Nhà cung ứng trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới có thể sẽ tăng giá sản phẩm để giúp "duy trì trật tự" thị trường toàn cầu.
Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập và CEO của Huawei Technologies, cho biết công ty của ông nên học theo Apple trong việc nâng giá bán sản phẩm, để "tính cạnh tranh có thể tồn tại", trong bối cảnh công ty Trung Quốc này vẫn đang phải chống chọi lại những cáo buộc của Mỹ rằng sản phẩm của họ bị dùng vào mục đích gián điệp.
Huawei, nhà cung ứng trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, từ lâu đã bị chỉ trích đón đầu các đối thủ bằng cách bán sản phẩm với giá thấp hơn nhằm giành được các bản hợp đồng kinh tế. Tất nhiên, Huawei bác bỏ điều đó và nói rằng sẽ không bán trang thiết bị mạng di động 5G với giá thấp hơn thị trường.
"Chúng tôi sẽ không chèn ép thị trường bằng cách hạ giá sản phẩm" - ông Nhậm nói.
"Mặc cho tất cả những áp lực mà chúng tôi đang phải chống đỡ, chúng tôi vẫn sẽ bán sản phẩm và giải pháp ở mức giá cao để duy trì trật tự trên thị trường".
Trong vài năm trở lại đây, Huawei đang gặp khó khăn trong việc bán trang thiết bị mạng cho các nhà mạng viễn thông, bởi thị trường 4G đã trưởng thành, và phía Mỹ đang đẩy mạnh các chiến dịch nhằm chống lại Huawei bằng cách cáo buộc họ cung cấp trang thiết bị có thể bị lợi dụng để hỗ trợ cho các hoạt động tình báo của Trung Quốc.
Mỹ cũng gây áp lực lên các đồng mình ở châu Âu, như Đức và Anh, buộc họ phải loại trừ Huawei khỏi các kế hoạch triển khai 5G. Huawei, ban đầu chỉ là một công ty nhỏ chuyên bán điện thoại ở Thâm Quyến, đã trở thành công ty đi đầu toàn cầu về các hệ thống di động 5G trong suốt 3 thập kỷ qua, và nay đang bị cấm cửa khỏi thị trường viễn thông rộng lớn của Mỹ.
Hồi đầu tháng này, Huawei cho biết họ kỳ vọng sẽ tăng trưởng ít nhất 10% trên mọi lĩnh vực kinh doanh trong năm nay, trong bối cảnh các nhà mạng di động chuẩn bị tung ra các dịch vụ di động 5G thương mại vào năm 2020.
Huawei hiện đã đạt được 40 hợp đồng xây dựng và điều hành các mạng di động 5G trên toàn thế giới. Trong số đó, có 23 hợp đồng tại châu Âu, 10 hợp đồng tại Trung Đông, 6 hợp đồng tại châu Á - Thái Bình Dương, và 1 hợp đồng tại châu Phi.
Ông Nhậm nói rằng áp lực Mỹ đặt lên Huawei "khiến ông hào hứng cực độ" bởi tình hình này đã giúp công ty "đoàn kết thành một khối" để "làm ra những sản phẩm tốt hơn".
"Về mặt cá nhân, điều này làm gánh nặng của tôi nhẹ nhàng hơn, bởi những con người của chúng tôi đang làm việc hăng say hơn bao giờ hết. Họ đang lên tiếng mạnh mẽ hơn tôi nhiều, do đó tôi có thể thư giãn đôi chút và có thêm thời gian để nói nhiều chuyện hơn với Mỹ".
Ông cũng miêu tả Huawei là "công ty công nghệ nghèo nhất thế giới" bởi họ đã tái đầu tư phần nhiều số tiền làm ra vào nghiên cứu và phát triển.
Vào tháng 7 năm ngoái, công ty công bố tăng chi tiêu thường niên cho nghiên cứu và phát triển lên mức từ 15 đến 20 tỷ USD.
Dù không tin rằng sự tồn vong của Huawei đang đứng trước nguy cơ lớn, ông Nhậm cho biết phía Mỹ sẽ không được lợi gì từ việc giới hạn các công ty công nghệ Mỹ bán sản phẩm cho Huawei.
"Huawei là hãng mua chip lớn thứ 3 thế giới. Không có chúng tôi, các báo cáo tài chính của nhiều công ty Mỹ sẽ chỉ tồi tệ hơn, dẫn đến những biến động lớn trên thị trường chứng khoán".
Dù vậy, Huawei vẫn có "những lựa chọn khác" để mua linh kiện, do đó họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lệnh cấm xuất khẩu nào từ Mỹ - ông Nhậm kết luận.
Tham khảo: SCMP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?