Nhiều người thất nghiệp đang nhờ đến chatbot để tìm giải pháp cho bản thân mình
Với tình trạng thiếu việc làm do công nghệ tự động hóa phát triển, rất nhiều người đã và đang tìm đến các dịch vụ tư vấn AI để tìm ra giải pháp cho bản thân mình.
Trong suốt nhiều tháng liền, Lovkesh Joshi đã sống trong sợ hãi sau khi mất công việc quản lý tại một trong những công ty dịch vụ công nghệ hàng đầu Ấn Độ. Việc khách hàng liên tục cắt giảm ngân sách đã buộc ban lãnh đạo phải sa thải hàng loạt nhân viên, trong đó có Joshi. Các chuyên gia công nghệ cũng nhận định rằng hàng triệu chuyên viên IT tại Ấn Độ sẽ thất nghiệp trong những năm tới.
Vì không muốn trở thành gánh nặng cho vợ cũng như bạn bè của mình, Joshi đã nhờ đến một chatbot tâm lý trị liệu có tên Wysa. Với phương châm “trung thành, hỗ trợ và riêng tư” cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tân tiến, chatbot này luôn khuyến khích người dùng bộc lộ cảm xúc về những thay đổi lớn gần đây trong cuộc sống của họ.
Những người thất nghiệp tại Ấn Độ đang tìm đến các chatbot tư vấn như một giải pháp hữu hiệu nhất.
Joshi cho biết: “Tôi hoàn toàn có thể mở lòng mình khi trò chuyện với Wysa. Tôi cảm thấy mình được lắng nghe và thấu hiểu”. Cuối cùng, Joshi cũng đã tìm được công việc mới tại một công ty lớn khác vào hai tháng trước.
YourDOST - ý tưởng của những con người từng bị nỗi sợ thất nghiệp ám ảnh
Nhìn một cách tổng quát, sự bất ổn trong ngành công nghiệp gia công phần mềm trị giá 154 triệu USD của Ấn Độ đã khiến không ít người phải tìm đến các dịch vụ trị liệu trực tuyến tương tự. Những người muốn một công việc ổn định với mức lương tốt đang dần bị máy móc và công nghệ tự động hóa thay thế. McKinsey & Co thậm chí còn nhận định một nửa trong tổng số 4 triệu nhân công làm việc trong lĩnh vực IT tại đây sẽ thất nghiệp trong 3 đến 4 năm tới.
Cũng giống như những người khác trên thế giới, người Ấn Độ luôn muốn che giấu những nỗi sợ hãi, mặc cảm trong tinh thần. Đó là vì sao họ tìm đến những công ty tư vấn trực tuyến - một phương pháp trị liệu tiện lợi, an toàn và cũng không quá đắt đỏ. Đa số những công ty này đều sử dụng nguồn nhân lực là con người.
Mridul Arora, giám đốc điều hành của SAIF Partners - công ty đầu tư chính cho start-up YourDOST chia sẻ: “Các nền tảng tư vấn tâm lý trực tuyến sở hữu sức mạnh cực lớn và hoàn toàn có thể giúp khách hàng tìm ra giải pháp sau một thời gian trò chuyện. Bất kỳ dịch vụ mới nào cũng cần những người dùng tiên phong, và còn ai lý tưởng hơn so với những chuyên gia công nghệ thông tin trẻ tuổi?”
YourDOST ra đời nhằm giúp những người trầm cảm vượt qua nỗi tuyệt vọng của bản thân mình.
Bản thân những người sáng lập YourDOST cũng đã phải trải qua rất nhiều căng thẳng khi thành lập và điều hành công ty này. Puneet Manuja, cựu sinh viên của một đại học công nghệ danh tiếng với bằng cấp tương đối cao trong lĩnh vực khoa học máy tính, đã liên tục bị những công ty lớn như Yahoo! hay Adobe từ chối. Anh phải hứng chịu sự chế giễu từ những người bạn cùng lớp và cũng không thể chia sẻ với ai, bao gồm cả bố mẹ mình. Bên cạnh đó, “bà xã” tương lai Richa Singh của anh cũng bị ám ảnh nặng nề sau khi người bạn của cô tự vẫn vì không tìm được việc làm.
Hai người họ tình cờ quen nhau vài năm sau đó tại một công ty công nghệ toàn cầu. Họ đã cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm trên và nảy ra ý tưởng giúp đỡ những người đang gặp vấn đề về trầm cảm. Và đó là khi YourDOST ra đời (DOST nghĩa là bạn bè trong tiếng Hindi).
Đội ngũ nhân viên tại YourDOST.
Từ một blog nhỏ bé, YourDOST đã phát triển thành một nền tảng kỹ thuật số nhằm tạo ra mạng lưới các nhà tâm lý học luôn sẵn sàng tư vấn bất cứ khi nào khách hàng tìm đến. Trong khi các buổi trị liệu trực tiếp phải tốn đến hàng chục, thậm chí hàng trăm USD thì dịch vụ trò chuyện audio của YourDOST lại chỉ lấy của người dùng 6.20 USD, và dịch vụ trò chuyện video cũng chỉ tốn 9.30 USD mà thôi. Hiện tại, YourDOST thực hiện 2.000 ca tư vấn mỗi ngày và luôn mở cửa 24/7.
Không những thế, vào những thời khắc cao điểm của nạn thất nghiệp, YourDOST còn thiết lập một đường dây nóng miễn phí để an ủi và tư vấn khách hàng ẩn danh. Sushma Hebbar, một chuyên gia tâm lý học cao cấp cho biết: “Thất nghiệp trong ngành công nghiệp thế mạnh của nam giới không chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế mà còn là sự mất mát đối về mặt tinh thần đói với họ. Tôi đã gặp không ít trường hợp những người đàn ông trở nên suy sụp hoàn toàn hay các sinh viên khóc nức nở vì trót chọn ngành kỹ thuật là con đường sự nghiệp sau này của mình. Họ không ngừng hỏi tôi làm thế nào để cứu lấy sự nghiệp cũng như chính bản thân họ. Thậm chí có người sau khi mất việc vẫn phải giả vờ đi làm để bố mẹ mình không phát hiện ra”.
Wysa - chatbot với "tai nghe cảm thông" thực sự
Đầu tháng 1 năm nay, một cặp vợ chồng khác là Ramakant Vempati và Jo Aggarwal đã chính thức cho ra mắt Wysa. Chatbot này có thể sử dụng quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên để hiểu và phân loại các cuộc trò chuyện để đưa ra những giải pháp thích hợp do các nhà tâm lý học cung cấp từ trước.
Cặp đôi này cũng tránh việc sử dụng rộng rãi các giải pháp đã tồn tại trong những cuốn sách tự điều trị hay các chỉ dẫn chung chung từ phía các bác sĩ. Aggarwal cho biết: “Wysa sở hữu “tai nghe cảm thông” và sẽ thực sự lắng nghe khách hàng mà không đưa ra những nhận xét, động viên theo hướng tích cực. Cuộc trò chuyện sẽ diễn ra hoàn toàn tự nhiên như thật vậy”.
Wysa sẽ lắng nghe và chia sẻ với khách hàng một cách chân thực nhất.
Toàn bộ các phiên tư vấn sẽ được miễn phí và họ thu về lợi nhuận bằng cách bán bản quyền công nghệ AI của mình cho những doanh nghiệp, công ty bảo hiểm toàn cầu cũng như các nhà cung cấp dịch vụ y tế.
Tháng trước, sau khi tiến hành kiểm tra nội dung trò chuyện của Wysa, Vempati và Aggarwal phát hiện ra những cuộc hội thoại xoay quanh vấn đề thất nghiệp, mất việc đột ngột tăng cao, nhanh chóng trở thành chủ đề phổ biến thứ hai trong hệ thống của họ.
Juno Clinic - Dịch vụ tư vấn tâm lý đa dạng
Một trong những trường hợp đáng chú ý nhất là Denish Kumaramangalam. Anh chàng này đã quản lý từ xa các hệ thống khách hàng tại một công ty dịch vụ công nghệ thông tin nhỏ lẻ trong hơn ba năm trước khi bị sa thải vào mùa hè vừa qua. Nguyên nhân là do các dự án của khách hàng hầu hết đã được tự động hóa khiến lượng nhân công bị cắt giảm từ 300 người xuống chỉ còn 70 người.
Anh chàng 38 tuổi này thực sự rơi vào tuyệt vọng và cực kỳ lo lắng cho người vợ cùng đứa con gái 6 tuổi của mình. Mặc dù cha mẹ anh đã liên tục khuyên nhủ, thậm chí một người họ hàng còn gợi ý sử dụng các dịch vụ tư vấn trực tuyến, tình trạng của Denish vẫn không được cải thiện.
Sau nhiều tháng tìm kiếm việc làm trong vô vọng, Denish quyết định tìm đến dịch vụ Juno Clinic với trụ sở ở Mumbai. Công ty này do ba doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực gia công phần mềm thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào năm ngoái. Người dùng có thể chat trực tuyến miễn phí và bỏ ra chút tiền để sử dụng dịch vụ trò chuyện audio và video.
Juno Clinic cung cấp dịch vụ tư vấn đa dạng qua điện thoại, video call hay tin nhắn.
Cụ thể, Juno Clinic đã tạo ra những gói giải pháp riêng cho những nhân viên bị sa thải với đội ngũ 28 nhà tâm lý học chuyên nghiệp. Nhà đồng sáng lập Davesh Manocha cho biết: “Những lo lắng về công việc và trầm cảm có tể dẫn đến những kết quả tồi tệ hơn, vì thế việc can thiệp kịp thời là cực kỳ quan trọng”.
Khi bắt đầu phiên tư vấn của mình, Denish tỏ ra rất tức giận: “Tôi làm việc thực sự chăm chỉ và hoàn toàn xứng đáng là 1 trong 70 giữ được công việc của mình”. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của người tư vấn, Danish đã vượt qua nỗi tuyệt vọng của mình và đưa ra những phản hồi tích cực hơn.
Sau 7 ca tư vấn qua điện thoại và Skype, cuối cùng Danish cũng đã tìm được công việc mới vào 6 tuần trước. Anh cho biết: “Tôi đang làm ở một công ty công nghệ nhỏ, gần như là một start-up. Thế nên tôi phải chấp nhận mức lương thấp hơn. Nhưng dù sao đó cũng là một công việc tốt”.
Theo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI