Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?

    Thanh Long,  

    Ngoại trừ năm 2020 và 2021, khi các giải chạy tập trung đông người bị hoãn do đại dịch COVID-19, thì trong 7 năm trở lại đây, năm nào cũng ghi nhận ít nhất 1 trường hợp tử vong do đột quỵ khi tham gia giải chạy phong trào ở Việt Nam.

    Hôm nay, ngày 7 tháng 4, Bệnh viện Trung ương Huế xác nhận với báo chí sự việc một nữ bệnh nhân tử vong vì đột quỵ khi đang tham gia một giải chạy trên địa bàn thành phố. Người phụ nữ 53 tuổi, tên N.T.P. trú tại huyện Quảng Điền, nhập viện vào ngày 6 tháng 4 với dấu hiệu ngưng tim.

    Được biết bà P đã đăng ký tham gia một giải chạy marathon, được tổ chức vào sáng cùng ngày ở Thành phố Huế. Khi đang chạy, người phụ nữ đột nhiên nằm xuống đường. Dù đã được lực lượng y tế của giải chạy sơ cứu, nhưng tình trạng của bà P. sau đó vẫn chuyển nặng.

    Nạn nhân được lực lượng 115 đưa tới Bệnh viện Trung ương Huế, nơi các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, hồi sức với thuốc vận mạch liều cao, nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, không có phản xạ, đồng tử giãn.

    Đến khuya ngày 6 tháng 4, do bà P. không có dấu hiệu hồi phục, mạch đập rời rạc, người thân đã xin đưa bà về nhà. Bệnh nhân sau đó tử vong vào sáng sớm ngày 7 tháng 4.

    Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?- Ảnh 1.

    Nạn nhân bị đột quỵ và tử vong sau khi tham gia một giải chạy marathon được tổ chức ở TP Huế sáng 6-4 - Ảnh: Hồ Ngọc Tuấn.

    Điều đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên một giải chạy ở Việt Nam ghi nhận người tham gia đột quỵ trên đường chạy. Đúng một năm về trước, tháng 4 năm 2024, một thanh niên 34 tuổi cũng được xác nhận đột quỵ và tử vong khi tham gia một giải chạy ở Hà Nội.

    Trước đó chưa đầy một tháng, một giải chạy ở Hòa Bình cũng ghi nhận một vận động viên tử vong. Tháng 10 năm 2023, một người chạy bộ phong trào theo đoàn một giải chạy khác ở Hà Nội cũng tử vong vì đột quỵ, mặc dù nạn nhân được xác định không phải vận động viên tham gia.

    Ngược lại vào tháng 6 năm 2022, một vận động viên 45 tuổi, được đánh giá là kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong giới chạy bộ nhưng cũng đột quỵ khi tham gia một giải ở Bình Định. Sự việc tương tự cũng xảy ra với một vận động viên mới 23 tuổi, chinh phục nội dung marathon 42 km tại một giải chạy diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.

    Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?- Ảnh 2.

    Năm 2019, nam vận động viên V.V.T (23 tuổi) đăng ký cự ly 42km tại một giải chạy ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị đột quỵ khi chạy đến km 18. Mặc dù đã được cấp cứu kịp thời, anh đã không qua khỏi.

    Thống kê chưa đầy đủ này cho thấy gần như năm nào nước ta cũng ghi nhận các sự việc đáng tiếc xảy ra trên đường chạy - với thực tế các giải chạy đã bị hoãn vào năm 2020 và 2021 do không được phép tập trung đông người trong đại dịch COVID-19.

    Vậy những trường hợp đột quỵ trên đường chạy này xảy ra do đâu? Chúng ta có thể làm gì để quản lý và phòng tránh nguy cơ đó?

    Có một nghịch lý là: Chạy bộ giúp phòng chống đột quỵ, nhưng cũng có thể gây đột quỵ

    Cần phải nói rằng các sự việc đáng tiếc xảy ra trên đường chạy này không phải quá hiếm trên quy mô thế giới. Nhất là trong các giải chạy quy tụ hàng chục ngàn vận động viên tham gia, sẽ có một tỷ lệ rủi ro nhất định liên quan đến số lượng.

    Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Y khoa JAMA vào tháng trước đã thống kê được 176 trường hợp vận động viên đột quỵ khi tham gia các giải chạy marathon ở Hoa Kỳ, trong vòng 13 năm từ năm 2010-2023.

    Tính trên tổng số lượt vận động viên tham gia là 29,3 triệu người, tỷ lệ bị đột quỵ khi chạy giải là 0,54/100.000 vận động viên.

    Một nghiên cứu của Pháp, hiện đã trở thành một nghiên cứu kinh điển trong lĩnh vực đột quỵ thể thao, chỉ ra một thực tế rằng phần lớn các trường hợp của nó xảy đến với người trên 35 tuổi, và chủ yếu (90%) là những người tham gia các hoạt động thể thao giải trí, trong đó có giải chạy phong trào.

    Những vận động viên trên 35 tuổi này cũng đại diện cho nhóm dân số có nguy cơ đột tử do thể thao cao nhất, đặc biệt là vì nhóm người này không ngừng gia tăng, với ngày càng nhiều người trung niên tham gia các môn thể thao sức bền.

    Ví dụ, tại Hoa Kỳ, số lượng người hoàn thành cuộc chạy marathon đã tăng gấp bốn lần trong 25 năm qua, tăng từ 5 lên 20 triệu người chạy mỗi năm. Hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi trên 35.

    Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?- Ảnh 3.

    Số lượng các ca đột tử liên quan đến thể thao tại Pháp. Màu đỏ xảy ra trong các tình huống thể thao thi đấu cạnh tranh. Màu xanh xảy ra trong hoạt động thể thao phong trào.

    Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?- Ảnh 4.

    Top những môn thể thao ghi nhận số ca đột quỵ nhiều nhất tại Pháp. Chạy bộ đứng ở vị trí thứ 2. Đứng đầu là đạp xe đạp.

    Đây quả là một nghịch lý, bởi việc tập thể dục bao gồm chạy bộ, thường được khuyến cáo như một biện pháp rèn luyện sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật trong đó có đột quỵ.

    Một nghiên cứu trên tạp chí Stroke theo dõi quá trình tập luyện thể dục của 29.272 nam giới và 12.123 phụ nữ trong thời gian 7,7 năm. Kết quả cho thấy mỗi km chạy mỗi ngày có thể giúp nguy cơ đột quỵ giảm xuống 12% ở nam giới và 11% ở cả nam và nữ kết hợp, sau khi điều chỉnh các yếu tố như tuổi, hút thuốc, tiểu đường, tăng cholesterol, tăng huyết áp và chỉ số BMI.

    Với những người chạy hơn 8 km/ngày, nguy cơ đột quỵ của họ thậm chí còn thấp hơn 60% so với những người chạy dưới 2 km/ngày. Điều này nhấn mạnh lợi ích vượt trội của việc chạy bền cự ly dài, vượt ngưỡng khuyến cáo hoạt động thể chất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

    Theo WHO, người trưởng thành có ít nhất 30 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi ngày, duy trì 5 ngày/tuần có thể giảm nguy cơ đột quỵ 25%. Những người chạy 8km/ngày có thời gian tập luyện gần gấp đôi, nhưng lợi ích gia tăng mà họ nhận được đã vượt qua mức gấp đôi đó, chứng tỏ chạy bền ở cự ly này cũng là một "món hời" cho sức khỏe.

    Vậy nguyên nhân đột quỵ khi chạy bộ là do đâu?

    Đột quỵ là tình trạng khẩn cấp y tế xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn, gây tổn thương não, có thể dẫn tới tử vong. Có hai loại đột quỵ chính là đột quỵ thiếu máu cục bộ (do tắc nghẽn mạch máu, thường do cục máu đông) và đột quỵ xuất huyết (do chảy máu trong hoặc quanh não).

    Đối với người bị đột quỵ trong khi chạy bộ, các sự kiện này thường là dạng đột quỵ thiếu máu cục bộ, bắt nguồn từ sự kiện nhồi máu cơ tim hoặc liên quan đến các cục máu đông, làm ngắt nguồn cung máu lên não.

    Nếu vận động viên dưới 35 tuổi, đột quỵ khi chạy bộ có thể bắt nguồn từ các bất thường cấu trúc tim bẩm sinh hoặc mắc phải như bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy - HCM), bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp (Arrhythmogenic Right Ventricular Cardiomyopathy – ARVC), bất thường động mạch vành bẩm sinh, hội chứng kích thích sớm (Wolff Parkinson White – WPW, viêm cơ tim…

    Với vận động viên chạy bộ trên 35 tuổi, nghiên cứu cho thấy đột quỵ thường xảy ra ở những người có bệnh lý xơ vữa động mạch vành, bệnh cơ tim dãn nở, bệnh van tim.

    Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?- Ảnh 5.

    Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?- Ảnh 6.

    Tỉ lệ các bệnh nền tim mạch gây đột quỵ cho người trẻ tham gia hoạt động thể thao. Trong đó, CAD: bệnh mạch vành do xơ vữa; myocarditis: viêm cơ tim; AC: bệnh cơ tim gây loạn nhịp; HCM: bệnh cơ tim phì đại; MVP: sa van 2 lá; Conduction system: bệnh lý hệ thống dẫn truyền; CAD cong: bệnh lý mạch vành bẩm sinh; DCM: bệnh cơ tim dãn nở; Aortic rupture: vỡ động mạch chủ; CAD other: bệnh mạch vành khác; Postoperative CHD: bệnh tim bẩm sinh sau phẫu thuật; PE: thuyên tắc phổi; Mechanical other: bệnh lý cấu trúc khác; Unexplaned: không giải thích được.

    Trong điều kiện bình thường, các bệnh lý nền này không gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, chạy bộ là một hoạt động thể chất cường độ cao. Do đó, nó có thể kích hoạt các cơn đột quỵ theo nhiều cách.

    Ví dụ, việc tăng nhịp tim và huyết áp trong khi chạy sẽ gây áp lực lên thành động mạch. Một nghiên cứu mới trên tạp chí Physics of Fluids Study cho thấy ở người có động mạch cảnh ở cổ bị hẹp từ 50% trở lên, chạy bộ cường độ cao sẽ làm tăng áp lực cắt tại vùng mạch hẹp, có thể khiến các mảng bám vỡ ra, chẹn mạch máu tới tim hoặc não dẫn đến đột quỵ.

    Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy khoảng 16,5 triệu người Mỹ, tương đương với 4,5% dân số có mảng bám trong động mạch cảnh. Số liệu này cho thấy quy mô lớn của nhóm người có nguy cơ cao khi tham gia các giải chạy bộ đường dài.

    Một nghiên cứu trên tạp chí Physical Activity and Onset of Acute Ischemic Stroke chỉ ra hoạt động thể chất cường độ cao, bao gồm chạy bộ, có thể làm tăng hoạt động hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp, làm tăng mức catecholamine, một yếu tố kích hoạt tiểu cầu có thể khiến tiểu cầu tụ lại thành cục máu đông, làm tắc nghẽn mạch máu gây đột quỵ.

    Mất nước, đặc biệt là trong các sự kiện chạy đường dài, tiếp tục góp phần vào chuỗi sự kiện đó. Khi cơ thể bị mất nước, máu của chúng ta sẽ trở nên đặc hơn, do đó, nó cũng nhớt hơn làm giảm lưu lượng máu lên não ở người có mạch máu hẹp.

    Thống kê tại các bệnh viện cho biết 50% bệnh nhân đột quỵ nhập viện bị mất nước, và tình trạng này liên quan đến tiên lượng xấu hơn.

    Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?- Ảnh 7.

    Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ khi chạy bộ, đặc biệt là khi tham gia giải chạy?

    Với sự phát triển của phong trào chạy bộ tại Việt Nam như hiện nay, ngày càng có nhiều người, thuộc nhiều đối tượng và lứa tuổi tham gia tập luyện và thi đấu trong bộ môn thể dục thể thao này. Điều đáng nói là sự bùng nổ phong trào chạy bộ và các giải chạy chưa đi đôi với nhận thức về nguy cơ sức khỏe từ hoạt động thể thao phong trào này.

    Nhiều người chỉ đơn giản đi chạy, vì được rủ đi chạy, hoặc thích chạy theo phong trào mà chưa từng quan tâm hoặc thậm chí không biết mình có bệnh nền tim mạch, điều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của họ khi chạy bộ.

    Chẳng hạn như các bệnh nhân có bệnh mạch vành do xơ vữa, có triệu chứng thiếu máu cơ tim khi gắng sức được khuyến cáo chỉ nên tham gia chạy bộ dưới sự giám sát của chuyên gia.

    Người có bệnh viêm cơ tim cấp không nên tập các bài tập cường độ trung bình-cao trong vòng 3-6 tháng. Người có bệnh cơ tìm phì đại cần được phân tầng nguy cơ dựa trên siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ MRI và làm bài kiểm tra gắng sức CPET rồi mới dựa trên đó để chỉ định cường độ tập luyện phù hợp.

    Người có bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp (ARVC), bao gồm cả những người có gen dương tính nhưng chưa có biểu hiện hình thái, được khuyến cáo không tham gia bất kỳ loại hình tập luyện, giải trí cường độ cao nào, bao gồm chạy bộ.

    Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?- Ảnh 8.

    Việc phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn có thể được thực hiện thông qua các xét nghiệm đơn giản, có trong quy trình khám sức khỏe tổng quát hàng năm.

    Tuy nhiên, một khảo sát trên tạp chí Nature cho thấy có tới 25% người trưởng thành ở Việt Nam không nhớ lần gần nhất mình kiểm tra sức khỏe tổng quát là khi nào. 24% nói rằng họ đã không khám sức khỏe định kỳ trong vòng 12 tháng gần nhất. Điều đáng nói là tới 60% những người tham gia khảo sát này là người trẻ trong độ tuổi 18-30.

    Những lợi ích từ việc phát hiện và quản lý sớm các tình trạng tim mạch có thể ảnh hưởng tới hoạt động thể thao vì vậy sẽ biến mất. Chẳng hạn, một nghiên cứu tại Ý cho thấy điện tim đồ (ECG) trong tầm soát bệnh lý có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ trong nhóm vận động viên thể thao từ 3,6/100.000 người/năm xuống còn 0,4/100.000 người/năm, tương đương với mức giảm tới 89%.

    Siêu âm tim có thể quan sát thấy các bất thường về van tim, kích thước các buồng tim, vận động của tim, có thể phát hiện được bất thường nơi xuất phát động mạch vành trong một số trường hợp. Ngay cả việc trả lời một bảng hỏi của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cũng có tác dụng sàng lọc bệnh tim mạch, giúp giảm tỷ lệ độ quỵ khi tham gia các sự kiện thể dục thể thao.

    Các câu hỏi này bao gồm:

    1. Bạn có bị đau/khó chịu/căng tức/tức ngực khi vận động gắng sức không?

    2. Bạn có từng bị ngất xỉu không rõ nguyên nhân hoặc gần ngất xỉu không?

    3. Bạn có bị khó thở/mệt mỏi hoặc hồi hộp quá mức và không rõ nguyên nhân khi tập thể dục không?

    4. Bạn có từng được bác sĩ thông báo là bạn có tiếng thổi tim không?

    5. Bạn có được cho biết là mình bị huyết áp cao không?

    6. Bạn có từng bị hạn chế tham gia hoạt động thể thao trước đây không?

    7. Bạn đã từng được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm tim chưa?

    8. Bạn một hoặc nhiều người thân nào đó đã chết sớm (đột ngột và bất ngờ, hoặc vì lý do nào đó) trước 50 tuổi do bệnh tim không?

    9. Bạn có người thân nào dưới 50 tuổi bị khuyết tật do bệnh tim không?

    10. Có thành viên nào trong gia đình bạn mắc bất kỳ bệnh tim nào sau đây không: bệnh cơ tim phì đại hoặc giãn nở, hội chứng QT dài hoặc các bệnh lý kênh ion khác, hội chứng Marfan hoặc loạn nhịp tim; có hiểu biết cụ thể về các bệnh tim di truyền ở các thành viên trong gia đình bạn không?

    Nhiều năm liên tiếp ghi nhận giải chạy có vận động viên đột quỵ tử vong: Vậy chạy bộ sẽ trở nên nguy hiểm với những ai, bạn cần làm gì để kiểm soát nguy cơ đó?- Ảnh 9.

    Quy trình tầm soát bệnh tim mạch cho vận động viên thi đấu chuyên nghiệp trẻ.

    Nếu có nhiều câu trả lời trong bảng hỏi trên là có, bạn sẽ cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn để tìm ra vấn đề tiềm ẩn của mình.

    Chẳng hạn, Hội tim mạch châu Âu (ESC), Ủy ban Olympic Quốc tế đề xuất một quy trình tầm soát cho vận động viên trẻ có bất thường về tiền sử cá nhân và gia đình bao gồm siêu âm tim, điện tim đồ, chụp cộng hưởng từ, thậm chí, sinh thiết cơ tim.

    Tổ chức Y học Thể thao Quốc tế (FIMS) khuyến cáo các vận động viên lớn tuổi nên thực hiện các bài kiểm tra gắng sức trước sự kiện marathon, vì nguy cơ bệnh động mạch vành của họ sẽ tăng theo tuổi tác. Các vận động viên cũng cần tự báo cáo các triệu chứng như đau ngực, chóng mặt, hoặc khó thở trong quá trình tập luyện để được đánh giá thêm.

    Tóm lại, để có thể loại trừ nguy cơ đột quỵ khi chạy bộ, bạn cần ý thức, biết và quản lý tốt tình trạng sức khỏe tim mạch của mình. Điều này có thể được thực hiện đơn giản qua các cuộc khám sức khỏe định kỳ hàng năm, thực hiện sàng lọc bệnh tim mạch khi cần thiết, và luôn tuân thủ hướng dẫn y tế nếu có phát hiện các vấn đề tim mạch bất thường.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ