Với sự phát triển của các kênh phân phối hàng hóa Online, việc mua sách nay cũng đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Và đi kèm với đó, cũng là việc các "chồng sách mua về để đó" càng ngày càng cao hơn rất nhiều.
Sách ngày càng nhiều, trong khi thời gian hàng ngày thì vẫn chỉ có 24 tiếng như vậy. Và thường là, số lượng sách mua về luôn nhiều hơn hẳn so với tốc độ đọc của chúng ta. Nhất là ở thời đại mà bất cứ thứ gì cũng có thể mua chỉ bằng một cú click chuột.
Quá trình hình thành của những "chồng sách để đấy" của chúng ta thường diễn ra như thế này:
Chúng ta lên mạng, nhìn thấy quảng cáo của một quyển sách có vẻ ưng mắt. Đọc qua Review, rồi quyết định mua luôn và ngay, chứ để lâu thì lại quên hoặc mất hứng. Thế là lên Amazon, hay mấy trang phân phối sách tương tự, và mua chỉ với 1 cú click chuột. Rồi tiện tay, mua thêm một hai cuốn sách được gợi ý bên dưới nữa. Cứ thế lặp lại, và thế là chồng sách của chúng ta cao dần, cao dần lên.
Còn đến những kỳ hội sách hoặc những đợt sách giảm giá thì có khi, chỉ cần một buổi chiều là chúng ta đã mang về nhà một số lượng sách đủ để đọc trong cả năm trời.
Hiện tượng này diễn ra phổ biến đến mức, trong tiếng Nhật có hẳn một từ dùng để miêu tả tình trạng này, đó là「積ん読」(Tsundoku).
Tsundoku, được giải nghĩa là một chồng sách để đấy mà không được động tới. Giải nghĩa rõ ràng cụ thể hơn, thì「積ん読」(Tsundoku) được ghép bởi 2 từ, là 「積んでおく」(Tsundeoku) và 「読書」(Dokusho). Hai từ này, lần lượt mang nghĩa là "chồng lên để đó" và "đọc". Tới khoảng cuối thế kỷ 19, cụm từ ghép「積んで読」(Tsunde doku) được chuyển thành「積ん読」(Tsundoku) - nghe gần giống với "tsundeoku" - và giữ nguyên như vậy đến bây giờ.
Tại Goodreads, một trang web đánh giá sách tương đối nổi tiếng, chủ sở hữu của các "Tsundoku" lại tụ tập lại ở "Hội những người giấu tên nghiện mua sách" để chia sẻ những kinh nghiệm "đắng lòng" đến từ thói quen mua sách của mình. Một số người còn kể rằng, họ thậm chí phải giấu giếm việc mua sách với chính cả gia đình của mình.
"Ôi tôi cũng đồng cảm với các ông các bà lắm ấy chứ. Như tôi đây này, đang sống cùng với ông anh, bà chị dâu và ba đứa cháu. Ấy vậy mà, mỗi lần tôi mua sách về là lại phải giấu giấu giếm giếm mấy quyển sách cứ y như là đi buôn lậu. Nghe có buồn không các ông? Cơ mà, nếu không làm thế, kiểu gì cũng lại bị nghe cằn nhằn là 'Mua gì mà lắm sách thế? Chú còn nguyên cả chồng sách chưa động tới trong phòng còn chưa dọn kia kìa'. Khổ lắm các ông các bà ạ" - Một thành viên ẩn danh chia sẻ.
Một thành viên khác cho biết: "Cứ mỗi lần tôi để ra một ít tiền trong Paypal để tiết kiệm là y như rằng, kiểu gì tôi cũng tiêu sạch chỗ đấy trong một buổi đấu giá sách trên eBay."
Nhưng có một điểm mà hầu như ai cũng đồng ý, đó là cảm giác cầm trên tay một cuốn sách để đọc, luôn sướng hơn rất rất nhiều lần so với đọc e-book hay các hình thức tương tự. Theo một báo cáo được Pew Research thực hiện vào năm ngoái tại Mỹ, thì 73% dân số nước này đọc ít nhất một cuốn sách mỗi năm. Số lượng sách trung bình mà người Mỹ đọc là 4 cuốn/năm. Khoảng 66% người tham gia khảo sát đọc sách in, số còn lại là đọc sách điện tử và nghe sách tiếng.
Tất nhiên, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cùng với sự phát triển của các kênh phân phối hàng qua mạng, thì hiện tượng "Tsundoku" không chỉ xuất hiện với sách, mà còn với nhiều mặt hàng khác nữa. Chẳng nói đâu xa, rất nhiều người sử dụng dịch vụ của Steam cũng lâm vào tình cảnh "mua một đống Game xong để đấy không chơi đến"; hay mua và tải một đống album nhạc mà chưa chắc nghe đã hết.
Quay trở lại với câu chuyện ban đầu, có lẽ sự hiện diện của sách in góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy khát khao được đọc sách của con người. Những cuốn sách in màu, là một trong những nguyên nhân chính làm tăng doanh số cho các nhà sách tại Mỹ và Anh. Và có lẽ, chính bởi việc chúng ta không có đủ thời gian đọc sách, đã trở thành động lực thúc đấy chúng ta mua nhiều sách hơn nữa. Nói như lời của nhà văn người Anh Jeanette Winterson, "Sưu tầm sách là một nỗi ám ảnh, một nghề, một căn bệnh, một thứ nghiện, một đam mê, một điều ngớ ngẩn, và cũng là số phận. Chứ nó không chỉ còn là sở thích đơn thuần nữa rồi. Ai mua sách, rồi sẽ lại mua nữa, mua mãi."
Tham khảo quartz, togufu
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"