Nhà thiết kế tuổi 91 ở Thung lũng Silicon: Đam mê nào có giới hạn?

    Quyên Nguyễn,  

    Barbara Knickerbocker-Beskind, một nhà thiết kế ở độ tuổi xưa nay hiếm đến từ Silicon Valley đã có những chia sẻ về công việc cũng như niềm đam mê của bà đối với việc phát minh và thiết kế.

    Bài viết viết chia sẻ câu chuyện về niềm đam mê với công việc của nhà thiết kế 91 tuổi tại thung lũng Silicon, Barbara Knickerbocker-Beskind.

    Khi cuộc Đại suy thoái xảy ra, chúng tôi không có tiền vậy nên chúng tôi đã tự làm tất cả mọi thừ, ngoại trừ giày và kính mắt.

    91 tuổi nhưng vẫn mê nghề thiết kế, Barbara Knickerbocker-Beskind

    Cha tôi là một trong số 100 người đầu tiên làm việc cho FBI, nhưng cha tôi mất việc lúc tôi lên một tuổi và ông không thể kiếm được việc làm trong vòng 7 năm tiếp theo. Chúng tôi buộc phải chuyển đến ở cùng với bà ngoại. Bà ngoại tôi lúc ấy đã 80 tuổi và bà không hề thích trẻ con, bà không bao giờ cười cả. Tuy nhiên, tôi vẫn vui vì có cha mẹ. Cha tôi thích quan sát mọi thứ xung quanh và mẹ tôi thì rất sáng tạo, tôi được thừa hưởng cả hai đức tính đó từ cha mẹ.

    Gia đình quá nghèo nên tôi thường tự làm đồ chơi của riêng mình. Tôi dựng hai chiếc lốp xe ô tô tựa vào nhau để chơi trò cưỡi ngựa, cũng từ đó mà tôi biết về trọng lực vì tôi đã bị ngã rất nhiều lần.

    Chiếc xe kéo đồ chơi tự làm

    Chiếc xe kéo đồ chơi tự làm

    Năm tôi 10 tuổi, tôi mong ước trở thành một nhà sáng chế. Tôi đã tới gặp giáo viên hướng nghiệp và cô cho tôi biết rằng các trường kỹ thuật thời bấy giờ không nhận nữ sinh. Không nản chí, tôi đã thử tới trường dạy nghề và vận may đã mỉm cười với tôi.

    Sau khi tốt nghiệp khoa mỹ thuật ứng dụng tại trường dạy nghề trực thuộc đại học Syracuse vào năm 1945, tôi đã được nhận làm thực tập sinh cho chương trình Trị liệu lao động của quân đội.

    Vào thời điểm đó, trị liệu lao động thông qua các phương pháp chế tạo đồ thủ công để trị liệu cho những người lính. Với tư cách là một chuyên gia trị liệu, tôi phải nghĩ ra những phương cách khác nhau tùy vào nhu cầu của từng người bệnh, giúp họ thoải mái và độc lập nhất trong khả năng của chúng tôi.

    Bác sỹ trị liệu đang giúp bệnh nhân kéo giãn chân bằng cách đạp xe
    Bác sỹ trị liệu đang giúp bệnh nhân kéo giãn chân bằng cách đạp xe
    Phương pháp trị liệu lao động trong những năm 1950

    Phương pháp trị liệu lao động trong những năm 1950

    Có rất nhiều ca bại liệt trong khoảng thời gian đó

    Một trong những bệnh nhân đặc biệt nhất đối với tôi là một chỉ huy không quân. Bệnh tình của ông tiến triển quá nhanh, họ chuyển ông từ Hawaii về khu căn cứ không quân Travis ở California nhưng mọi việc đã quá muộn, ông đã bị bại liệt. Họ đã phải tháo ghế của phi công để nhấc ông ra. Tôi đã làm việc với ông ấy, giúp ông ấy sử dụng nẹp chân và thiết kế một bộ máy để ông có thể đứng và làm việc.

    Ông là một trong nhiều bệnh nhân tại Trung tâm y tế quân đội Walter Reed, nơi tôi đã đóng quân trong ba năm. Ông cũng như những người lính sống ở phía bờ đông của Missisippi sẽ được chữa trị ở Walter Reed, những người lính ở phía bờ Tây sẽ được chuyển đến bệnh viên quân đội Letterman ở San Francisco.

    Năm 1966, tôi quyết định giải ngũ ở độ tuổi 42 và tập trung vào các hoạt động thực tiễn. Tôi là nhà trị liệu đầu tiên của Hoa Kỳ tiến hành việc này. Tôi luôn là người tiên phong. Tôi làm việc với những cháu bé bị mắc chứng khó học. Tôi muốn phát triển những công cụ sẽ thu hút và giúp chúng duy trì được sự cân bằng.

    Tôi đã sáng chế ra một chiếc gối vuông bơm hơi có chiều cao lên tới 90 cm với những vòng cuộn bên ngoài mà có thể bảo vệ chúng khi chúng rơi xuống. Tôi gọi nó là một con tàu vũ trụ. Bọn trẻ rất thích chúng và quan trọng là nó giúp chúng tăng khả năng giữ thăng bằng.

    Bản phác thảo gối thăng bằng của Barbara
    Bản phác thảo gối thăng bằng của Barbara

    Khi tôi kết hôn vào năm 52 tuổi, công việc của tôi gặp rất nhiều thuận lợi. Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng một tòa nhà riêng biệt, nơi chồng tôi tiến hành trị liệu tâm lý và tôi đồng thời tiến hành trị liệu lao động. Năm 1984, chúng tôi rời khỏi New Jersey và chuyển đến Vermont, tôi trở thành một tư vấn viên cho hệ thống trường học ở đây.

    Tôi đã từng thử về hưu tới 5 lần qua 3 công việc khác nhau nhưng tôi chưa bao giờ có thể làm được điều đó. Tôi quay lại trường học vào năm 1997 để học về mỹ thuật và thực sự nó rất hữu ích cho việc phác thảo các phát minh của tôi.

    Vào năm 2013, tôi biết đến David Kelly, nhà sáng lập công ty thiết kế IDEO, qua một chương trình truyền hình. Khi tôi nhận thấy rằng ông chấp nhận và tôn trọng những người có hoàn cảnh phức tạp, tôi đã nghĩ rằng, có lẽ với những kinh nghiệm trong cuộc sống và thiết kế, tôi có thể hữu ích cho công ty của ông ấy. Lúc đó tôi 89 tuổi.

    Tôi đã thảo một bức thư tay, có lẽ chính điều này đã thu hút sự chú ý của họ. Tôi nhanh chóng nhận được hồi đáp trong vòng một tuần. Họ chỉ vừa mới bắt đầu thiết kế những công cụ cho người cao tuổi và họ rất vui vì tôi đã xuất hiện đúng thời điểm.

    "Ở độ tuổi 90, tôi vẫn tràn đầy sinh lực và tham vọng cộng tác với bất cứ ai chia sẻ niềm đam mê thiết kế và giải quyết vấn đề. Tôi tin rằng những kinh nghiệm từ thực tế của bản thân sẽ hữu ích cho phía công ty và tôi mong chờ được làm việc với các bạn như một cộng tác viên hoặc bất cứ vị trí nào phù hợp. Rất mong nhận được hồi đáp từ phía công ty. Với tất cả tôn trọng, Barbara"

    Họ mời tôi đến công ty để gặp gỡ một vài người. Lúc đầu chỉ có 4 người xuất hiện nhưng sau đó, có đến khoảng 35 nhà thiết kế và các kỹ sư đã kéo tới chật kín cả căng tin nơi chúng tôi ngồi. Tôi đã giới thiệu và kể cho họ những câu chuyện và kinh nghiệm của bản thân, đồng thời giải đáp một số câu hỏi Sau đó tôi trở thành tư vấn viên phát triển dụng cụ và dịch vụ dành cho người cao tuổi và cộng đồng những người có thị lực kém.

    Thứ Ba hàng tuần tôi vẫn đi bộ qua 3 dãy nhà để tới nhà ga, tôi đã quen mặt tất cả những người bán vé ở đó. Tôi đến văn phòng của IDEO ở Palo Alto hoặc San Francisco vào lúc 10 giờ, tôi thường ngồi ở một vị trí cố định để mọi người có thể dễ dàng tìm thấy tôi. Tiếng lành đồn xa, mọi người thậm chí cần phải đặt lịch để hẹn gặp tôi. Mọi người cũng thường hay dừng lại để nói chuyện với tôi về những dự án mà họ đang làm. Thực quả là một môi trường làm việc năng động.

    Tôi thích mọi thứ ở đây. Tôi già hơn rất nhiều các đồng nghiệp, nhiều người trong số họ còn có bằng cấp rất cao nhưng tôi được đối xử công bằng như những người khác. Tôi được tôn trọng bởi những gì tôi đóng góp cho công việc của họ bằng những kinh nghiệm và sự sáng tạo của bản thân.

    Có một lần, một công ty đã tới tìm tôi để xin ý kiến về vấn đề năng lượng cho sản phẩm của họ. Họ dự định dùng pin, nhưng nếu như vậy thì không thuận tiện cho người già vì viên pin quá bé sẽ khiến họ khó sử dụng. Tôi cho rằng sản phẩm sạc pin sẽ khả thi hơn.

    Thực sự rất khó cho những người trẻ khi đặt mình vào vị trí của những người già để xem họ thực sự cần gì. Thậm chí bản thân tôi, cho đến bây giờ vẫn còn phải học rất nhiều từ những người khác trong cộng đồng hưu trí của tôi. Tôi vẫn thường nói với họ “Hãy tìm đến tôi và cho tôi biết bạn cần gì.”

    Một quý ông đã từng tìm tới tôi, ông nói: “Barbara, tôi cần bà giúp phát minh ra một thứ gì đó. Tôi dùng giá đỡ và đi rất chậm nhưng tôi nghe không rõ, bởi vậy nên mỗi lần có người tiến lại từ phía sau tôi thường bị giật mình. Liệu bà có thể làm gì đó để cải thiện tình hình không? Ví dụ như lắp thêm gương vào xe lăn chẳng hạn?”

    Tôi lập tức tới cửa hàng xe đạp, mua một chiếc gương chiếu hậu và lắp vào chiếc giá của ông ấy. Ông ấy đã rất vui mừng.

    Chiếc giá đỡ có gắn gương mà Barbara thiết kế

    Chiếc giá đỡ có gắn gương bà Barbara thiết kế

    Vào một lần khác, một bà cụ đã cằn nhằn về việc bánh xà phòng liên tục tuột khỏi tay khi bà đang tắm. Tôi đã nhận ra rằng, bánh xà phòng bà thường dùng chỉ phù hợp cho những người có bàn tay to. Những gì người phụ nữ nhỏ bé này cần là một loại sản phẩm nhỏ hơn gấp 3 lần và có những rãnh nhỏ giúp cầm nắm dễ dàng hơn.

    Ở góc độ cá nhân, tôi không nhìn rõ khuôn mặt mọi người vì mắt tôi đã quá kém. Tôi muốn có một chiếc camera gắn trên gọng kính để mỗi lần có ai đó tiến tới, camera sẽ nhận diện khuôn mặt và cho tôi biết đó là ai. Nhờ đó mà tôi sẽ có thể gặp gỡ mọi người thoải mái hơn mà không cần phải chờ họ giới thiệu nữa.

    Barbara đã tự chế lại chiếc gậy chống của mình
    Barbara đã tự chế lại chiếc gậy chống của mình

    Nếu bạn thiết kế sản phẩm cho những người già, đừng ngần ngại hỏi họ thực sự cần gì. Chúng tôi không cần những cây ba-toong màu hồng và hộp thuốc gắn đá quý, cái chúng tôi thực sự cần là những dụng cụ hữu hiệu giúp chúng tôi có thể tự làm việc và giữ an toàn cá nhân. Tôi cho rằng người già là một nguồn tài nguyên chưa khai thác cần nhận được sự đầu tư đúng đắn.

    Tôi không trông mong rằng mọi người sẽ thích thú với cách tôi làm việc, nhưng nếu bạn không có dấu ấn riêng, thì kể cả bạn có là người đan len giỏi nhất hay là người chơi đàn tuyệt nhất đi chăng nữa, bạn cũng không có một bản sắc cho riêng mình. Và đây chính là bản sắc của tôi - công việc.

    Tham khảo BBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ