Người phụ nữ đằng sau giọng nói trên iPhone: Siri ban đầu có thể hơi "thái độ" do... tôi mệt
Susan Bennett là người đầu tiên thu âm cho phiên bản Siri đầu tiên của Apple được phát hành vào năm 2011. Cô tham gia vào buổi ghi âm của công ty phần mềm ScanSoft vào năm 2005, mà không hề biết rằng nhiều năm sau đó, Apple sẽ mua và sử dụng chúng cho Siri.
Bennett chia sẻ, cô từng hát nhạc quảng cáo cho một vài phòng thu ở Atlanta (Mỹ). Trong một dự án quảng cáo, khi một diễn viên lồng tiếng không xuất hiện, Bennett đã được mời để thay thế. Sau khi hoàn thành, chủ phòng thu nhận xét rằng: “Susan, giọng của bạn không có ngữ điệu. Hãy thử luyện tập với bản thu âm này xem”. Bennett được đào tạo về lồng tiếng từ đó và cũng bắt đầu sự nghiệp với công việc này.
Tháng 7/2005, Bennett đã thực hiện các bản ghi âm sau đó sẽ được dùng cho trợ lý ảo nổi tiếng Siri. Tuy nhiên, cô chia sẻ rằng mình không hề biết gì về ý tưởng này vào thời điểm đó. Bennett nhận được hợp đồng ghi âm cho ScanSoft, một công ty IVR (phản hồi bằng tương tác giọng nói), hiện đã đổi tên thành Nuance. Thay vì phải ghi âm những câu nói thông thường như “Cảm ơn vì đã gọi” hay “Vui lòng quay số”, Bennett phải ghi âm nhiều tổ hợp âm trong tiếng Anh, tên các con phố và địa chỉ nhà.
“Tôi đã ghi âm tại nhà 4 giờ/ngày, 5 ngày/tuần trong suốt cả tháng 7. Lúc đầu thì việc này khá thú vị nhưng sau đó thì rất mệt mỏi”, Bennett chia sẻ.
“Với một số người việc đọc hàng giờ hàng giờ không phải một vấn đề. Nhưng tôi lại thấy khá chán và tôi nghỉ ngơi sau đó. Đó là một trong những lý do tại sao đôi khi bạn thấy Siri hơi… thái độ một chút,” Bennett nói, “Những âm thanh này có thể được ghi âm vào 15 phút cuối cùng của ca làm việc 4 giờ.”
6 năm sau, một đồng nghiệp đã gửi email cho cô và nói rằng: “Chúng tôi đang xem xét các tính năng trên chiếc iPhone mới này, đó có phải giọng của bạn không?”. Bennett cho biết, cô không hề biết gì vào lúc đó, cho đến khi lên trang web của Apple và xem đoạn video giới thiệu.
“ScanSoft đã trả tiền cho tôi thông qua hợp đồng và Apple lại mua các bản ghi âm từ công ty này nên tôi chưa từng được nhận một xu hay bất kỳ sự công nhận nào từ Apple. Đây là một tình huống rất kỳ lạ”, Bennett nói.
Apple không xác nhận Susan Bennett là Siri. Một chuyên gia về âm thanh với 30 năm kinh nghiệm đã nghiên cứu giọng của Susan Bennett và Siri khẳng định “chắc chắn 100%” chúng là một.
Cô cũng chia sẻ rằng dù rất tự hào vì giọng nói của mình có thể trở nên nổi tiếng như vậy nhưng việc này cũng ảnh hưởng đến công việc của cố. “Tôi thích công việc lồng tiếng của mình nhưng tôi cũng không muốn bị coi là một người lồng tiếng cho trợ lý ảo”, Susan cho biết.
Sau đấy, Apple cũng đã thêm nhiều giọng và ngôn ngữ khác nhau cho Siri. John Briggs, người đã lồng tiếng cho Siri phiên bản gốc của Anh và Karen Jacobsen, người lồng tiếng cho Siri bản gốc của Úc đều có những trải nghiệm giống Bennett. Họ thu âm vào năm 2005 mà không hề biết rằng sau đó những bản ghi âm này sẽ được Apple mua để dùng cho Siri.
Cả 3 người đều cho rằng, việc Apple không trả tiền cho họ đồng nghĩa với việc họ không có thỏa thuận không thể tiết lộ thông tin. Vì vậy, Bennett, Jacobsen và Briggs đều bắt đầu sử dụng thông tin này để quảng bá về bản thân.
Bennett đã nhiều lần xuất hiện trên các chương trình truyền hình, các số radio và các buổi Ted Talk.
Bennett chia sẻ, ngoài Siri, giọng của cô cũng được sử dụng ở nhiều nơi khác như Sân bay Atlanta hay các quảng cáo trên TV. “Tôi nghĩ rằng nhiều người thậm chí không nghĩ rằng đằng sau giọng nói của một AI lại là con người”, Bennett cho biết.
Trong hơn 10 năm qua, Apple đã nhiều lần cập nhật giọng nói của Siri và giọng của Bennett đã không còn được sử dụng. Bennett nói: “Trước đây bản gốc Siri có một chút lém lỉnh và thông minh. Nhiều người đã tìm đến tôi chỉ để xem tôi sẽ nói gì. Nhưng bây giờ Siri nghe có vẻ khá nhạt nhẽo”. Dù vậy, kể cả khi Siri lần đầu ra mắt vào năm 2011, Bennett cũng chưa từng sử dụng trở lý ảo có giọng nói của chính bản thân mình.
Tham khảo: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming