Nhà kho Amazon gây sốc khi tiêu hủy 130.000 sản phẩm/tuần, có cả MacBook, iPad và 20.000 khẩu trang mới tinh
Ước tính, hàng triệu sản phẩm bị Amazon tiêu hủy mỗi năm trị giá tới 55 triệu USD
Một cuộc điều tra mới đây của hãng tin ITV của Anh tiết lộ rằng một nhà kho của Amazon ở Scotland đã tiêu hủy hàng triệu sản phẩm không bán được mỗi năm.
Theo đó, ITV đã ghi lại cảnh bí mật trong nhà kho của gã khổng lồ thương mại điện tử ở Dunfermline, Scotland. Đoạn phim cho thấy hàng loạt máy tính xách tay, TV, đồ trang sức, tai nghe, sách và khẩu trang được nhân viên chất vào các thùng có dán nhãn "Tiêu hủy".
Một cựu nhân viên giấu tên của Amazon nói với ITV rằng người lao động tại nhà kho được giao chỉ tiêu tiêu hủy hàng tuần là 130.000 mặt hàng. Điều này đã được chứng thực bởi một bản ghi chép nội bộ mà ITV tiếp cận được, cho thấy trong 1 tuần của tháng 4, có 124.000 mặt hàng được đánh dấu là "Tiêu hủy". Ngoài ra, trong cùng tuần đó, 28.000 sản phẩm khác được đánh dấu "Quyên góp".
Cựu nhân viên nọ nói thêm: "Không có quy định cụ thể về việc sản phẩm nào sẽ bị tiêu hủy. Tôi đã thấy những chiếc quạt Dyson, máy hút bụi Hoovers, thậm chí là MacBook, iPad (nhưng không thường xuyên) và cả một bọc gồm 20.000 chiếc khẩu trang Covid-19 bao bì vẫn còn y nguyên. Khoảng một nửa số mặt hàng được đánh dấu là để tiêu hủy vẫn còn trong bao bì trong khi nửa còn lại là những sản phẩm bị trả lại nhưng vẫn ở trong tình trạng tốt".
Người phát ngôn của Amazon nói với Business Insider rằng nhà kho Dunfermline xử lý tất cả các sản phẩm bị đánh dấu tiêu hủy ở toàn bộ Vương quốc Anh. Nếu 130.000 sản phẩm là mức trung bình hàng tuần thì khi nhân lên, sẽ có tới hơn 6 triệu sản phẩm bị Amazon tiêu hủy mỗi năm. Theo ước tính của The Sun, số hàng hóa này trị giá tới 55 triệu USD.
ITV đã ghi lại cảnh những thùng dán nhãn "Tiêu hủy" được chất lên xe tải và chuyển đến các trung tâm tái chế và bãi chôn lấp. Đoạn video do ITV đăng tải với hashtag "Amazon lãng phí" đã thu hút được 1,4 triệu lượt xem trên Twitter.
Trong một tuyên bố khác với Business Insider, người phát ngôn của Amazon cho biết: "Bãi chôn lấp mà ITV đề cập tới thực ra là một trung tâm tái chế. Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới mục tiêu không thải bỏ sản phẩm và ưu tiên của chúng tôi là bán lại, quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoặc tái chế bất kỳ sản phẩm nào không bán được.
Không có mặt hàng nào được gửi đến bãi chôn lấp ở Vương quốc Anh. Giải pháp cuối cùng là chúng tôi sẽ gửi các sản phẩm đến cơ sở phục hồi năng lượng (thu năng lượng từ chất thải qua nhiều quá trình khác nhau). Tuy nhiên, chúng tôi đang làm việc chăm chỉ để việc này không xảy ra".
Năm 2019, một số phóng viên tại Pháp từng phát hiện ra rằng Amazon đã tiêu hủy hơn 3 triệu sản phẩm chỉ trong 1 năm. Cùng năm đó, tờ Mail on Sunday cũng cử một nhóm phóng viên bí mật đến một nhà kho khác ở Vương quốc Anh. Tại đây, họ chứng kiến nhiều sản phẩm không bán được bị chuyển đến "Khu vực tiêu hủy". Sau đó, nhân viên Amazon chất những mặt hàng này lên xe tải và chúng được đưa đến bãi xử lý chất thải hoặc bãi chôn lấp.
Người phát ngôn của Amazon không bình luận về việc công ty đã thay đổi cách thức "Tiêu hủy" kể từ đó hay chưa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android