Nhà vi trùng học tiết lộ "độ bẩn" của máy giặt: Trong đó có vi khuẩn, virus, nấm mốc và cả phân người
Những chiếc khăn tắm giặt xong vẫn hôi rình, và có thể chứa nhiều mầm bệnh hơn cả bồn cầu, nếu lâu rồi bạn chưa vệ sinh máy giặt.
- Xiaomi ra mắt máy giặt + sấy 10Kg: Truyền động trực tiếp, công nghệ giặt nhanh, sấy thông minh, giá 8 triệu đồng
- Xiaomi ra mắt máy giặt + sấy 12Kg: Dẫn động trực tiếp, cảm biến thông minh, giá 8.9 triệu đồng
- Xiaomi ra mắt máy giặt cửa trên 8Kg, giá 2.5 triệu đồng
- Thêm loạt đồ Xiaomi độc lạ ít người biết: Từ khóa vân tay, xe cân bằng đến máy giặt mini và kính râm chống UV
- Xiaomi ra mắt máy giặt cửa trước 8Kg: Giặt nước nóng diệt khuẩn 99.99%, giá 3.6 triệu đồng
Có một quan niệm phổ biến cho rằng máy giặt có khả năng tự làm sạch sau mỗi lần giặt quần áo. Với một đống xà phòng và nước xả vải mà bạn đã đổ vào đó, cùng với 100 lít nước xả đi xả lại mỗi ngày, lồng giặt dường như lúc nào cũng hiện ra một cách sáng bóng và thơm tho sau mỗi lần bạn lấy quần áo ra khỏi đó.
Nhưng đừng để trực giác đánh lừa bạn. Mặc dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng khi máy giặt của hoạt động, nó liên tục tích tụ bụi bẩn, cặn nước và thậm chí cả phân người. Không phải tất cả đều sẽ trôi theo dòng nước đi xuống cống. Đống cặn bẩn và vật chất hữu cơ đó đang tạo điều kiện hoàn hảo cho một loạt vi sinh vật đang sinh sôi nảy nở, từ vi khuẩn, virus cho tới nấm mốc.
Chúng có thể tồn tại bất chấp sự có mặt của xà phòng, sau đó tiến hóa qua nhiều thế hệ, chờ đợi một cơ hội thích hợp để nhiễm vào người bạn! Vì vậy, nếu một ngày nào đó bạn bị ốm mà không rõ nguyên nhân, thủ phạm có thể chính là chiếc máy giặt tưởng chừng thơm tho của bạn.
Máy giặt của bạn có thể bẩn cỡ nào, dưới con mắt của nhà vi trùng học?
Tiến sĩ Charles Gerba, một nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona cho biết, máy giặt có bản chất là một môi trường ẩm ướt. Và đó là điều kiện lý tưởng cho các thể loại vi sinh vật phát triển.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Applied and Environmental Biology, ông và các đồng nghiệp đã tìm thấy một loạt các vi sinh vật có trong máy giặt bao gồm nấm mốc, adenovirus, rotavirus, virus viêm gan A và vi khuẩn salmonella.
Điều đáng nói là một lượng vi sinh vật này không thể bị giết chết, ngay cả khi tiếp xúc với xà phòng. "Chỉ xà phòng thì không đủ để loại bỏ và vô hiệu hóa một số loại virus đường ruột như adenovirus và rotavirus", tiến sĩ Gerba nói.
Các loại virus này thường có trong phân người, và bạn đoán xem, tiến sĩ Gerba cho biết mỗi chiếc đồ lót của người lớn đều có khoảng 0,1 gram phân trên đó. Dù bằng mắt thường bạn không thể nhìn thấy, nhưng mỗi chiếc đồ lót có thể chứa tới 10 tỷ con virus.
Những mầm bệnh này có thể lây lan qua các bề mặt bị nhiễm bẩn (như quần áo, phím bấm hoặc các vị trí triếp xúc của máy giặt). Rồi sau đó, nếu bạn vô tình đưa tay bẩn lên miệng, sử dụng tay để cầm thức ăn, hoặc mặc quần áo bị dính mầm bệnh, bao gồm cả quần áo từ mẻ giặt tiếp theo của bạn, bạn có thể bị nhiễm bệnh.
"Thông thường, người già, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch dễ có nguy cơ nhiễm bệnh từ máy giặt nhất", tiến sĩ Gerba nói.
Năm 2019, các nhà khoa học đến từ Đại học Bonn của Đức đã báo cáo 13 trường hợp trẻ sơ sinh tại một bệnh viện nước này bị phơi nhiễm với Klebsiella oxytoca, một chủng siêu vi khuẩn kháng kháng sinh gây ra nhiều tình trạng nguy hiểm từ viêm phổi, viêm đường tiết niệu đến nhiễm trùng mô mềm và nhiễm độc máu.
Nguyên nhân xuất phát từ một chiếc máy giặt gia dụng tại bệnh viện này, được dùng để giặt quần áo cho các sản phụ cùng với đồ len trẻ sơ sinh. "Vi khuẩn được phát hiện trong ngăn đựng xà phòng và miếng đệm cao su của máy giặt", các nhà nghiên cứu viết.
Hậu quả là 13 trẻ sinh non trong phòng chăm sóc đặc biệt, sử dụng tất và mũ len để giữ ấm đã bị nhiễm khuẩn Klebsiella oxytoca tái phát liên tục trên da. May mắn là không có trường hợp trẻ nào gặp biến chứng nặng hơn.
Nhưng các nhà khoa học cho biết trường hợp này đã phơi bày sự nguy hiểm của những chiếc máy giặt gia dụng. Bệnh viện tại Đức sau đó đã loại bỏ chiếc máy giặt này, chuyển sang sử dụng máy giặt công nghiệp, với khả năng giặt nước nóng và sử dụng chất khử trùng chuyên dụng.
Những chiếc khăn tắm giặt xong vẫn có thể chứa nhiều vi khuẩn hơn cả bồn cầu
Tiến sĩ Gerba cho biết những chiếc máy giặt được thiết kế cho môi trường gia dụng hiện nay không có chức năng tiêu diệt vi khuẩn, virus và mầm bệnh hiệu quả - đặc biệt là nếu chúng không có chế độ giặt bằng nước nóng.
Các thí nghiệm của tiến nhiệt sĩ Gerba cho thấy độ nước dưới 60 độ C không giúp các chất tẩy như xà phòng phát huy được tối đa hiệu quả diệt khuẩn. Nhiều loại mầm bệnh vẫn có thể tồn tại trên các loại quần áo dày, đặc biệt là khăn tắm.
"Khi bạn giặt khăn bằng nước lạnh, rất khó để có thể thực sự làm sạch chúng vì khăn tắm rất dày", tiến sĩ Gerba nói. "Bạn phải giặt bằng nước nóng và sấy hoặc phơi chúng thật khô. Nếu không, chỉ một dư lượng nhỏ vi khuẩn sót lại trên khăn tắm cũng có thể sinh sôi trở lại".
Trong vòng 3-4 ngày, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy vi khuẩn vốn dĩ chỉ xuất hiện trong phân trên khăn tắm vì nó rất ẩm ướt. Nếu bạn lau mặt bằng chiếc khăn tắm đó, bạn sẽ nhiễm nhiều vi khuẩn hơn cả khi bạn thò đầu vào bồn cầu và xả nước".
Một thử nghiệm của tiến sĩ Gerba cho thấy có từ 1-8% virus adenovirus vẫn tồn tại sau khi giặt với chu trình nước lạnh. Giả sử trong máy giặt có một chiếc quần lót của một người nhiễm bệnh đường ruột, số lượng virus vẫn còn sống được là từ 100-800 triệu con, và chúng hoàn toàn có thể lan sang các loại quần áo sạch khác, rồi lây nhiễm cho người khỏe mạnh trong nhà dùng chung máy giặt.
"Các chu trình giặt nước lạnh được thiết kế để làm sạch quần áo, nhưng không hiệu quả trong việc loại bỏ vi sinh vật", tiến sĩ Gerba nói. "Bất cứ chế độ giặt nào có nhiệt độ nước dưới 60 độ C sẽ không có tác dụng nhiều đối với vi sinh vật".
Trong trường hợp xấu nhất, máy giặt có thể trở thành nguồn phát tán các mầm bệnh liên quan đến norovirus và vi khuẩn salonella (gây ra bệnh tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, sốt đau đầu, co thắt dạ dày), adenovirus (gây viêm ruột, dạy dày, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng bàng quang), các bệnh ngoài da như hắc lào, viêm màng não do vi khuẩn hoặc virus…
Lời khuyên của tiến sĩ Gerba
Trên thực tế, không phải tất cả các máy giặt hiện đại đều có chế độ giặt nước nóng trên 60 độ C. Và ngay cả khi có chế độ giặt đó, ít người cũng chọn sử dụng nó. Có một bất lợi của việc chuyển máy giặt sang chế độ giặt nóng, đó là nó có thể làm tăng gấp đôi điện năng tiêu thụ của máy giặt.
Các khảo sát về thói quen giặt giũ cho thấy người châu Á thường giặt quần áo với nước lạnh (dưới 30 độ C). Người châu Âu thường làm điều đó với nước ấm (30-40 độ C) và người Mỹ cũng hiếm khi sử dụng nước nóng (trên 60 độ C).
Tuy nhiên, tiến sĩ Gerba gợi ý một cách đơn giản để biến chu trình giặt lạnh của bạn trở nên hiệu quả đối với vi sinh vật. Đó là hãy thêm một cốc (trên 230 ml) nước tẩy chứa natri hypoclorit (5,25%) vào lồng giặt của bạn.
"Natri hypoclorit có khả năng tiêu diệt tới 99,99% vi sinh vật trong máy giặt", tiến sĩ Gerba nói. Đó là lý do tại sao hóa chất này được sử dụng như một hóa chất giúp vệ sinh lồng giặt cho máy giặt của bạn.
Nếu bạn cảm thấy máy giặt của mình bẩn và có mùi, hoặc bạn vừa giặt quần áo cho một thành viên trong gia đình bị ốm, hãy khử trùng lồng giặt bằng natri hypoclorit. Tiến sĩ Gerba cho biết đó là cách ông thường dùng để vệ sinh máy giặt của mình, ít nhất mỗi tháng một lần.
Quy trình vệ sinh máy giặt mà ông thường sử dụng như sau:
- Đầu tiên, lau sạch các vị trí bên ngoài lồng giặt bằng nước tẩy rửa đa năng, đặc biệt là xung quanh cửa máy giặt, phần gioăng cao su rất dễ bị bám bẩn, chứa nấm mốc, vi khuẩn tiết ra chất nhờn có mùi hôi.
- Tiếp theo, kiểm tra và vệ sinh lưới lọc, một bộ phận bạn sẽ tìm thấy bên trong hoặc bên dưới lồng giặt. Lưới lọc được thiết kế để "bẫy" các mảnh vụn vải, tóc, lông thú hoặc các vật dụng nhỏ rơi ra từ quần áo trong quá trình giặt nên nó thường rất bẩn. Vệ sinh khay chứa nước giặt và nước xả vải.
- Cuối cùng, hãy thêm vào lồng giặt một cốc nước tẩy chứa natri hypoclorit và chạy một chu trình rỗng với nước nóng trên 60 độ C (một số máy giặt có chế độ làm sạch lồng giặt để làm điều này).
Các vị trí thường tích tụ bẩn trong máy giặt.
Trong trường hợp nhà bạn có con nhỏ, đặc biệt là quần áo trẻ em, đồ lót, tã lót thường bị dính phân, tiến sĩ Gerba cho biết tần suất vệ sinh máy giặt nên tăng lên gấp 4 lần, nghĩa là mỗi tuần một lần để đảm bảo sức khỏe cho con bạn và cả gia đình.
Đồ lót và tã nghi ngờ nhiễm khuẩn nên được giặt riêng và giặt vào mẻ cuối cùng trong ngày, với nước nóng nếu máy giặt có chu trình giặt nóng và luôn pha thêm thuốc tẩy chứa natri hypoclorit. Sấy ở nhiệt độ cao, trong thời gian dài hoặc phơi nắng cũng sẽ giúp diệt toàn bộ vi khuẩn còn sót lại trong quần áo ẩm ướt.
Và đây là lời khuyên cuối cùng: Đừng bao giờ "ôm" quần áo của bạn và của người khác vào người khi bạn mang đi giặt hoặc khi lấy chúng ra khỏi máy giặt để đem phơi. Thay vào đó, hay sử dụng rổ đựng quần áo, và luôn rửa tay sau khi giặt và phơi đồ.
Bạn phải luôn ý thức được rằng quần áo bẩn và máy giặt là những môi trường phơi nhiễm mầm bệnh tiềm năng. Mặc dù chúng có vẻ tỏ ra thơm tho, quần áo bạn sau khi giặt có thể sạch sẽ, nhưng bằng mắt thường, bạn sẽ không thể nhìn thấy hàng trăm triệu mầm bệnh vẫn còn tồn tại trên đó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương