Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI

    Khánh Vy, thiết kế: Nhật Vũ, Nhịp sống thị trường 

    Thông qua nền tảng VinBase và trợ lý ảo ViVi, VinBigdata đang từng bước hiện thực hóa khát vọng làm chủ công nghệ lõi, từ đó, đưa những công trình nghiên cứu quốc tế trở thành sản phẩm công nghệ đại diện cho trái tim, khối óc Việt Nam và phục vụ cuộc sống của người Việt.

    Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI - Ảnh 1.

    - Hey VinFast, giảm điều hòa đi 2 độ

    - Hệ thống đã giảm điều hòa thêm 2 độ C

    - Hey VinFast, mở cốp sau

    - Hệ thống đã mở cốp sau

    Những ai từng được trải nghiệm các dòng xe điện VinFast, chắc không còn xa lạ với trợ lý ảo thông minh ViVi cùng giọng nói quen thuộc của BTV Hoài Anh. Chỉ thông qua giọng nói, trợ lý ảo có thể hỗ trợ người dùng xử lý hàng loạt các tác vụ “rảnh tay” khi đang di chuyển. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được những hành động đó thì cần cả một quá trình dài từ nghiên cứu cho tới ứng dụng thực tế. Và công ty đứng đằng sau tạo ra sản phẩm thuần Việt này chính là VinBigdata, một thành viên thuộc tập đoàn Vingroup.

    Với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về những gì mà công ty đã xây dựng và cống hiến cho nền công nghệ dữ liệu Việt Nam, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng ông Nguyễn Kim Anh - Giám đốc Khối Công nghệ Trợ lý ảo của VinBigdata - một trong những người góp phần tạo nên thành công của ViVi.

    Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI - Ảnh 2.

    Ông có nhận định như thế nào về sự phát triển của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trên thế giới và Việt Nam?

    Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực đạt được những bước tiến rất lớn trong năm 2023. Nếu như trước đây, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa Việt Nam và thế giới, thì, theo dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0, lĩnh vực trí tuệ của Việt Nam ngày càng được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

    Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới đang ngày càng được rút ngắn, chúng ta đang ngày càng chủ động hơn trong việc tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới cũng như địa phương hóa (localization) để phù hợp với thị trường bản địa.

    So với nền công nghệ các nước trong khu vực, Việt Nam đang có vị trí ra sao và theo ông, chúng ta có” vũ khí” gì để có thể đi tắt đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này?

    Hiện tại, đã có hàng loạt làn sóng đầu tư rất lớn vào công nghệ, từ Chính phủ cho tới các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực nghiên cứu, Việt Nam gần như có thể so sánh với Singapore. Tất nhiên những trường đại học, tổ chức nghiên cứu có thể chưa bằng với Singapore, nhưng các bài báo hay công trình nghiên cứu ứng dụng của chúng ta đã được giới thiệu hay trình bày tại nhiều sự kiện lớn trên thế giới, có chất lượng tương đương với các nước có nền khoa học phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, …

    Còn nếu để thúc đẩy việc đi tắt đón đầu, điều mà tôi tin cần phải làm trong thời điểm này đó là việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ, tận dụng các nguồn dữ liệu mở và khai thác tối đã nguồn dữ liệu từ chính các doanh nghiệp đang sở hữu, từ đó giải quyết các bài toán đang gặp phải. Khi có dữ liệu và ứng dụng dữ liệu ấy cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, nó sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho doanh nghiệp, cũng như gia tăng giá trị và tính cạnh tranh của thương hiệu trên thị trường.

    Thông qua phân tích dữ liệu, doanh nghiệp có thể tìm ra các “điểm chạm” trên hành trình khách hàng của mình, từ đó nâng cao trải nghiệm cũng như “chạm” tới được những nhu cầu mà khách hàng mong muốn.

    Một yếu tố không thể không nhắc tới, đó chính là con người, đóng vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa việc ứng dụng các công nghệ mới vào quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh. Chỉ khi chúng ta dám mạnh dạn, tiên phong ứng dụng công nghệ, thì chúng ta mới có thể mơ đến những điều lớn hơn.

    Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI - Ảnh 3.

    Ông Phạm Nhật Vượng được biết đến như một người đã khơi nguồn “khát vọng công nghệ” tại Vingroup. Điều này đã tạo ra sức ảnh hưởng cụ thể ra sao trong hệ sinh thái của Tập đoàn?

    Chủ tịch Tập đoàn Phạm Nhật Vượng là một người mà tôi rất cảm phục bởi sự nhạy bén với nhu cầu thị trường. Ông là một người mạnh dạn, không ngại ứng dụng công nghệ vào mọi quá trình, từ sản xuất cho đến vận hành kinh doanh. Không hề có giới hạn nào trong việc ứng dụng công nghệ tại Vingroup.

    Ông còn có tư duy về thế giới phẳng rất đáng để học hỏi, đó là: sẵn sàng sử dụng những sản phẩm công nghệ của tất cả các start up trên toàn thế giới, miễn là nó mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, giúp việc kinh doanh tăng trưởng, cung cấp những sản phẩm tới khách hàng tốt hơn, mang tới những trải nghiệm tốt hơn. Không cần sản phẩm đó được tạo ra ở Việt Nam hay ở bất kỳ đâu trên thế giới, không cần phải là công ty to hay công ty nhỏ, miễn là nó phục vụ đúng mục đích đang tìm kiếm.

    Đây chính là cách tiếp cận tuyệt vời trong một xã hội mà công nghệ đang được ứng dụng mạnh mẽ vào mọi mặt đời sống.

    Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI - Ảnh 4.

    Được biết đến là người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi - sản phẩm đầu tiên của VinBigdata được tích hợp trên ô tô điện VinFast, theo ông điều tâm huyết nhất khi nói về “đứa con tinh thần” này là gì?

    Tôi nghĩ đứa con tinh thần ban đầu thường giống như đứa lớn trong nhà vậy, nó sẽ không có sự nhanh nhẹn, lanh lợi bằng đứa con thứ 2, thứ 3. Tính đến thời điểm hiện tại, ViVi cũng mới chỉ bước sang tuổi thứ 3, vẫn cần phải tiếp tục nâng cấp làm tốt hơn.

    Với tôi điều tâm huyết nhất đó là ViVi do chính tay con người Việt Nam tạo ra. Mình không phải dùng bất cứ phần nào từ một người, một công ty hay bất cứ sản phẩm nào từ nước ngoài. Tôi tự tin khẳng định đây là một sản phẩm 100 % thuần Việt, 100% made in Vietnam.

    ViVi có gì khác biệt với Google Assistant, Siri (Apple) - những trợ lý ảo phổ biến với đa dạng tính năng?

    Vì đây là sản phẩm do người Việt phát triển cho người Việt nên nó sẽ phục vụ tốt hơn những nhu cầu cơ bản của người Việt. Siri trên iPhone chỉ có thể ra lệnh bằng tiếng Anh, nên cơ bản từ văn hóa, cách sử dụng cho đến nhu cầu đều khác với người Việt, đâu đó không có sự thuận tiện.

    ViVi được xây dựng dựa trên hàng chục nghìn giờ dữ liệu chất lượng cao cùng khả năng nhận diện tiếng Việt chính xác tới 98%. Nhờ vậy, ViVi có thể hiểu sự đa dạng các ngữ điệu của địa phương, thói quen sở thích đặc điểm riêng của mỗi vùng miền. ViVi còn có thể đàm thoại tự nhiên với người dùng ở nhiều ngữ cảnh khác nhau. Đây là điều mà khá ít trợ lý ảo hiện tại có thể hỗ trợ cho ngôn ngữ tiếng Việt.

    Ví dụ, một trong số những bạn của đội phát triển ViVi đi vào Huế, có sự hiện diện của hãng taxi điện Xanh SM. Khi người địa phương ra lệnh cho ViVi, ViVi còn hiểu được ngôn ngữ bản địa tốt hơn cả chính bản thân những người tạo ra. Việc am hiểu văn hóa bản địa, nhận diện tiếng Việt đa vùng miền là ưu điểm lớn nhất của ViVi so với các sản phẩm trợ lý ảo khác trên thị trường.

    Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI - Ảnh 5.

    Với lợi thế riêng về cơ sở dữ liệu lớn liên tục được làm giàu, đội ngũ chuyên gia gồm nhiều nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, kết hợp cùng công nghệ tiên tiến hàng đầu, VinBigdata kỳ vọng ViVi sẽ trở thành sản phẩm Trợ lý giọng nói dành riêng cho người Việt.

    Hiện nay, ViVi đang được ứng dụng trên các mẫu xe điện VF e34, VF 5, VF 8, VF 9 và thời gian tới, ViVi sẽ có mặt trên mẫu VF 6 và VF 7. Trong thời gian tiếp theo, ViVi vẫn sẽ liên tục cập nhật dữ liệu, học hỏi từ người dùng để tiến tới một phiên bản hoàn thiện nhất.

    Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI - Ảnh 6.

    Khi phát triển nền tảng VinBase, đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm có những thuận lợi như thế nào?

    Khi muốn xây dựng cái gì đó, thì cần có những con người thật sự đủ tốt, tốt về cả trình độ, kỹ năng lẫn nhiệt huyết, sức chiến đấu. Nhờ những yếu tố đó thì nó giúp cho mình nhiều cơ hội để thành công. Khi xây dựng VinBase, VinBigdata may mắn khi sở hữu đội ngũ nhân sự rất tốt, có tinh thần nhiệt huyết và máu lửa, có trình độ chuyên môn cao để cùng nhau nghiên cứu ra sản phẩm chất lượng nhất.

    Bên cạnh đó, vì đây là dự án nằm trong chiến lược chuyển hướng sang lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp của tập đoàn Vingroup nên sản phẩm được hỗ trợ rất nhiều, từ chủ trương, chính sách cho đến tài chính để giúp đội ngũ nhân sự có đủ khả năng phát triển sản phẩm một cách tốt nhất, xuất phát từ những ý tưởng ban đầu, trong quá trình nghiên cứu ra tới ứng dụng ngoài cuộc sống.

    Vậy khó khăn thì sao thưa ông?

    Điều khó khăn mà mỗi công ty mới nào cũng phải đối mặt đó là đủ tin tưởng để thuyết phục khách hàng về sản phẩm của mình. Bản thân công ty cũng còn khá trẻ và đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, chắc chắn mất nhiều thời gian để chứng minh năng lực hơn. Bên cạnh đó, trên thị trường còn có rất nhiều đối thủ, mình phải tìm cách để vượt qua các đối thủ và lấy được niềm tin từ phía khách hàng để lựa chọn sản phẩm – dịch vụ của mình là cả một quá trình dài, tốn nhiều công sức.

    Có khá nhiều nền tảng trên thị trường để các doanh nghiệp lựa chọn, vậy VinBase có điểm gì khác biệt?

    Có thể nói, VinBase cung cấp cho khách hàng những tính năng, sản phẩm nâng cấp hơn so với sản phẩm của các đối thủ trên thị trường. Vì mình là người Việt, mình làm sản phẩm dựa trên những dữ liệu, những nhu cầu thực tế của người Việt. Lợi thế khác biệt (Unique Selling Point) của VinBase là mang lại mang lại nhiều giá trị chỉ dành riêng cho người Việt.

    Ngoài ra, sản phẩm có thể ứng dụng cho đa ngành đa nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau từ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, vận chuyển đến y tế, du lịch, … VinBigdata cam kết mang đến trải nghiệm xuất sắc nhất thông qua VinBase. Bởi một trong những định hướng quan trọng của Vingroup đó là mang lại trải nghiệm xuất sắc cho toàn bộ khách hàng của tập đoàn.

    Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI - Ảnh 7.

    Vì sao công ty quyết định xây dựng đây là một nền tảng mở để những ai không có nguồn lực đều có thể lấy dùng và phát triển thương hiệu riêng?

    Giống như cái tên VinBase, đây là một nền móng giúp cho mọi người tự xây lên sản phẩm của riêng mình. VinBigdata sẽ cung cấp những công cụ, phần lõi công nghệ thuận tiện nhất cho mọi doanh nghiệp.

    Doanh nghiệp có thể tận dụng mọi công nghệ tại cùng một hệ thống, bởi các trợ lý ảo do VinBigdata xây dựng đều có thể triển khai đồng bộ, tích hợp trên đa kênh: văn bản, tổng đài… chỉ cần thông qua nền tảng Trí tuệ nhân tạo đa nhận thức VinBase.

    Nếu chỉ bản thân các đội dự án của VinBase đi xây sản phẩm riêng cho từng khách hàng, thì mức độ cung cấp sản phẩm sẽ bị hạn chế. Chúng tôi sẽ không thể nào xây dựng sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp chỉ trong một khoảng thời gian ngắn được. Vậy, chỉ có thể cung cấp nền tảng cơ bản cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có khả năng tự xây sản phẩm trên nền tảng VinBase, nhưng vẫn mang thương hiệu riêng của họ.

    Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI - Ảnh 8.

    Trong suốt thời gian gần 5 năm gắn bó với VinBigdata, đâu là cột mốc đáng nhớ nhất với ông?

    Với cá nhân tôi và toàn bộ VinBigdata, cột mốc đáng nhớ nhất đó là sự kiện ra mắt ViVi trên chiếc ô tô điện đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34. Đây là cột mốc đánh dấu sản phẩm trợ lý ảo đầu tiên do chính tay người Việt tạo ra và ứng dụng thành công ra thực tế.

    Có thể nói, hạnh phúc lớn nhất của người làm nghiên cứu và phát triển sản phẩm như chúng tôi là khi thấy sản phẩm của mình đến với công chúng và được công chúng đón nhận, chứ không phải chỉ là công trình khoa học trên giấy.

    Người nắm giữ “trái tim” của trợ lý ảo ViVi trên xe VinFast: sản phẩm Việt phục vụ người Việt và ước mơ về một “Google Việt Nam” trong lĩnh vực AI - Ảnh 9.

    Như VinFast, nhiều mẫu xe đã được đưa ra nước ngoài và thu hút lượng lớn khách hàng quốc tế, vậy VinBigdata có dự định tương tự hay không?

    Chắc chắn VinBigdata sẽ đưa sản phẩm của mình ra với thế giới. Trước tiên, chúng tôi sẽ có lộ trình rõ ràng, hướng đến khu vực Đông Nam Á và châu Á. Trong vòng 5 năm tới, VinBigdata sẽ phấn đấu trở thành top 10 công ty công nghệ ở châu Á và là một trong những công ty bán sản phẩm AI cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

    Dù có phát triển hay đưa bất cứ mẫu sản phẩm nào ra nước ngoài, VinBigdata cũng sẽ không ngừng nâng cấp, cải tiến nền tảng công nghệ để mang lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho người tiêu dùng. Vì văn hóa của Vingroup là toàn bộ cán bộ nhân viên luôn phải không ngừng nâng cao năng lực, nếu không nâng cao và không làm tốt hơn thì chúng ta sẽ tự đào thải cả sản phẩm lẫn con người. Đó là lí do mà đội ngũ của ViVi luôn luôn phải nỗ lực và hoàn thiện hơn nữa, nâng cao chất lượng hơn nữa để mang đến những sản phẩm hoàn chỉnh nhất tới tay người dùng.

    Tôi mong ước rằng sớm thôi, VinBigdata sẽ trở thành “Google Việt Nam” trong lĩnh vực nền tảng dữ liệu AI, tạo ra được nhiều giá trị nhất cho cộng đồng và nâng tầm vị thế thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

    Xin cảm ơn ông!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày