Chắc hẳn bạn đọc vẫn chưa quên được vụ Skype sập mạng khiến 20 triệu người dùng mất liên lạc xảy ra cách đây không lâu. Để giải đáp các thắc mắc của người dùng, giám đốc điều hành Lars Rabbe đã đưa ra câu trả lời về sự cố đáng tiếc này.
Trước hết, GenK.vn sẽ giải thích cách thức Skype hoạt động. Nó là một ứng dụng ngang hàng (peer – to – peer), người dùng có thể kết nối trực tiếp với nhau mà không cần thông qua máy chủ trung tâm. Ban đầu Skype sử dụng các sever dựa trên nền tảng internet để thẩm định người dùng khi đăng nhập và theo dõi trạng thái của họ. Nhưng khi dùng các tính năng Voice call, Instant Messenge, hình thức liên lạc sẽ chuyển sang kết nối trực tiếp ngang hàng. Nếu bị giới hạn bởi vật cản (có thể là tường lửa), liên lạc sẽ chuyển qua một Supernode (tạm dịch là “siêu nút”).
Sự cố với Skype xảy ra khi một số máy chủ của các tính năng nhắn tin offline gặp trục trặc. Điều đó nếu bình thường sẽ không đáng lo ngại, đơn giản chỉ cần đóng chúng lại và chuyển người dùng sang các máy chủ sao lưu. Nhưng vấn đề ở chỗ một số phiên bản Skype cho Windows bị lỗi lại là nguyên nhân chính gây ra sự trì hoãn cho các máy chủ kể trên. Sự cố đó đã khiến hơn 5 triệu người dùng (khoảng 20%) bị mất mạng.
Skype sử dụng phương thức kết nối ngang hàng, liên lạc với nhau qua các “supernodes” (siêu nút). Bắt đầu từ việc một số người dùng đang sử dụng phương thức này bị đứt kết nối, dẫn đến hàng triệu người khác đang dùng Skype bị đẩy ra cùng một lúc. Chính xác là khoảng 25% tài khoản phải đăng nhập lại, tạo ra một tải trọng quá lớn cho các supernodes khác khiến cho đường truyền bị lỗi. Sự cố đã lặp đi lặp lại cho tới khi sập mạng hoàn toàn.
Cấu trúc hoạt động đặc biệt của Skype đã khiến lỗi đó nhanh chóng lây lan tới toàn bộ người dùng trên khắp thế giới. Nếu hoạt động theo mô hình kết nối trực tuyến qua các cụm máy chủ tập chung giống của Google Voice, tình trạng chắc chắn sẽ không thể lan rộng.
Vậy tại sao Skype lại chọn hình thức kết nối này? Bởi lẽ điều ấy giúp các cuộc gọi Skype hiệu quả hơn, giảm sự chậm trễ trên đường truyền, giúp khách hàng tin tưởng hơn vào dịch vụ. Và hơn thế nữa, nó cũng góp phần giảm chi phí duy trì Skype.
Nhưng hệ thống đó cũng dễ xảy ra lỗi nếu người dùng có những tác động không tốt tới đường truyền. Bất cứ sự cố nhỏ nào xảy ra cũng có nguy cơ dẫn tới treo toàn bộ hệ thống và mất liên lạc trên diện rộng.
Tuy nhiên tới bây giờ các chức năng đã khôi phục lại hoàn toàn, và với những khuyến mãi “đền bù” thỏa đáng, Skype vẫn được ưa chuộng và đã trở lại hoạt động bình thường như trước.