Người mua game trên Steam không thực sự sở hữu game. Điều gì sẽ xảy ra với tài sản số bạn đã mua?

    Kim,  

    Một điều không thể diễn ra với "tài sản" cổ điển, nhưng lại bình thường với tài sản số. Từ đây, bất cập xuất hiện.

    Từ giờ trở đi, người sử dụng nền tảng bán game Steam sẽ thấy một thông báo mới mỗi khi “mua game” trên nền tảng này. Mỗi khi đến bước thanh toán, người dùng sẽ thấy dòng chữ: “ Việc mua sản phẩm kỹ thuật số sẽ trao cho bạn một giấy phép sử dụng sản phẩm trên Steam ”.

    Theo người dùng phản ánh trên Reddit, và như Engadget The Verge phản ánh, dòng chữ đã xuất hiện trên một số tài khoản Steam tại khu vực Bắc Mỹ.

    Người mua game trên Steam không thực sự sở hữu game. Điều gì sẽ xảy ra với tài sản số bạn đã mua?- Ảnh 1.

    Thông báo này sẽ hiện lên khi bạn mua hàng trên Steam - Ảnh: Reddit.

    Lý do đằng sau sự thay đổi

    Những người thạo tin sẽ không bất ngờ trước quyết định này từ Steam. Bắt đầu từ năm sau, luật pháp California yêu cầu những cửa hàng bán vật phẩm số, đơn cử như Steam của Valve, sẽ phải làm rõ rằng người mua sẽ nhận được một “giấy phép sử dụng”, chứ không thực sự sở hữu phần mềm này.

    Hiểu một cách đơn giản, những game bạn đã mua, trên Steam hay bất cứ nền tảng nào khác như PlayStation Store của Sony hay UbiStore của Ubisoft, đều sẽ chỉ là giấy phép cho phép người dùng tiêu thụ, trải nghiệm vật phẩm số trong thời hạn không rõ. Bên cạnh đó, giấy phép này có thể bị tước đi bất cứ lúc nào, khiến người dùng không thể truy cập hay tải về sản phẩm số này nữa.

    Người mua game trên Steam không thực sự sở hữu game. Điều gì sẽ xảy ra với tài sản số bạn đã mua?- Ảnh 2.

    Tài sản số bạn hay mua hóa ra chỉ là giấy phép sử dụng tạm thời, không phải món hàng được mua đứt - Ảnh minh họa: Hugo Herrera/The Verge.

    Sự cố với Ubisoft và PlayStation là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc hình thành quy định mới. Ubisoft thẳng tay xóa game The Crew trong thư viện của người chơi, khiến họ không thể truy cập game. Khi Ubisoft chính thức dừng hỗ trợ game The Crew, server của game bị gỡ bỏ, vì thế họ gỡ game khỏi mọi nền tảng và đồng thời, gỡ luôn cả game trong tài khoản người chơi.

    Trong một diễn biến tương tự, người dùng PlayStation đã không thể truy cập series Discovery họ đã từng mua, và Sony đưa ra lý do rằng có sự cố xoay quanh “ những dàn xếp ” về việc sở hữu giấy phép tiêu thụ nội dung số. Người dùng PlayStation đột ngột nhận được thông báo, rằng nội dung sẽ bị gỡ khỏi thư viện của họ vào ngày cuối cùng của năm 2023.

    Những sự việc này khiến người chơi giật mình. Khác với cái bàn, cái ghế - những tài sản vật lý - mà bạn đã mua đứt, tài sản số có thể bị tước đi bất cứ lúc nào.

    Muốn "mua đứt" thì mua ở đâu?

    Việc nội dung số biến mất khỏi các nền tảng mua bán không mới, tuy nhiên việc các nhà phát hành có thể trực tiếp gỡ nội dung mà người dùng đã mua khiến cộng đồng bối rối. Đó là lý do tại sao California chuẩn bị ban hành điều luật mới, yêu cầu các cửa hàng bán nội dung số phải làm rõ: rằng người mua đang sở hữu một “giấy phép sử dụng”, không phải bản thân vật phẩm số.

    Trên nền tảng Steam, một số game đã bị gỡ vĩnh viễn khỏi cửa hàng. Tuy nhiên những sản phẩm này vẫn còn trong thư viện của người chơi, ví dụ như tựa game Max Payne. Nhưng với việc Max Payne chỉ tồn tại trong thư viện dưới hình thức “giấy phép sử dụng”, nhà phát triển, phát hành cũng sẽ có quyền gỡ nó bất cứ lúc nào.

    Người mua game trên Steam không thực sự sở hữu game. Điều gì sẽ xảy ra với tài sản số bạn đã mua?- Ảnh 3.

    Hiện người chơi không thể mua được Max Payne 1 trên Steam, chỉ những người đã mua mới hiển thị nút "Cài đặt" - Ảnh chụp màn hình.

    Cách đây ít lâu, Rockstar Games gỡ toàn bộ các bản Grand Theft Auto (GTA) cũ khỏi cửa hàng, thay thế bằng bộ sưu tập gồm 3 bản GTA 3, Vice City, San Andreas đã được làm lại đồ họa. Tương tự, Blizzard cũng gỡ hoàn toàn bản WarCraft III cũ, thay vào đó là bản Reforged bị chê bai bởi cả game thủ và giới chuyên môn.

    Người mua game trên Steam không thực sự sở hữu game. Điều gì sẽ xảy ra với tài sản số bạn đã mua?- Ảnh 4.

    Rockstar đồng loạt gỡ các bản GTA cũ để không cạnh tranh với bản được làm lại đồ họa - Ảnh: Internet.

    Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tồn tại những cửa hàng thực sự bán phần mềm cho người chơi. Đơn cử như nền tảng GOG tới từ Ba Lan, là công ty con của CD Projekt, nhà phát triển đứng sau những bom tấn như The Witcher hay Cyberpunk 2077. Công ty này trực tiếp bán bộ cài game cho người chơi, cho phép game thủ có thể cài offline các tựa game mình đã mua. GOG là một trong những cửa hàng hiếm hoi vẫn đang bán “đĩa” cho người chơi.

    Vì thế người sử dụng nền tảng GOG trực tiếp sở hữu vật phẩm số mình đã tải về. Khi bạn tiến hành thanh toán trên GOG, bạn cũng sẽ thấy dòng thông báo ngắn với nội dung: “Việc mua sản phẩm số trên GOG trao cho bạn một Bộ Cài Offline, thứ không thể bị tước mất khỏi bạn”.

    Người mua game trên Steam không thực sự sở hữu game. Điều gì sẽ xảy ra với tài sản số bạn đã mua?- Ảnh 5.

    Mua game trên GOG sẽ giống với việc bạn mua đĩa game xưa kia - Ảnh: Twitter GOG.

    Đạo luật mới do California ban hành sẽ có hiệu lực từ năm 2025, nhưng Steam đã "đi tắt đón đầu" bằng dòng thông báo mới. Thể theo quy định này, những cửa hàng số như PlayStation Store, Ubistore hay Epic Games Store cũng sẽ sớm phải treo dòng thông báo tương tự.

    Những hệ lụy tương lai

    Sự việc này khiến game thủ toàn cầu đứng ngồi không yên, khi nhận thấy thư viện phần mềm khổng lồ của mình chỉ là … một mớ giấy phép, có thể bị tước đi bất cứ lúc nào. Đạo luật mới cũng tiếp tục cho thấy những bất cập vẫn tồn tại trong nỗ lực bảo tồn game. Hiện có một số phần mềm, một số game đã vĩnh viễn biến mất khỏi internet, chỉ còn tồn tại đâu đó trong một ổ cứng bị bỏ quên.

    Lịch sử các sự kiện lớn đều được ghi lại trên giấy, những tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian có thể tồn tại tới ngày nay là do được bảo quản kỹ lưỡng. Thiết nghĩ, phần mềm nói chung và game nói riêng cũng nên được bảo tồn, hoặc bằng ổ cứng vật lý hoặc bằng server lưu trữ đám mây. Như vậy, ngành công nghệ mới có thể sở hữu một cuốn sách lịch sử của riêng mình, để hậu thế có một cái nhìn toàn diện về tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.

    Việc các nhà phát triển, phát hành có thể trực tiếp gỡ bỏ vật phẩm do giấy phép hết hạn sẽ ảnh hưởng xấu tới nỗ lực bảo tồn game, phần mềm hay nội dung số, vốn đang diễn ra với quy mô nhỏ, chưa xứng đáng với ảnh hưởng của ngành công nghệ tới văn hóa và xã hội.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ