“Người hùng thầm lặng” Vevo: Phân phối video âm nhạc cho toàn thế giới nhưng không lấy 1 xu!
Ai cũng từng một lần thấy chữ “VEVO” trong các video âm nhạc. Nhưng liệu bạn có biết Vevo là gì không?
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Được thành lập vào năm 2009 với sự có mặt của những tên tuổi "sừng sỏ" nhất trong ngành, Vevo tham vọng trở thành một nền tảng chia sẻ video âm nhạc lớn nhất thế giới.
Kế hoạch: Đương đầu với nhiều khó khăn từ "đối tác thân tín" YouTube, Vevo buộc phải thay đổi cả về mô hình hoạt động, nguồn thu và kênh phân phối để tiếp tục phát triển.
Kết quả: Đem về 650 triệu USD trong năm 2017 nhưng lại "khuất phục" dưới nền tảng YouTube, Vevo tiếp tục tiến tới đầy cẩn trọng trên con đường mà mình đã chọn.
Gã khổng lồ thầm lặng
Giao diện website của Vevo
Vevo (viết tắt của Video Evolution) là một liên doanh đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ. Vevo được thành lập vào năm 2009 với sự góp sức của 3 hãng thu âm nổi tiếng: Universal Music Group (UMG), Sony Music Entertainment (SME) và EMI.
Đến tháng 7 năm 2013, Google cũng trở thành một cổ đông trong Vevo với 7% cổ phiếu, nhưng những gì mà Google đem lại còn nhiều hơn thế khi Vevo "rộng cửa" trở thành một đối tác nội dung trên nền tảng YouTube.
Vào tháng 8 năm 2016, Warner Music Group (WMG) chính thức hợp tác với Vevo và đưa toàn bộ nội dung bản quyền lên nền tảng này, đánh dấu sự có mặt của 3 hãng thu âm lớn nhất nước Mỹ trong cùng một liên doanh.
Nhưng đối với người dùng thông thường, "Vevo" là một tên tuổi ít được mọi người để ý và hiểu rõ, mặc dù "anh hùng thầm lặng" này đã và đang là một thế lực lớn trong ngành giải trí:
- Website Vevo chính thức ra mắt vào ngày 8 tháng 12 năm 2009, chỉ trong vòng 30 ngày, Vevo đã trở thành trang web âm nhạc có lượng người dùng cao nhất nước Mỹ, bỏ xa "người đi trước" MySpace Music.
- Tính đến nay, mỗi tháng Vevo lại tiếp cận hơn 400 triệu người dùng và đem về hơn 19 tỷ lượt xem, gấp 4 đến 5 lần nền tảng nghe nhạc nổi tiếng Spotify.
Khách hàng không tốn 1 xu?
Nhưng khác với Spotify, Vevo không hề bắt khách hàng chi tiền.
Đối tượng mà Vevo nhắm đến là những hãng quảng cáo, với thế mạnh về độ phủ toàn cầu, hơn 1.000 tập đoàn truyền thông trên thế giới đã bắt tay với nền tảng này.
Ấn tượng hơn, trong danh sách 100 công ty truyền thông lớn nhất thế giới, hơn 50 thương hiệu đã và đang hợp tác với Vevo.
Ngoài ra thì Vevo còn một nguồn thu khác từ cửa hàng đồ lưu niệm và những đường dẫn giới thiệu cho Amazon MP3 và iTunes. Theo CEO của Vevo, thương hiệu này đã thu về "hàng triệu USD doanh thu, với tốc độ phát triển hơn 50% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2010."
Về độ phủ của mình, Vevo còn là nền tảng chia sẻ âm nhạc dẫn đầu khu vực Bắc Mỹ, Mexico, và Châu Âu.
Sau khi nhận ra sự thay đổi thói quen sử dụng của người dùng, Vevo dần thích ứng nền tảng của mình cho điện thoại, bao gồm cả ứng dụng và website chuyên biệt.
Với sự ủng hộ từ Google và Youtube, Vevo liên tục nhận được nhiều nguồn đầu tư để trở thành một nền tảng "hoàn toàn miễn phí".
Thương trường là chiến trường
Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất của Vevo không đến từ những đối thủ trên thị trường, mà lại đến từ "đối tác thân tín" từ những ngày đầu – YouTube.
Trên lý thuyết, để tối ưu hóa nguồn thu quảng cáo, Vevo phải làm hết sức để kéo người dùng về các nền tảng do chính mình quản lý, nhưng ngay từ khi thành lập, Vevo đã "phụ thuộc" vào YouTube để quảng bá và kết nối với người dùng.
Ở chiều ngược lại, đa phần người dùng cũng biết tới YouTube và xem Vevo như là một kênh lớn trên nền tảng phát video lớn nhất thế giới này, khiến lượt người dùng trực tiếp trên website của Vevo ngày càng khiêm tốn.
Không những thế, Google còn sớm nhận ra tiềm năng phát triển của Vevo và tung ra dịch vụ "YouTube Music Key" vào năm 2014, đẩy mạnh khả năng cung cấp những nội dung âm nhạc đầy hấp dẫn một cách hoàn toàn miễn phí tới người dùng, không khác những gì mà "đối tác" Vevo đang làm.
Đến tháng 5 năm 2018, Vevo tuyên bố đóng cửa website và ứng dụng, chấp nhận sự thống trị của "gã khổng lồ" Youtube.
Tương lai nào cho Vevo?
Với mô hình mới hoàn toàn phụ thuộc vào Youtube, Vevo buộc phải trở nên linh hoạt hơn nếu không muốn bị "đè bẹp", điển hình là việc hợp tác với những đối tác phân phối nội dung khác như Facebook hay Amazon để duy trì "đầu ra" sản phẩm của mình.
Để chủ động nguồn thu nhập, Vevo chuyển sang cho phép đối tác "đặt cọc" những khung giờ quảng cáo như đài truyền hình, nhanh chóng đem về hơn 200 triệu USD "tiền giữ chỗ" chỉ trong năm 2017.
Kevin McGurn – Giám đốc bán hàng mới của Vevo vào năm 2017 thẳng thắn chia sẻ quyết tâm hướng nền tảng này trở thành một "mạng TV" mới, với mô hình quảng cáo, cách tính phí và quy trình hoạt động y hệt.
"Chúng tôi hướng đến các nhãn hiệu lớn từng quảng cáo trên TV và giới thiệu chúng tôi như là một kênh TV của thời đại mới." - McGurn cho hay.
Với chiến thuật này, Vevo nhanh chóng cán mốc doanh thu 650 triệu USD vào cuối năm 2017, tăng 30% so với doanh thu 500 triệu USD vào cùng kỳ năm trước.
Doanh thu kỷ lục trên khiến Google nhanh chóng ký thêm một hợp đồng quảng cáo với Vevo vào năm 2018. Nhưng nó vẫn chưa đảm bảo được tương lai của "anh hùng thầm lặng" này, Vevo buộc phải thận trọng nếu không muốn bị cặp đôi Google – YouTube "nuốt chửng".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời