ thể sẽ tự sinh ra 5 protein độc hại trong máu, khiến sức khỏe yếu đi, sinh bệnh- Ảnh 3.

    Ảnh minh họa

    Đáng chú ý, tất cả các protein này đều có mối quan hệ tỷ lệ thuận với tình trạng cô đơn của người tham gia - nghĩa là những người càng cảm thấy cô đơn và càng cô đơn lâu thì có mức protein càng cao so với người khác. 

    Điều này giải thích tại sao sự cô đơn kéo dài có thể gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe. Các nhà nghiên cứu theo dõi tình trạng xã hội và sức khỏe của người tham gia trong suốt 14 năm. Kết quả cho thấy sự gia tăng của 5 protein khiến những người cô đơn rơi vào nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, đột quỵ và nguy cơ tử vong sớm cao hơn.

    Làm thế nào để sống khỏe mạnh hơn?

    Rõ ràng, sự cô lập xã hội và cô đơn đang ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và giới tính, dẫn đến các vấn đề sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Nghiên cứu này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách sự cô đơn tác động đến cơ thể mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các mối quan hệ xã hội ý nghĩa.

    Các nhà khoa học cho biết việc xây dựng các mối quan hệ, đặc biệt là sự có mặt của một người bạn đời, không những có thể làm giảm thiểu cảm giác cô đơn mà còn giúp cơ thể giảm mức độ của các protein có hại.

    Ngoài ra, các hoạt động xã hội như tình nguyện, tham gia các câu lạc bộ hoặc chơi thể thao đồng đội cũng có thể giúp giảm thiểu sự cô đơn, từ đó không chỉ thúc đẩy sức khỏe tinh thần mà còn cải thiện sức khỏe thể chất. 

    Các mối quan hệ xã hội có thể giảm căng thẳng, hạ huyết áp, hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường chức năng nhận thức và cải thiện sức khỏe não bộ. Ngoài ra, chúng còn giúp phát triển sự đồng cảm và khả năng phục hồi cảm xúc, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sức khỏe toàn diện.

    Người độc thân cô đơn quá lâu, cơ thể sẽ tự sinh ra 5 protein độc hại trong máu, khiến sức khỏe yếu đi, sinh bệnh- Ảnh 4.

    Ảnh minh họa

    Khi nói đến các công nghệ hỗ trợ kết nối như mạng xã hội, các nhà khoa học nghĩ chúng có thể là con dao hai lưỡi.

    Một mặt, mạng xã hội đem đến nhiều cách thức mới để chia sẻ cuộc sống bản thân, giữ liên lạc và kết nối với người khác. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các mối quan hệ hời hợt, thiếu chiều sâu. 

    Đây là một nghịch lý - sống trong thế giới kết nối kỹ thuật số nhưng lại cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.

    Bởi vậy, các nhà nghiên cứu luôn khuyến khích mọi người tham gia vào các tương tác xã hội trực tiếp, bao gồm việc giao tiếp phi ngôn ngữ bằng ánh mắt, cử chỉ và giọng điệu vì chúng sẽ mang lại hiệu quả kết nối tốt hơn so với giao tiếp qua máy tính hoặc điện thoại. 

    Việc tương tác trực tiếp cũng giúp chúng ta có thể xây dựng các mối quan hệ sâu sắc, gắn bó và bền vững hơn.

    Nguồn: Sciencealert, Theguadian, Nature
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày