"Khi người thân mắc phải căn bệnh vô phương cứu chữa, ai cũng giữ trong mình hy vọng cuối cùng". Và công nghệ đóng băng trở thành niềm hy vọng để ông Gui Junmin tin rằng minh sẽ được gặp lại vợ trong tương lai.
Cryonics (hay còn được gọi là kỹ thuật đóng băng) là phương pháp bảo quản lạnh cơ thể hoặc não bộ của người vừa mới qua đời, để trong tương lai khi y học phát triển có thể hồi sinh những người này lại. Kỹ thuật này đã trở thành một trong những đề tài khoa học rất được quan tâm, cũng như xuất hiện rất nhiều trong những câu chuyện khoa học giả tưởng.
Và mới đây bà Zhan Wenlian đã trở thành người phụ nữ đầu tiên tại Trung Quốc được "bảo quản" bằng kỹ thuật đóng băng sau khi qua đời ở tuổi 49 vì căn bệnh ung thư phổi, theo yêu cầu của chồng mình là ông Gui Junmin. Cả hai vợ chồng nhà ông Gui Junmin đều muốn cống hiến cơ thể của mình cho khoa học sau khi qua đời để "có thể làm được một điều gì đó có ích cho cộng đồng".
Cơ thể của bà Zhan Wenlian sẽ được bảo quản trong 2000 lít nitơ lỏng, và toàn bộ quá trình được thực hiện tại tập đoàn sinh học Ngân Phong, thuộc thành phố Tế Nam, Trung Quốc. Dự án là kết quả hợp tác giữa tập đoàn sinh học Ngân Phong và bệnh viện Tề Lỗ thuộc trường đại học Sơn Đông, cùng với sự cố vấn của tổ chức kéo dài cuộc sống Alcor - một công ty phi lợi nhuận chuyên về cryonics tại Mỹ.
Một phần quá trình bảo quản cơ thể bà Zhan
Tạm gác lại câu chuyện về gia đình ông Gui Junmin sang một bên, ở thời điểm hiện tại chúng ta vẫn còn những câu hỏi đang bỏ ngỏ về cryonics, như dự án này về mặt khoa học có khả thi hay không? Đây chỉ là một thí nghiệm để chúng ta hiểu rõ hơn về cơ thể con người, hay thực sự đây sẽ trở thành một phương án kéo dài sự sống trong tương lai?
Về cơ bản thì điều quan trọng nhất khi thực hiện kỹ thuật đóng băng chính là thời điểm. Cơ thể của những người đã khuất sẽ được bảo quản đông lạnh ngay sau khi tim ngừng đập. Thực ra việc dịch cryonic là "đóng băng" cũng không hoàn toàn chính xác - bởi lẽ chúng ta tuyệt đối phải tránh việc hình thành tinh thể băng trong lúc bảo quản cơ thể để giữ cho các mô cơ không bị tổn thương. Quá trình này khi thực hiện chính xác sẽ đưa cơ thể người đã khuất vào trong trạng thái ổn định, vừa không bị phân hủy, mà cũng vừa không gặp phải tổn hại gì từ quá trình đóng băng trong một khoảng thời gian rất, rất dài.
Nơi diễn ra quá trình đông lạnh
Sau đó cơ thể những người này sẽ được chăm sóc đặc biệt, để đến một thời điểm nào đó trong tương lai có thể đảo ngược quá trình chết đi và đưa họ quay trở về với cuộc sống. Ông Gui Junmin cho biết: "Tôi tin vào sự tiến bộ của những công nghệ mới, vậy nên trong tương lai vợ tôi hoàn toàn có thể sẽ được hồi sinh."
Tất nhiên ở thời điểm hiện tại, trinh độ y khoa của chúng ta vẫn chưa thể nào đạt đến ngưỡng cải tử hoàn sinh. Nhưng không vì vậy mà việc nghiên cứu công nghệ cryonics trở thành một điều gì đó dư thừa hay không quan trọng. Chúng ta luôn cần phải chuẩn bị sẵn sàng để một ngày nào đó trong tương lai, công nghệ này sẽ thực sự giúp ích cho con người.
Quay trở lại với câu chuyện trên, thì số tiền mà ông Gui Junmin phải bỏ ra để "đóng băng" vợ mình không hề nhỏ một chút nào. Chi phí cho một ca đóng băng như vậy rơi vào khoảng 2 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 6,7 tỉ đồng), cùng với một khoản phí thường niên là 50000 nhân dân tệ cho việc bổ sung thêm nitơ lỏng. Rất may là ông Gui Junmin đã được tập đoàn sinh học Ngân Phong tài trợ một phần lớn chi phí cho quá trình này.
Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới có thể cải tử hoàn sinh, nhưng với những tiến bộ không ngừng nghỉ của ngành y khoa học, không ai dám khẳng định chắc chắn rằng điều này sẽ không bao giờ có thể xảy ra được trong tương lai. Và biết đâu đấy đến một ngày, con người sẽ thực sự trở thành bất tử cũng không biết chứng.
Tham khảo Futurism
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming