Nhận diện khuôn mặt đã là quá khứ, công nghệ giờ đây cho phép nhận diện cả cảm xúc
Nhận diện khuôn mặt giờ đã là quá khứ khi mà một công ty mới của Nga đã tạo ra công nghệ cho phép nhận diện cảm xúc người đi trên phố.
NTechLab đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa vào năm ngoái sau khi công ty này ra mắt FindFace, một ứng dụng có thể theo dõi mọi người trên VKontakte, ứng dụng tương đương Twitter của Nga, dựa trên profile cá nhân của họ.
Đã có kẻ xấu sau đó cố sử dụng phần mềm trên để xác định và quấy rối tình dục nhiều gái bán hoa và diễn viên phim khiêu dâm qua trang cá nhân của họ, mặc dù công ty NTechLab nói rằng mình không vi phạm bất kỳ điều luật gì về quyền riêng tư.
Và hôm nay, FindFace đã trở lại với nhiều chức năng hơn nữa. Phần mềm giờ đây có thể nhận diện cảm xúc bên cạnh chức năng gốc là nhận dạng khuôn mặt, độ tuổi và giới tính.
Mạng lưới thần kinh nhân tạo của FindFace có thể tiếp nhận một phần của bức ảnh chứa khuôn mặt, sau đó xử lý và tạo ra véc tơ- đặc điểm, cơ bản là một bộ gồm 160 con số miêu tả chính xác đặc điểm khuôn mặt.
NTechLab khẳng định phần mềm của mình có thể rà soát nhanh qua một cơ sở dữ liệu hàng tỷ khuôn mặt trong chưa đầy một giây, cho phép lực lượng thi hành pháp luật có thể thực hiện hành động chiến đấu chống tội phạm trong thời gian thực.
Về độ chính xác, FindFace đã đánh bại Google và Đại học Bắc Kinh từ năm 2015 trong cuộc thi MegaFace với tỷ lệ chính xác là 73% khi xử lý một cơ sở dữ liệu gồm 1 triệu bức ảnh. Và nhiều khả năng 2017 vẫn sẽ tiếp tục là năm của FindFace khi công ty tự hào chia sẻ phần mềm sở hữu tỷ lệ chính xác lên đến 93% khi phân tích dữ liệu khuôn mặt trên cơ sở dữ liệu 10.000 bức ảnh.
Giống các công ty làm việc trong lĩnh vực nhận diện khuôn mặt khác, NTechLab sử dụng hệ thống deep learning: “Chúng tôi đã tạo ra một sản phẩm đặc biệt hữu dụng và đã áp dụng nó với không chỉ nhận diện khuôn mặt hay giới tính, mà còn dùng để nhận diện cảm xúc. Ý tưởng ở đây là chúng tôi dạy cho trí thông minh nhân tạo trong phòng lab những cảm xúc phổ biến. Chúng tôi đào tạo để thuật toán có thể hiểu được dạng cảm xúc chúng nhìn thấy trên ảnh và tự căn chỉnh lại như cách mà bạn dạy một đứa trẻ vậy”, CEO NTechLab ông Mikhail Ivanov đã nói trong bài phỏng vấn với Mashable.
Dù danh tính các khách hàng hợp tác với NTechLab vẫn là một bí mật, đã có nhiều báo cáo cho rằng công ty đang làm việc với chính quyền thành phố Moscow để tích hợp phần mềm này vào hơn 150.000 camera giám sát CCTV của thành phố.
Ngoài ra còn rất nhiều xôn xao xoay quanh các báo cáo cho rằng công nghệ của công ty Nga đã được sử dụng trong theo dõi và kiểm soát đám đông tại Cúp Liên đoàn Bóng đá FIFA hồi tháng 6. Về việc này, Ivanov đã kiên quyết giải thích rằng công ty của ông không trực tiếp làm việc với cơ quan thực thi pháp luật, mà chỉ đơn thuần là phát triển một giải pháp phục vụ cho an ninh công cộng.
Chính quyền Nga nhiều khả năng đã chỉ sử dụng phiên bản trực tuyến công khai của FindFace, vì vậy rất khó để dự đoán được liệu các nhà chức trách có quyết định sử dụng công nghệ này cho World Cup 2018 được tổ chức tại Nga không. Điều chúng ta biết rõ là hiện tại NTechLab sở hữu hơn 2.000 đối tác khách hàng từ khắp nơi trên thế giới bao gồm Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ và cả Trung Quốc - nơi công ty dự định sẽ mở văn phòng trong năm nay.
Ngoài tính khả dụng trong an ninh công cộng, NTechLab còn nhìn thấy nhiều tiềm năng ứng dụng công nghệ của mình vào các lĩnh vực khác như bảo mật, ngân hàng, bán lẻ, giải trí, sự kiện và thậm chí là cả hẹn hò.
Ứng dụng thực tiễn vào các doanh nghiệp
Ông Ivanov nói: “Bạn có thể dùng nó để theo dõi mức độ chuyên nghiệp của dịch vụ bạn cung cấp tới khách hàng, để hiểu rõ hành vi của chàng trai bạn chuẩn bị thuê về dựa trên phản xạ cảm xúc của họ trong buổi phỏng vấn xin việc, hay để đọc cảm xúc đám đông trong một buổi trình diễn âm nhạc chẳng hạn. Ngoài ra nó còn có thể được các công ty dùng để phân tích năng suất lao động cũng như kiểm tra chéo chúng với mức độ hài lòng của công nhân viên”.
“Các nhà phân tích hành vi có thể kết hợp nhận diện khuôn mặt và dữ liệu lớn nhằm cải thiện phân tích hành vi khách hàng tại các sòng bạc hay khách sạn”.
Những lo ngại về quyền riêng tư con người
Nhận diện khuôn mặt giờ đang là chủ đề nóng bỏng, với nhiều vụ lùm xùm từ Amazon quét mặt khách hàng trong hàng tạp hóa tới cảnh sát sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt với hơn 117 triệu công dân Mỹ, cùng với đó là nhiều lo ngại về riêng tư và cách mà dữ liệu thu thập về người dùng sẽ được sử dụng như thế nào.
Ngoài ra còn có nhiều vấn đề nghiêm trọng xoay quanh sự thiên vị và phân biệt trong cách hoạt động của lực lượng thi hành luật pháp trên toàn thế giới. Bà Eva Blum-Dumontet, nhân viên nghiên cứu với nhóm vận động chính sách Bảo mật Quốc tế cho biết: “Tại rất nhiều nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ, Anh và Pháp, những người da màu nhiều khả năng sẽ bị chặn lại và lục soát hơn người da trắng”.
Bà nói thêm: “Nghiên cứu được tiến hành về thuật toán sử dụng cho chính sách dự đoán và bởi hệ thống tòa án Mỹ đã cho thấy các thuật toán có xu hướng tái tạo lại những phân biệt này. Vậy tác động của nhận diện cảm xúc là gì? Và khi mà biểu đạt cảm xúc không giống nhau trong mọi nền văn hóa thì sẽ ảnh hưởng thế nào tới tính chính xác của việc phân tích và nhận dạng? Chúng ta nên cảm thấy lo lắng khi sống trong một xã hội nơi chúng ta ngày càng được đối xử giống với nghi phạm hơn là công dân”
Nhưng dù sao thì NTechLab cũng khẳng định công nghệ nhận diện khuôn mặt của mình nên được áp dụng tại mọi nơi không chỉ để phục vụ bạn, mà còn để giữ an toàn cho bạn.
“Chúng tôi không tin vào riêng tư, chúng ta sống trong một thế giới mà camera CCTV đặt khắp mọi nơi cũng như tràn ngập Internet và mạng xã hội. Khái niệm riêng tư nên áp dụng với thế giới của ông bà chúng ta, không phải với chúng ta. Nhận diện khuôn mặt nên được tích hợp cho CCTV để phục vụ an ninh cộng đồng”, Ivanov nói và cho rằng việc sử dụng nhận diện khuôn mặt là “một cách hiện đại để bảo toàn an ninh cho cộng đồng”.
Ivanov thậm chí còn kêu gọi một cuộc tranh cãi công khai về việc lưu hành công nghệ này. “Cũng như súng đạn vậy, việc sử dụng thứ công nghệ này không thể bị ngăn cấm, mà chỉ nên kiểm soát”.
Công nghệ này đã có mặt tại Anh một thời gian và đã đóng góp trong một vụ bắt giữ hồi tháng 6 năm ngoái.
Vào 2015, cảnh sát Leicestershire đã scan khuôn mặt của hơn 90.000 người tham dự lễ hội Download Festival, kiểm tra họ với một danh sách tội phạm bị truy nã của đất nước. Đó là lần đầu tiên tại Anh chính phủ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt - có tên Neo Face - tại một sự kiện công cộng ngoài trời.
Không thể chối cãi việc sử dụng nhận diện khuôn mặt đem lại nhiều lợi ích, quan trọng nhất trong số đó là cải thiện an ninh công cộng, đem lại bình yên cho người dân. Nhưng nếu rơi vào tay kẻ xấu, công nghệ này hoàn toàn có thể gây hại nhiều người trên một diện rộng, có lẽ cuộc tranh cãi về loại hình trí thông minh nhân tạo này sẽ vẫn còn tiếp tục là chủ đề nóng bỏng của giới công nghệ trong một thời gian dài nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4