Nhật Bản mãi ‘đỉnh’: Không muốn sa thải hàng loạt như Google, Facebook, tập đoàn Hitachi và Sony cho nhân viên kiêm nhiệm lẫn nhau để đảm bảo thu nhập

    Băng Băng,  

    Xu thế cho nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc với các doanh nghiệp hợp tác đang lan rộng ở Nhật Bản trước bối cảnh sa thải hàng loạt ở Phương Tây, qua đó phá vỡ truyền thống đào tạo nhân lực nội bộ hàng chục năm qua.

    Nhật Bản mãi ‘đỉnh’: Không muốn sa thải hàng loạt như Google, Facebook, tập đoàn Hitachi và Sony cho nhân viên kiêm nhiệm lẫn nhau để đảm bảo thu nhập- Ảnh 1.

    Tờ Nikkei Asian Review cho hay 2 tập đoàn lớn của Nhật Bản là Hitachi và Sony Group mới đây đã phát động chương trình "giao lưu-trao đổi" nhân lực khi cho phép các nhân viên kiêm nhiệm 2 công việc cùng lúc tại 2 hãng.

    Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các tập đoàn Nhật Bản đang khát các tài năng trong mảng trí thông minh nhân tạo (AI) và vũ trụ số.

    Đồng thời, biện pháp trên cũng tránh được xu thế sa thải hàng loạt của các Big Tech công nghệ như Alphabet (Google) hay Meta (Facebook) đang làm.

    Bắt đầu từ tháng 2/2024, hai công ty Nhật Bản sẽ nhận một số nhân viên trẻ của nhau để làm việc kiêm nhiệm trong vòng 3 tháng thử nghiệm chương trình giao lưu-trao đổi nhân lực.

    Cụ thể, những nhân viên này vẫn tiếp tục làm các công việc của mình ở công ty cũ, nhưng đồng thời sẽ dành thêm 3 tiếng đồng hồ mỗi tuần ngoài giờ hành chính để đến làm tại văn phòng doanh nghiệp bạn.

    Nhật Bản mãi ‘đỉnh’: Không muốn sa thải hàng loạt như Google, Facebook, tập đoàn Hitachi và Sony cho nhân viên kiêm nhiệm lẫn nhau để đảm bảo thu nhập- Ảnh 2.

    Phía Hitachi cho biết những nhân viên kiêm nhiệm này phần lớn sẽ làm việc ở những lĩnh vực chuyên ngành hay liên quan đến công việc cũ.

    Trên thực tế, xu thế trao đổi nhân viên trên đang ngày một lan rộng ở Nhật Bản và trở thành trào lưu mới trong bối cảnh Phương Tây sa thải hàng loạt.

    Ví dụ điển hình nhất là hãng Kirin Holdings và Meiji Holdings làm trong lĩnh vực nước giải khát-thực phẩm cũng đã thực hiện chương trình giao lưu-trao đổi nhân viên.

    Theo đó, một bên công ty sẽ ký hợp đồng thuê ngoài (outsourcing) với nhân viên doanh nghiệp đối tác, tương tự như một công việc thứ 2 kiêm nhiệm. Hiện cả Kirin và Meiji đang đánh giá hiệu quả của chương trình và sẽ xem xét có tiếp tục thực hiện việc giao lưu này hay không vào tháng 4 tới.

    Quay trở lại với Sony, tập đoàn này sẽ chấp nhận tuyển dụng các kỹ sư và nhân viên kế hoạch của Hitachi trong các mảng hoàn toàn mới như thiết bị điện tử, bán dẫn...

    Phía Sony cho biết họ kỳ vọng nhân viên Hitachi có thể cung cấp trợ giúp nhằm thương mại hóa công nghệ vũ trụ số, AI hay cảm biến hình ảnh. Đổi lại phía Hitachi mong muốn các nhân viên của Sony có thể gia tăng phát triển công nghệ AI và không gian ảo ở mảng sản xuất công nghiệp.

    Phá vỡ truyền thống

    Theo Nikkei, động thái của Sony và Hitachi đã phá vỡ truyền thống đào tạo nhân lực nội bộ hàng chục năm qua.

    Các doanh nghiệp Nhật Bản thường có văn hóa coi nhân viên là gia đình và mong muốn họ trung thành trọn đời. Đổi lại, công ty sẽ chăm lo cho họ chu đáo nhất có thể và thăng tiến dựa trên thâm niên thay vì hiệu quả công việc.

    Chính vì vậy các mảng kinh doanh mới cùng thường bổ sung từ nhân viên cũ hoặc đào tạo từ nội bộ thay vì "cướp" người ở các hãng khác về.

    Nhật Bản mãi ‘đỉnh’: Không muốn sa thải hàng loạt như Google, Facebook, tập đoàn Hitachi và Sony cho nhân viên kiêm nhiệm lẫn nhau để đảm bảo thu nhập- Ảnh 3.

    Dẫu vậy tình hình đang thay đổi khi Nhật Bản dần mất ưu thế dẫn đầu trước hàng loạt công nghệ như kỹ thuật số hay AI.

    Việc chậm chân trong đổi mới cũng như khó đào tạo, tuyển dụng các nhân lực tương xứng với kỹ thuật mới đã buộc nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải tìm hướng đi mới trong quản trị nhân lực.

    Bên ngoài khả năng bổ trợ nghiệp vụ lẫn nhau cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động, chương trình kiêm nhiệm trên còn giúp các nhân viên học hỏi và được đào tạo ở các lĩnh vực mới, qua đó quay về giúp ích cho công ty mẹ.

    So với các chương trình tuyển dụng, đào tạo khác ở Nhật Bản thì việc trao đổi này dễ được người lao động chấp thuận hơn do vẫn giữ được công việc chính. Trong khi đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, tiền bạc đào tạo lại từ đầu.

    "Chúng tôi muốn nguồn nhân lực bên ngoài đóng vai trò tích cực trong công cuộc đổi mới, cải cách cho công ty mình", một giám đốc của Sony trả lời Nikkei.

    *Nguồn: Nikkei

    Băng Băng

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ