Nguy cơ bị lật đổ bằng tấn công mạng, Costa Rica tuyên chiến với nhóm hacker mã độc

    Vinh Ngô, ictnews.vietnamnet.vn 

    Trong gần 1 tháng vừa qua, các cuộc tấn công mạng của Conti, nhóm hacker mã độc tống tiền (ransomware) nổi tiếng, đã làm tê liệt các hệ thống của chính phủ Costa Rica.

    Các nhóm hacker, đặc biệt là Conti đang trở thành một thế lực địa chính trị tại Costa Rica. Ngày 16/5, tân Tổng thống Rodrigo Chaves thậm chí đã phải “tuyên chiến” với nhóm tội phạm mạng này trong bối cảnh các cuộc tấn công tống tiền làm tê liệt nhiều cơ quan ban ngành trong suốt tháng 4 vừa qua.

    Nguy cơ bị lật đổ bằng tấn công mạng, Costa Rica tuyên chiến với nhóm hacker mã độc - Ảnh 1.

    Trong tuyên bố mạnh mẽ của mình, Tổng thống Chaves cho biết Conti đang nhận được sự trợ giúp từ các thế lực ở trong nước và tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh quốc tế.

    “Không hề nói quá khi đất nước chúng ta đang ở trong một cuộc chiến. Cuộc chiến chống lại một nhóm khủng bố quốc tế. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy có những người ở trong nước đang cộng tác với Conti”.

    Lời tuyên chiến được đưa ra khi tân Tổng thống đối mặt với luận điệu hiếu chiến bất thường từ nhóm hacker. Nhóm này công khai ý định “lật đổ chính phủ bằng một cuộc tấn công mạng”.

    Trong thông báo đăng trên website, Conti thúc giục người dân Costa Rica gây áp lực buộc chính phủ nước này phải trả số tiền chuộc 20 triệu USD, tăng gấp đôi từ con số 10 triệu USD ban đầu.

    Chính phủ Mỹ đang treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin giúp xác định hoặc định vị các đầu mối hoạt động của nhóm hacker, 5 triệu USD cho thông tin có thể dẫn tới việc bắt giữ bất kỳ thành viên Conti nào.

    Tác động nghiêm trọng của cuộc tấn công nhằm vào chính phủ Costa Rica cho thấy mức độ đe dọa ngày càng gia tăng với các thể chế nhà nước, gây ra bởi nhóm hacker tống tiền lớn nhất thế giới. Nguồn gốc tài chính dồi dào đã giúp Conti xâm nhập các hệ thống máy tính nhạy cảm nhất bằng cách mua chuộc những người có quyền truy cập.

    “Các nhóm tống tiền kiếm được hàng tỷ USD, do đó việc xâm nhập vào các mạng máy tính như trên chỉ là việc nằm trong ý muốn của chúng”, Jon Miller, CEO và đồng sáng lập nền tảng chống tống tiền Halcyon nói.

    “Ngày càng nhiều những nhóm như vậy xuất hiện trực tuyến. Đó là một vấn đề đáng lo ngại”.

    Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục tại Costa Rica, người dân cũng chịu tác động nặng nề. Theo Tổng thống Chaves, đã có 27 cơ quan chính phủ bị tấn công, gồm cả Bộ Tài chính và Bộ Lao động an sinh xã hội. Một trong những ảnh hưởng là việc chính phủ không thể thu thuế thông qua các phương tiện truyền thống.

    Đến nay, chính quyền Tổng thống Chaves vẫn giữ thái độ cứng rắn với nhóm ransomware, khẳng định không trả tiền chuộc. Cả hai bên đều không có sự nhượng bộ và tình hình rơi vào bế tắc. Chính phủ các nước khác đang theo dõi sát sao vụ việc để tránh rơi vào tình cảnh tương tự.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ