“Nguy cơ lây nhiễm virus, mã độc từ các thiết bị cá nhân của Việt Nam cao nhất thế giới”
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã cho biết thông tin trên tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 17/11.
Phát biểu giải trình thêm tại phiên chất vấn chiều 17/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam an toàn, an ninh thông tin là một vấn đề rất lớn hiện nay.
Theo Phó thủ tướng, chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin , nhưng nếu không bảo đảm an toàn, an ninh thì sẽ nguy hại rất lớn.
Phó thủ tướng cho biết cứ 1 giây trên thế giới có 176 sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, 4 mã độc được phát tán. Và Việt Nam hiện là một trong những nước có nguy cơ rất lớn về an toàn, an ninh mạng.
Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam đứng khoảng thứ 80 trên thế giới nhưng an toàn thông tin ở vị trí trên 100. Đặc biệt những chỉ số liên quan đến ý thức, hành vi của người dân khi sử dụng mạng internet thì “thuộc loại yếu nhất trên thế giới”.
Đơn cử số lượng phát tán thư rác ở Việt Nam chiếm 11,7% trên thế giới, so với Trung Quốc là 12,4%, Mỹ 8,5% nhưng tính theo số người thì Việt Nam gấp 13,4 lần Trung Quốc, 8 lần so với Mỹ.
Bên cạnh đó nguy cơ lây nhiễm virus, mã độc từ các thiết bị cá nhân của Việt Nam cũng cao nhất thế giới với 73,8%; 61% máy tính cá nhân ở Việt Nam nhiễm mã độc so với tỷ lệ trung bình 19% của thế giới.
Phó thủ tướng cho biết, ở các nước, 60% người dân nhận ra nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng do cá nhân nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 11%. Điều đó cho thấy chưa có sự nhận thức rõ về nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin của cả tổ chức lẫn cá nhân.
Cũng theo Phó thủ tướng, mức độ đầu tư cho lĩnh vực này ở các nước vào khoảng 15-21% trong khi ở Việt Nam chỉ là 5%. Nhân lực chuyên được đào tạo về an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 500 cán bộ chuyên trách so với 40.000 người của Trung Quốc, và khoảng 15.000-20.000 người ở Mỹ, Đức.
Trong khi đó theo Phó thủ tướng, người dân còn dễ dãi, không nhận thức được nguy cơ về an toàn, an ninh thông tin. Đây là điều đáng báo động nhất về an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam.
“Chúng ta có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng và phải giữ chủ quyền này”, Phó thủ tướng khẳng định và nêu một số biểu hiện vi phạm chủ quyền không gian mạng như thông tin bôi nhọ, nói xấu; lộ lọt bí mật, lấy mất thông tin; phá hoại thông tin, hệ thống điều hành; chiếm quyền kiểm soát hệ thống; nguy hiểm nhất là “đội quân mã độc” đang nằm trong hàng triệu máy tính ở Việt Nam.
Theo Phó thủ tướng, đây là vấn đề phải mất nhiều năm mới xử lý được, nhưng nếu chúng ta không ý thức từ bây giờ sẽ vô cùng nguy hiểm. Do vậy cần phải có những công cụ, lực lượng để thực hiện. Xây dựng hệ thống cảnh giới đến từng giây, thậm chí từng phần nghìn của giây. Và khi có sự cố xảy ra phải có khả năng ứng phó, khôi phục lại hệ thống khi bị tấn công.
“Nhận thức là vô cùng quan trọng nhưng đi kèm với đó là năng lực ứng phó với các cơ cấu, quy định phải rất rõ ràng, cụ thể khi việc xử lý trong thời gian rất ngắn. Khi ứng phó sự có an toàn, an ninh thông tin ngoài yêu cầu toàn vẹn, bí mật thì phải truy được trách nhiệm, dấu vết. Đây là việc mà nhiều người làm, nhiều bước và phải lặp đi, lặp lại”, Phó thủ tướng nói và một lần nữa khẳng định “xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"
Không chỉ là một mô hình AI mới, sự ra đời của Gemini 2.0 còn được Google xem như là cột mốc chuyển giao sang thời đại của các "tác nhân AI".
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI