Nhân dịp sinh nhật 10 năm của App Store, hãy cùng lội ngược dòng thời gian xem các chợ ứng dụng đã phát triển thế nào trong nhiều năm qua
Chúng ta hãy cùng đi tìm tiền thân của App Store nhé, có sự liên quan bất ngờ đến Apple đấy.
Có thể bạn chưa biết, nhưng Apple App Store vừa bước sang tuổi thứ 10 trong đầu tháng 7 này, đúng 1 năm sau khi iPhone kỷ niệm sinh nhật 10 năm. Sở dĩ có sự cách biệt này là bởi chiếc iPhone đầu tiên chưa có cửa hàng ứng dụng, App Store chỉ xuất hiện cùng với iOS v2.0 (thật ra tên đúng lúc đó phải là iPhone OS). Nhân dịp sinh nhật của App Store, chúng ta hãy tìm hiểu xem “chợ ứng dụng" đến từ đâu nhé.
Nói đến chợ ứng dụng, nhiều người nghĩ iPhone là thiết bị đầu tiên sở hữu dịch vụ hữu ích này, tuy nhiên sự thật không phải như vậy và chúng ta cần quay ngược dòng thời gian khá xa để tìm ra người tiên phong.
Tiền thân của những chợ ứng dụng ngày nay chính là Eletronic AppWrapper (EAW) xuất hiện từ năm 1991 dưới dạng catalog giấy nhưng sau đó bắt đầu bán phiên bản đĩa CD. Trong mỗi đĩa sẽ kèm theo phần mềm, nhạc và một số nội dung giải trí được mã hoá và người dùng phải bỏ tiền để mở khoá. Năm 1991 những trình duyệt web cũng đã xuất hiện nhưng lúc đó bạn không thể download một ứng dụng đầy đủ qua mạng được.
Thêm một bất ngờ nữa, EAW cũng có mối quan hệ khá thân thiết với Apple khi giúp phát hành phần mềm của NeXT, công ty mà Steve Jobs thành lập sau khi rời khỏi Apple. NeXT sau này trở thành hệ điều hành NeXTSTEP, nền tảng cho MacOS X, iOS và phần mềm trên Apple Watch, Apple TV mà bạn dùng hiện nay.
Trước cả EAW, người ta còn nghĩ ra các phân phối phần mềm thông qua sóng radio bằng cách mã hoá phần mềm 8-bit rồi phát qua sóng FM. Sau đó những người dùng sẽ thu sóng rồi giải mã. Thậm chí còn có cách phát hành phần mềm thông qua đĩa than vinyl. Tuy nhiên, chúng chỉ là một một cách để phát hành phần mềm, chính sáng kiến của EAW mới là tiền thân của chợ ứng dụng ngày nay, nơi mà bạn có thể mua bán ứng dụng.
Đến năm 1998, những app store nền web đầu tiên đã xuất hiện và phục vụ cho những máy PDA chạy hệ điều hành Palm OS, Windows CE. Đầu tiên là Palmix, dịch vụ bán ứng dụng của công ty Information Technologies India.
Giao diện thời kỳ đầu của Palmix
Tiếp theo là i-mode của NTT, một dịch vụ Internet dành cho điện thoại cho phép duyệt web, email và sau này cải tiến cho phép tải và cài ứng dụng Java với “i-appli".
Trò Devil May Cry trên i-appli
Đến năm 2001, nhà mạng Sprint giới thiệu “Ringers & More", một dịch vụ online chủ yếu để bán nhạc chuông và wallpaper nhưng bên cạnh đó còn cho tải các ứng dụng J2ME. Năm 2004, GetJar xuất hiện và tập trung vào ứng dụng J2ME.
Hãy tiếp tục tua nhanh đến thời điểm chợ ứng dụng đầu tiên chiếc iPhone thời kỳ đầu, đó không phải App Store mà là Installer.app, một dịch vụ và công cụ giúp người dùng iPhone đã jailbreak có thể download và cài ứng dụng bên ngoài lên máy. Tất cả mọi ứng dụng trên Installer.app đều miễn phí.
Sau đó ít lâu vào 2/2008, Cydia ra đời dành cho iPhone OS 1.1 và cho phép các lập trình viên bán ứng dụng. Đến tháng 7 cùng năm, Apple ra mắt iPhone OS 2.0 cùng App Store chính thức.
Ngày nay những chợ ứng dụng như App Store của Apple hay Play Store của Google đã trở thành một phần không thể thiếu trên smartphone. Trong thời kỳ còn cuộc đua tam mã Windows Phone, iOS và Android, chính việc chợ ứng dụng nghèo nàn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thua cuộc của Microsoft.
Thậm chí một số nhà sản xuất điện thoại còn tự tạo ra chợ ứng dụng riêng cho sản phẩm của mình như Samsung Galaxy App. Chắc chắn, chợ ứng dụng trên smartphone sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới và không biết tới khi nào mới có một thứ thay thế được chợ ứng dụng.
Tham khảo: GSMArena
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời