Galaxy S20 series được Samsung niêm yết giá từ 21.5 đến 30 triệu đồng, tuy nhiên một số nhà bán lẻ sẵn sàng bán cho người dùng với giá rẻ hơn cả triệu đồng.
Tại Việt Nam, Galaxy S20, Galaxy S20 và Galaxy S20 Ultra được Samsung đưa ra mức giá lần lượt là 21.5, 24 và 30 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường, người dùng hoàn toàn có thể sở hữu bộ ba sản phẩm này với số tiền thấp hơn rất nhiều.
Không nhận quà để được giảm giá
Khi người dùng bỏ ra 21.5/24/30 triệu đồng để sở hữu Galaxy S20 series, những gì họ nhận được không chỉ là mình chiếc điện thoại mà còn là những phần quà của hãng và nhà bán lẻ. Một số phần quà tiêu biểu được tặng kèm S20 series trong đợt này bao gồm tai nghe Galaxy Buds hay bao da Clear View.
Tai nghe Galaxy Buds là quà tặng cho người dùng Galaxy S20 và S20 Ultra
Nhưng không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng những món đồ này, và đối với họ, bỏ tiền ra cho thứ mình không cần đến như một sự lãng phí không đáng có. Đáp ứng được nhu cầu này, một số đại lý đã cho phép khách hàng bỏ quà và trừ thẳng vào giá bán sản phẩm.
Mới đây, Samsung còn công bố chương trình giảm giá 2 triệu đồng cho tất cả các model Galaxy S20. Đây được cho là biện pháp của Samsung nhằm thúc đẩy doanh số của dòng máy này, do lượng đơn đặt hàng Galaxy S20 đang ở mức không cao như kỳ vọng.
Khi kết hợp hai điều trên, mức giá thực tế của Galaxy S20 series là thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, theo tham khảo của chúng tôi tại một số đại lý bán lẻ, giá của từng model Galaxy S20 sau khi trừ quà là như sau:
- Galaxy S20: 17 triệu đồng
- Galaxy S20 : 18 triệu đồng
- Galaxy S20 Ultra: 24 triệu đồng
(Lưu ý: mức giá này có thể thay đổi tuỳ theo chính sách của từng nhà bán lẻ)
Như vậy, nếu không nhận quà, người dùng có thể tiết kiệm được số tiền rất lớn so với giá niêm yết của Samsung.
Đại lý nhỏ lẻ "lén" giảm giá Galaxy S20
Mặc dù không lấy quà để được giảm giá là nhu cầu phổ biến của người dùng, thế nhưng không phải tất cả các đại lý đều cho phép họ làm điều này. Trong đó, điển hình nhất là hai hệ thống "đầu tàu" trong lĩnh vực phân phối điện thoại tại Việt Nam là Thế Giới Di Động và FPT Shop đều không cho phép người mua quy đổi quà thành tiền mặt.
Không phải tất cả đại lý đều cho phép người dùng quy đổi quà ra tiền mặt
Thay vào đó, cách thức này thường được các đại lý với quy mô trung bình/nhỏ sử dụng. Do không thể cạnh tranh với các hệ thống lớn về quy mô và quảng cáo, vậy nên những hệ thống nhỏ này dựa vào giá bán rẻ và chính sách nới lỏng để thu hút người dùng.
Kể cả như vậy, việc "bỏ quà giảm giá" không được các đại lý nhỏ lẻ này công bố rộng rãi tới người dùng. Bởi lẽ, theo quy định của Samsung, các nhà bán lẻ bắt buộc phải treo giá niêm yết và không được phép "chào mời" khách hàng quy đổi quà. Nếu vi phạm quy định của Samsung, nhà bán lẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị phạt rất nặng.
Do đó, các nhà bán lẻ sẽ buộc phải "lén lút" tư vấn cho khách hàng về việc bỏ quà giảm giá. Khi được hỏi về mức giá sau khi trừ quà trên các phương tiện công khai (website, MXH), thay vì tư vấn trực tiếp, các nhà bán lẻ sẽ xin số điện thoại của khách hàng để trao đổi riêng. Thậm chí, một vài nhà bán lẻ còn yêu cầu khách hàng ra trực tiếp cửa hàng, nhằm tránh bị Samsung phát hiện.
Các đại lý bán lẻ không được phép công khai trừ quà giảm giá, mà thay vào đó phải trao đổi riêng với khách hàng qua số điện thoại
Tại sao Samsung không cho phép người dùng trừ quà?
Nhu cầu mua điện thoại giá rẻ của người dùng là rất lớn, nhưng các nhà bán lẻ lại phải lén lút đáp ứng nhu cầu này của người dùng dưới mắt Samsung. Vậy tại sao Samsung không cho phép các nhà bán lẻ tự do trừ quà, vừa làm hài lòng người dùng, lại vừa không gây khó dễ cho các bên bán lẻ?
Lý do hết sức đơn giản: Samsung muốn giữ giá bán cao nhằm bảo vệ hình ảnh "cao cấp" của Galaxy S và cạnh tranh với đối thủ Apple.
Kể từ năm 2017 với iPhone X, Apple bắt đầu nâng giá bán iPhone lên ngưỡng 1000 USD. Nếu như người dùng iPhone chịu chi, có độ trung thành cao và sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu mẫu iPhone đời mới nhất, thì người dùng Android lại không như vậy. Trong suy nghĩ của nhiều người Việt, bỏ ra 1000 USD cho một chiếc iPhone là hết sức bình thường, nhưng từng ấy tiền cho một chiếc điện thoại Android thì lại là lãng phí.
Suy nghĩ này của họ là hoàn toàn có cơ sở, khi một chiếc điện thoại Android thường bị nhà sản xuất bỏ rơi chỉ sau 2 năm, trong khi tuổi đời của một chiếc iPhone có thể lên đến 5-6 năm. Ngoài ra, những chiếc máy Android còn có mức độ mất giá nhanh và cao hơn đáng kể so với iPhone, khiến cho người dùng không cảm thấy thoải mái.
Chính vì vậy, để có được mức giá cao ngang ngửa iPhone (nhằm tạo cho nguời dùng cảm giác Galaxy S "xịn" cũng không kém) nhưng vẫn tạo cho họ tâm lý tự tin khi bỏ ra một số tiền lớn, Samsung luôn tặng rất nhiều quà cho người sở hữu Galaxy S. Và để bảo vệ hình ảnh cao cấp và tránh tình trạng loạn giá, Samsung yêu cầu các nhà bán lẻ phải bán theo giá niêm yết và không được phép tự ý giảm giá.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming