Nguyễn Sơn Tùng, người Việt Nam đầu tiên và là người thứ 91 trên thế giới đạt được chứng chỉ bảo mật GMON của Học viện SANS (Mỹ).
Ông Nguyễn Sơn Tùng, chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Huấn luyện an ninh mạng (Viện CSO), đã vượt qua 115 câu hỏi về bảo mật trong khoảng thời gian 1 giờ 19 phút, với số điểm 93%, trong kỳ thi được tổ chức hôm 7/1. Thông thường, với kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ GMON, thí sinh phải đạt số điểm từ 74% trở lên trong khoảng thời gian tối đa là 3 giờ mới được cấp chứng chỉ.
Kết quả bảng điểm của ông Nguyễn Sơn Tùng - Ảnh: CSO
Dựa trên thống kê của Học viện SANSvào ngày 7-1, ông Tùng là người thứ 91 lấy được chứng chỉ GMON. Trước đó, chỉ có 90 chuyên gia trên thế giới sở hữu được chứng chỉ này, phần lớn là quản lý cấp cao về an ninh – an toàn thông tin hay các chuyên gia thâm niên về bảo mật của các tập đoàn lớn hoặc cơ quan chính phủ.
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Lãnh đạo Viện CSO cho biết, từ trước đến nay, Học viện SANS được giới an ninh mạng xem là “nóc nhà” của thế giới về đào tạo an ninh thông tin. Các khóa học của SANS luôn được thiết kế với mục tiêu mang lại không chỉ kiến thức lý thuyết chuyên sâu mà còn là các kỹ năng có thể ứng dụng ngay được vào thực tiễn làm việc của học viên và được cập nhật liên tục theo các xu hướng mới nhất của thế giới. Chính vì thế, việc học và lấy được những chứng chỉ bảo mật hàng đầu của Học viện này còn là giấc mơ của rất nhiều chuyên gia bảo mật trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Học viện SANS có rất nhiều khóa học và các chứng chỉ bảo mật tương ứng như GISF, GSEC, GPEN, GCIH…và đặc biệt GMON là một trong những chứng chỉ mới nhất được SANS cung cấp cho các chuyên gia có đủ kiến thức và kỹ năng phù hợp hơn với xu hướng an toàn-an ninh mạng phức tạp hiện nay, đặc biệt là cho những cá nhân tham gia vào các công tác bảo vệ các hệ thống CNTT quan trọng của các doanh nghiệp và tổ chức lớn.
Cũng theo ông Trác, xu hướng bảo vệ hệ thống truyền thống chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn tin tặc xâm nhập vào hệ thống. Nhưng xu hướng đó không còn phù hợp do tin tặc ngày một tinh vi, táo bạo và kể cả do có sự chống lưng của các chính phủ cùng với việc được trang bị những công cụ hiện đại. Do đó, phải chấp nhận hiện thực là không thể ngăn chặn được tin tặc xâm nhập mà phải chuyển qua khả năng chung sống với tin tặc nhưng không cho tin tặc đạt được mục đích khi nhắm vào một tổ chức, doanh nghiệp nào đó.
Chứng chỉ GMON và khóa học tương ứng của SANS ra đời nhằm đáp ứng những đòi hỏi bảo mật mới đó. Nếu theo học khóa học cung cấp kiến thức để lấy chứng chỉ GMON của SANS, học viên sẽ được tiếp nhận các kiến thức như: các kỹ thuật tấn công truyền thống/hiện đại cũng như cách phòng vệ, nhưng quan trọng hơn cả là hướng tiếp cận chủ động và hoàn toàn mới đối với các công tác bảo vệ hệ thống trong đó tập trung chính vào việc phát hiện và phản ứng nhanh đối với các sự cố an ninh thông tin.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4