Người ta đã từng dũng cảm phá bỏ 6 hệ thống đường cao tốc nhưng lại "được nhiều hơn mất"
Vấn đề dường như nghe có vẻ vô lý, đặc biệt là trong thời đại hiện nay, giao thông và di chuyển là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống. Thế nhưng, những gì thực sự đang diễn ra trên thế giới lại chứng tỏ một “nghịch lý”...
Loại bỏ những đại lộ hoành tráng, diễm lệ ở ngay trung tâm thành phố, bù lại hiệu quả lại biến chuyển vô cùng bất ngờ - ít phương tiện giao thông, an toàn hơn và hàng loạt tác động tích cực khác nữa. Điều này đã và đang trở thành một xu hướng mới nổi trên toàn thế giới, được rất nhiều nơi áp dụng và học tập.
Nơi đây từng là một công trình cầu vượt trên cao
Từ trước tới nay, một số lượng không hề nhỏ những hệ thống giao thông đã bùng phát quá đà, được xây dựng tràn lan, mất kiểm soát. Phải mất một thời gian dài sau đó, hội đồng chính quyền các thành phố mới nhận ra “sự thật mất lòng” rằng thế giới thực sự sẽ trở nên tốt đẹp, trong lành và an toàn hơn nếu không có sự xuất hiện của những “vết đen” trên.
Cũng như những công viên sinh thái trước đó được lập ra để kiến thiết nên một môi trường sống lý tưởng, như kế hoạch Big Dig tại Boston là một ví dụ tiêu biểu, các dự án sửa đổi và thay thế tới đây sẽ cho ra đời hệ thống giao thông đa chức năng, phù hợp với mọi loại hình di chuyển và thậm chí làm cầu nối với những khu dân cư bị tách biệt, góp phần đa dạng hóa thêm các dịch vụ xã hội. Thực tế, Sở Giao thông Vận tải Hoa Kỳ đã bước đầu khởi động, dự kiến sẽ tập trung trọng tâm đầu tư vào tái ổn định cơ cấu thành phố, điều mà lẽ ra phải được cân nhắc từ rất nhiều năm trước đây.
Tất nhiên sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi rằng “Vậy hàng trăm ngàn phương tiện sẽ di chuyển ra sao”? Thật ra, “phá dỡ” cả một hệ thống đường không thực sự trầm trọng như chúng ta nghĩ. Nghiên cứu chỉ ra cho thấy, cung và cầu luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau: Nếu đường phố càng rộng lớn, càng nhiều người sẽ kéo về lưu thông; nhưng ngược lại, khi thu nhỏ lưu lượng, họ sẽ chủ động tìm ra những lộ trình thay thế, do đó sẽ ít khi phát sinh thêm vấn đề.
Khó tin phải không? Vậy hãy “nghía” qua vài minh chứng ấn tượng dưới đây:
1. Embarcadero, San Francisco
Nhìn vào diện mạo hiện nay của San Francisco, ít ai có thể ngờ rằng nơi từng là một xa lộ thường xuyên kẹt cứng, tắc nghẽn nay lại trở thành một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất bờ vịnh. Đó là xa lộ 480, tồn tại cho tới khi rung chấn Loma Prieta vào năm 1989 khiến nó hư hại nghiêm trọng. Trước đó, đã có hàng loạt tranh cãi về vấn đề phá dỡ cung đường này nhưng không đi tới kết quả, nên trận động đất đóng vai trò như một chất xúc tác, giúp cho quyết định cuối cùng được đưa ra vào năm 1991.
Danh tiếng của San Francisco đã “nổi như cồn” sau khi dự án khánh thành, với sự ra mắt ấn tượng của một quảng trường công cộng thoáng đãng, lối đi riêng dành cho người đi bộ và xe đạp, tất nhiên không thể thiếu được những tuyến phố thông thường. Đồng thời, thành công này của thành phố không chỉ chứng minh tính khả thi của dự án mà còn thổi một luồng gió mới, một phương pháp mới giúp tiết kiệm đáng kể ngân sách xây dựng: Thiết lập một hệ thống linh hoạt sẽ hiệu quả triệt để hơn so với việc sửa đổi tổn thất đã gây ra. Bên cạnh đó, San Francisco cũng nổi tiếng cùng một dự án nữa: Sảnh lộ Octavia biến đổi từ Cao tốc Trung tâm.
2. Cheonggyecheon, Seoul
Một hệ thống chuyển đổi giao thông được xúc tiến tích cực sẽ gỡ bỏ những “cái gai” khỏi quang cảnh và môi trường xung quanh, cũng như làm nổi bật lên cả một khía cạnh mới của thành phố chưa được khám phá từ trước. Năm 1976 tại Seoul, tuyến cao tốc trên cao được xây dựng với hy vọng sẽ thúc đẩy kinh tế của toàn thành phố một cách đồng đều, nhưng cuối cùng lại trở thành một thất bại thảm hại. Đến năm 2003, Thị trưởng thành phố ra quyết định sẽ phá bỏ cao tốc này, thay vào đó là dự định mới đầy hứa hẹn về một khuôn viên xanh thân thiện với môi trường, bao gồm cả một con sông nhỏ gần đó.
Dự án trên không chỉ nhận được nhiều phản hồi hưởng ứng từ dân cư mà còn tạo điều kiện cho thành phố phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong thời đại mà hiệu ứng nhà kính đang là một vấn nạn ảnh hưởng đến toàn cầu, nhiệt độ tại khu vực này, trái lại, có xu hướng giảm nhẹ trong vài năm gần đây. đồng thời thu hút nhiều loài cá, chim và động vật khác đến thiết lập nên một hệ sinh thái đa dạng. Hơn nữa, kể từ khi con đường biến mất, lưu lượng người lựa chọn phương tiện giao thông công cộng tăng lên đáng kể. Thú vị hơn cả là một vài cột trụ vẫn được lưu giữ lại, như một “tàn tích” nhắc nhở mọi người nhớ về quá khứ trước đây.
3. Harbor Drive, Portland
Trong thập niên 1950, Quốc lộ 99 chạy dọc sông Willamette nổi tiếng với 6 làn xe, nhưng không may mắn như những “người anh em” của mình, vị trí địa lý lại không ủng hộ trong việc thu hút người dân tham gia giao thông phổ biến như những tuyến đường mới xây qua thành phố. Năm 1968, Thống đốc bang Oregon ký quyết định tái kiến thiết hệ thống trên, “đóng cửa” hoàn toàn bắt đầu từ năm 1974. Theo dự kiến, thiết kế thay thế sau đó sẽ trải dài theo bờ sông, giúp không gian trở nên hài hòa mà nổi bật.
Công viên Tom McCall - đặt tên theo nhà chính trị gia đã góp công lớn xây dựng
Portland từ đó đã khẳng định vị thế của mình là một trong những thành phố ấn tượng nhất với con đường cạnh sông này. Bên cạnh chuỗi công viên được xây dựng kèm theo, những căn nhà cũ gần đó cũng được dỡ bỏ nhằm tận dụng thêm càng nhiều diện tích càng tốt. Dòng sông nay đã “hồi xuân”, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống môi trường cũng như thúc đẩy, khích lệ nhiều loại hình sản xuất, công nghiệp ở bờ Tây.
4. Park East, Milwaukee
Đường cao tốc như một thanh chắn ngang lòng thành phố
Trước đây, khu nội thành Milwaukee bao gồm một mạng lưới đường cao tốc dày đặc, khởi công vào năm 1960. Dù đã ít nhiều vấp phải sự phản đối của dư luận nhưng dự án vẫn được diễn ra. May mắn thay, vài thập kỷ sau đó, chính quyền thành phố đã thông qua kế hoạch Riverwalk, hướng đến lợi ích từ việc tái thiết kế cảnh quan và cơ sở hạ tầng kết nối khu bờ sông với trung tâm thành phố.
Tòa Flat Iron tại khu Park East
Trước đó, cao tốc Park East từng tọa lạc nơi đây đã trở thành một gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế, do đó quá trình dỡ bỏ đã được triển khai vào năm 2002. Thay vào đó, đại lộ McKinley – gương mặt mới của thành phố - lại ngày một thu hút các nhà đầu tư và dịch vụ ăn khách. Giá trị sản phẩm tăng lên đáng kể, góp phần tạo nên vị thế đáng ngưỡng mộ của khu vực trong mắt người dân và các nhà doanh nghiệp tiềm năng trong tương lai.
5. Rio Madrid, Madrid
Bờ sông Madrid trước đây
Cũng giống như mọi con sông khác ở thủ đô Hoàng gia của Tây Ban Nha, dòng sông Manzanares là một tượng đài lịch sử của thành phố, nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ, lãnh đạm kể từ khi có sự xuất hiện của xa lộ M-30 bắc ngang hai bờ sông. Đầu thập niên 2000, đã có vài ý tưởng về việc đem lại một sức sống mới cho khu vực xung quanh, nhưng đến tận năm 2011 mới thực sự gây nên tiếng nói trong dư luận. Các phương tiện giao thông được định hướng, đổi sang lộ trình thay thế qua những đường hầm ngầm, trong khi trục đường chính sẽ được sửa đổi hoàn toàn thành một công viên với diện tích 300 mẫu Anh, bao gồm toàn bộ các hình thức lưu thông đa dạng: lối đi bộ và xe đạp riêng, vòng trượt ván, trung tâm giải trí, 17 sân chơi công cộng và thậm chí một bãi biển nhân tạo giữa lòng thành phố.
Kết quả vô cùng khả quan, tạo nên một “cú sốc” bất ngờ cho kinh tế toàn khu vực. Đặc biệt, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng dân cư sống lân cận không những sử dụng nhiều dịch vụ mà còn trở nên hạnh phúc với một lối sống lành mạnh hơn.
6. Alaska, Seattle
Tuyến đường "kìm hãm" sự phát triển của thành phố
Tương tự như trường hợp tại San Francisco, nhờ “chất xúc tác” là một cơn động đất mà dự án này được khởi công. Cầu vượt Alaska bên trong nội thành Seattle không may bị tổn thất nghiêm trọng vì rung chấn năm 2001, đến nỗi phương án duy nhất khả thi lúc bấy giờ là tái kiến trúc hoàn toàn công trình này dựa theo chuẩn mực chống động đất hiện nay. Do đó, các kỹ sư đã quyết định thực hiện một bước đi đột phá: Xây dựng và tái tạo trở thành một đường hầm dưới lòng đất. Đồng thời, để đảm bảo tình trạng giao thông không bị gián đoạn, họ đã tính toán dựng thêm một tuyến đường dự phòng dài 2 dặm với 4 làn xe trước đó.
Quang cảnh cuộc sống tương lai
Mục đích chủ yếu của dự án không chỉ nhằm giảm thiểu lượng xe cộ và khí thải ra môi trường, mà còn là cầu nối giữa khu dân cư trung tâm và phía bờ sông, tạo nên một không gian sống mới mẻ cho cộng đồng xung quanh. Theo dự định, thời điểm hoàn thành sẽ là năm sau, nhưng một vài sự cố phát sinh đã gây nên những trì hoãn nhất định liên quan tới hỏng hóc của cỗ máy đào hầm nổi tiếng thế giới – Bertha.
7. Cao tốc I-345, Dallas (dự kiến)
Một khu đô thị nữa đang ấp ủ ý định đi theo xu hướng cải tạo cơ sở hạ tầng là Dallas, nơi công trình “vĩ đại” về giao lộ liên bang I-345 tọa lạc gần khu Deep Ellum. Dù mới chỉ bước đầu thông qua vài dự thảo kế hoạch nhưng Sở Giao thông Vận tải Texas đã chấp thuận khởi công với mức vốn đầu tư ban đầu lên tới 100 triệu USD.
Chịu trách nhiệm làm chủ dự án là Tập đoàn A New Dallas, họ hy vọng sẽ mang đến những cơ hội phát triển toàn diện cho vùng đất này với hàng loạt công viên sinh thái cùng một môi trường đầu tư đầy hứa hẹn trong tương lai.
Tham khảo: Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung đã ứng dụng AI để định hình trải nghiệm giải trí thông minh trên AI TV như thế nào?
Tương tự dòng điện thoại Galaxy, Samsung AI TV thể hiện rõ khát vọng của thương hiệu điện tử Hàn Quốc trong việc “đưa AI đến với tất cả mọi người,” mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ di động đến TV.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"