Việc Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra môi trường đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế chấp thuận.
Hôm 24/8, công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) xác nhận đã bắt đầu quá trình xả nước thải của nhà máy hạt nhân Fukushima. Đây là lượng nước bị nhiễm phóng xạ sau thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản vào năm 2011 nhưng đã được xử lý kỹ càng trước khi được đưa Thái Bình Dương.
Theo Reuters, quá trình xả nước thải sẽ diễn ra trong hàng thập kỷ. Lúc này, lượng nước thải được ước tính rơi vào khoảng 1,3 triệu tấn - đủ sức lấp đầy 500 bể bơi theo tiêu chuẩn Olympic.
Động thái xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản trở thành chủ đề gây tranh cãi. Hồi tuần trước, đài FNN của Nhật Bản đã tiến hành một cuộc khảo sát. Theo đó, 56% người được hỏi cho biết ủng hộ kế hoạch xả nước thải trong khi 37% số người được hỏi phản đối.
Phía Nhật Bản khẳng định việc xả nước là an toàn. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã chấp thuận kế hoạch này. Theo IAEA, Nhật Bản đã đáp ứng được những tiêu chuẩn an toàn quốc tế và cho biết "việc xả nước thải đã qua xử lý sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường".
Quy trình lọc và xử lý nước nhiễm phóng xạ
Được biết, nước nhiễm phóng xạ sẽ được thu gom, lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa bằng vật liệu không gỉ. TEPCO - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 - cho biết đã sử dụng Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để xử lý nước.
Tại đây, nước sẽ trải qua 5 giai đoạn xử lý khác nhau dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt. Theo Nature Journal sau khi ALPS kết thúc, nồng độ của 62/64 hạt nhân phóng xạ sẽ được đưa xuống mức an toàn dựa trên quy định của Nhật Bản năm 2022 đối với nước thải ra môi trường. Những quy định trên dựa theo khuyến nghị của Ủy ban Quốc tế về An toàn bức xạ.
Tuy nhiên quá trình trên không loại bỏ được carbon-14 và tritium. Trong đó, vấn đề tritium nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tritium - một dạng hydro phóng xạ - có thể gây ra ung thư. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nước uống cần có lượng tritium thấp hơn 10.000 becquerel trong mỗi lít. Phải nói thêm becquerel là đơn vị đo độ phóng xạ, có giá trị tương đương một đơn vị phóng xạ.
Vì thế, nước sau khi được xử lý cần tiếp tục pha loãng để giảm độ phóng xạ. Trước khi tiến hành quá trình pha loãng, nước được chuyển đến các bình chuyên dụng và các chuyên gia tiến hành xét nghiệm kéo dài đến 2 tháng.
Trong quá trình pha loãng, nước biển được bơm vào pha loãng với chất lỏng đã qua xử lý trước đó. Nature Journal cho biết tỷ lệ nước đã xử lý trên nước biển sẽ thấp hơn 1/100. Trong khi đó, TEPCO tính toán nước sẽ được pha loãng ít nhất 350 lần.
Phía Nhật Bản khẳng định nước thải ra Thái Bình Dương có nồng độ tritium dưới 1.500 becquerel trong mỗi lít. Ở đợt xả nước đầu tiên vào ngày 24/8, TEPCO cho biết lượng nước này có nồng độ tritium chỉ ở mức 190 becquerel trên mỗi lít.
Trước đó, TEPCO cho biết cũng đã tiến hành thử nghiệm để các sinh vật biển sống trong nước biển có chứa nước đã qua xử lý. "Chúng tôi xác nhận rằng nồng độ tritium trong cơ thể sinh vật biển đạt trạng thái cân bằng sau một thời gian thử nghiệm. Lượng tritium này không vượt quá nồng độ của các sinh vật trong môi trường sống thông thường".
Bất chấp những lo ngại về việc xả nước có chứa tritium ra Thái Bình Dương, phía Nhật Bản khẳng định các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu đều thải ra môi trường nước có chứa tritium.
Jim Smith, nhà khoa học về môi trường đang công tác tại Đại học Portsmouth (Anh), cho rằng rủi ro từ lượng nước qua xử lý được thải ra có thể không đáng kể. "Tôi luôn do dự khi nói ra con số 0 nhưng tôi nghĩ (rủi ro) gần như bằng 0. Hòn đảo gần nhất ở Thái Bình Dương cách nơi đó khoảng 2.000km", Smith cho hay.
Nguồn: Reuters, Nature Journal, Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Công ty Trung Quốc nộp bằng sáng chế công nghệ độc quyền của ASML
Công ty Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) mới đây đã nộp bằng sáng chế liên quan đến công nghệ quang khắc EUV, vốn độc quyền bởi ASML.
So sánh thiết kế Galaxy S25 Ultra và Galaxy S24 Ultra: Viền siêu mỏng, cảm giác cầm nắm tốt hơn đáng kể