Người Trung Quốc sửa cầu chỉ mất 43 giờ, người Mỹ cũng nhanh không kém

    PV,  

    Mọi công trình kiến trúc đều có tính hao mòn vì vậy nên chăng có những kế hoạch kiểm tra chất lượng và thay thế những công trình “lão làng” và phương án dự phòng trước những tai nạn không ngờ tới.

    Mặc dù có ảnh hưởng cực kỳ lớn đến giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế nói chung, các công trình công cộng như cầu đường không thể tồn tại mãi mãi. Chính vì vậy việc duy tu bảo dưỡng và sửa chữa một cách nhanh chóng là một đề tài nóng, đặc biệt với những vụ tai nạn gần đây tại Việt Nam.

    Những tai nạn này dấy lên một bài toán khó giải đó là làm sao để những sự vụ như vậy được giải quyết nhanh chóng và gây ít ảnh hưởng nhất đến xã hội. Lời giải có lẽ là sự phát triển mạnh mẽ về mặt công nghệ xây dựng.

    Sẽ là khập khiễng nếu so sánh một cây cầu này với một cây cầu khác vì cấu trúc và phương pháp chế tạo khác biệt. Tuy nhiên sự tham khảo về mặt giải pháp cũng sẽ đem lại một vài gợi ý tốt.

    Dưới đây là video người Trung Quốc sửa chữa cây cầu Tam Nguyên ở đường Kinh Thuận, thành phố Bắc Kinh, là cây cầu huyết mạch, nối 48 tuyến đường chính với nhau, trong đó có vành đai 3 và đường cao tốc đến sân bay.

    Cầu Tam Nguyên nặng 1.300 tấn, có tuổi thọ 31 năm (từ 1984), hàng trăm nghìn lượt phương tiện qua lại mỗi ngày, do đó, hư hỏng nặng. Để đảm bảo an toàn, cần thay thế dầm mới.

    Để so sánh, chúng ta cần biết rằng cầu Ghềnh ở Đồng Nai mới sập có tuổi thọ hơn 100 năm, nghĩa là gấp 3 lần tuổi họ cầu Tam Nguyên.

    Cầu Ghềnh là một trong 3 cây cầu ở Việt Nam do kiến trúc sư Eiffel thiết kế, gồm có cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế) và cầu Ghềnh (Đồng Nai) không chỉ có kiến trúc đẹp mà còn có giá trị lịch sử.

    Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm tra sự hao mòn những cây cầu ở Việt Nam vẫn còn cần được chú ý nhiều hơn.

    Cầu Ghềnh (Đồng Nai) Ảnh : Khải Đơn
    Cầu Ghềnh (Đồng Nai) Ảnh : Khải Đơn

    Cầu Tam Nguyên Trung Quốc được lên kế hoạch sửa chữa thay thế từ khá lâu nên quá trình sửa chữa đáng ra chỉ mất 24 giờ. Tuy nhiên sau 30 năm, mức độ hư hại tăng cao nên thời gian sửa chữa tăng lên 43 giờ nghĩa là gần 2 ngày.

    Trong 24 giờ đầu tiên, cầu Tam Nguyên cũ được dỡ bỏ hoàn toàn và 19 giờ còn lại, hệ thống cầu mới được lắp đặt nhanh chóng.

    Cầu Ghềnh được lên kế hoạch sửa trong 3 tháng so với cầu Tam Nguyên là lâu hơn rất nhiều. Tuy nhiên chúng ta cần biết, các cây cầu khác của Trung Quốc cũng cần tới nhiều tháng, có khi cả năm để sửa chữa.

    Được biết, cầu Tam Nguyên sửa nhanh là do chính phủ Bắc Kinh thử nghiệm công nghệ thay thế mới. Hình thức này bao gồm chế tạo toàn bộ kiến trúc cầu thành 1 mảnh rồi lắp lại ngay trên vị trí cũ. Việc này cần sự hỗ trợ của rất nhiều máy móc công nghệ cao.

    Ứng dụng công nghệ tương tự, người Mỹ cũng có khả năng phát hiện ra những hư hỏng và sửa chữa cầu một cách nhanh chóng. Cây cầu I-84 ở hạt Connecticut được xây dựng từ năm 1963, nặng khoảng 1000 tấn.

    Sau gần 50 năm sử dụng, cây cầu cũng hứng chịu nhiều hỏng hóc vì vậy chính phủ Mỹ cũng phải chi tới 6 triệu đô để sửa chữa cây cầu này.

    Góc nhìn cận cảnh hơn về công nghệ sửa cầu siêu nhanh Accelerated Bridge Construction của người Mỹ.

    Thông điệp chúng ta rút ra là mọi công trình kiến trúc đều có tính hao mòn vì vậy nên chăng có những kế hoạch kiểm tra chất lượng và thay thế những phần hỏng hóc của những công trình “lão làng” và phương án dự phòng trước những tai nạn không ngờ tới.

    Trong lúc này chúng ta chỉ có thể xem xét các công nghệ sửa cầu hiện đại như người Mỹ, Trung Quốc làm ở mức độ tham khảo vì mức độ đầu tư công nghệ là rất lớn.

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ