Nhiếp ảnh gia này chế cả tản nhiệt nước để giải quyết hiện tượng quá nhiệt của Canon R5
Rất mong trong những dòng máy tiếp theo Canon có thể tự mình giải quyết được vấn đề tản nhiệt, không phải đợi đến những giải pháp 'tự chế' của người dùng.
Canon EOS R5 là một trong những chiếc máy ảnh không gương lật mạnh mẽ nhất hiện nay, kết hợp được khả năng chụp hình độ phân giải cao 45MP, quay phim 4K 120fps và cả quay phim 8K nữa. Nhưng việc cố gắng tích hợp những tính năng cao cấp, tiêu tốn nhiều sức mạnh xử lý vào một thân máy nhỏ gọn cũng khiến chiếc máy này gặp vấn đề quá nhiệt. Để máy không bị quá nóng, Canon thậm chí còn giới hạn việc quay phim 8K trong thời gian 20 phút, muốn tiếp tục quay người dùng sẽ phải chờ thêm 1 thời gian khá dài, trong nhiều trường hợp lên tới 2 tiếng.
Để giải quyết vấn đề này, nhiếp ảnh gia và Youtuber Matt Perks đã thử nghiệm việc tản nhiệt nước cho chiếc Canon EOS R5 của mình. Sau khi 'mày mò' tháo chiếc máy của mình ra, anh Perks nhận ra nguyên nhân của hiện tượng quá nhiệt đó là những tấm dán tản nhiệt của máy không bao phủ hết phần chip xử lý, vì vậy mà nhiệt sinh ra không thoát được ra ngoài. Anh tháo những miếng tản nhiệt này ra, sử dụng 1 lớp keo mới, kết nối tấm tản nhiệt cùng những ống dẫn nước ra ngoài.
Điểm đáng tiếc đó là giới hạn quay phim 8K 20 phút vẫn không được giải quyết, khi đây là một giới hạn bằng phần mềm do Canon đặt ra. Cho dù nhiệt độ của chip xử lý chỉ rơi vào khoảng 40 độ (là khá thấp) nhưng sau 20 phút quay thì Canon R5 vẫn tự động ngắt nguồn. Sau khi nâng cấp phần mềm của máy lên phiên bản 1.1.1 thì giới hạn phần mềm đã được Canon bỏ đi, và giờ anh Perks có thể quay video 8K cho đến khi máy hết pin thì thôi.
Những bước chế tản nhiệt nước cho Canon EOS R5
Hiệu năng thì đã mỹ mãn, nhưng cách tản nhiệt bằng nước không mang tính thực tiễn khi máy sẽ phải luôn mở để 'luồn' được dây dẫn nước vào trong. Anh Perks sau đó đã quyết định đi tìm một giải pháp lâu dài hơn, bắt đầu bằng việc sử dụng keo và tấm tản nhiệt chất lượng cao hơn so với loại mặc định của Canon. Lúc này thời lượng quay của máy nâng lên từ khoảng 26 phút lên 39 phút, kèm theo đó thời gian đợi máy nguội để có thể dùng tiếp cũng giảm từ 2 tiếng xuống chỉ còn 5 phút!
Kèm theo đó, anh tạo 1 chiếc đế bằng cách in 3D và gắn thêm 1 quạt nhỏ vào dưới đáy máy. Chiếc quạt này hoạt động bằng 1 viên pin riêng để không tiêu tốn năng lượng của R5, 'hút' hơi nóng của máy ra ngoài môi trường, không thể đạt được hiệu suất tản nhiệt tốt bằng so với hệ thống tản nhiệt nước nhưng cũng đã giúp sức được phần nào.
Hệ thống tản nhiệt thứ 2 không bắt buộc người dùng phải tháo máy nhưng vẫn có hiệu quả
Mặc dù đạt được hiệu quả sử dụng đáng nói nhưng những bước thực hiện của anh Perks không phải ai cũng muốn thực hiện, khi đòi hỏi người dùng phải tháo tung chiếc Canon EOS R5, hiện có giá bán khá cao (4000 USD). Rất mong trong những dòng máy tiếp theo Canon có thể tự mình giải quyết được vấn đề tản nhiệt, không phải đợi đến những giải pháp 'tự chế' có phần hơi mạo hiểm của người dùng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Bên cạnh cái tên Nokia, HMD giới thiệu điện thoại "cục gạch" 4G đầu tiên tại Việt Nam, giá chỉ hơn 600.000 đồng
HMD 105 4G là mẫu điện thoại "cục gạch" đầu tiên được hãng này giới thiệu dưới cái tên thương hiệu "HMD" thay vì là "Nokia" như trước đây.
So sánh thiết kế Galaxy S25 Ultra và Galaxy S24 Ultra: Viền siêu mỏng, cảm giác cầm nắm tốt hơn đáng kể