Hơn 100 năm qua, con người đã không ngừng nỗ lực để tiêu diệt loài muỗi - tác nhân gây lan truyền virus Zika nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác. Tuy nhiên, hành trình mệt mỏi này vẫn chưa đến đích.
Thật không ngoa khi nói rằng muỗi là kẻ gieo rắc đau khổ cho nhân loại. So với các loài vật khác thì muỗi phải chịu trách nhiệm nhiều hơn với cái chết của con người trên Trái đất. Và loài muỗi gây ra nhiều nỗi bất hạnh nhất phải kể đến Aedes aegypti mà dân gian thường gọi là muỗi vằn. Loài côn trùng có kích thước chỉ vỏn vẹn 4mm này không chỉ làm lây lan virus Zika mà còn làm lan truyền bệnh sốt vàng da và 2 loại bệnh nguy hiểm khác là sốt xuất huyết và sốt chikungunya.
Trong thế kỷ qua, các nhà khoa học đã cố gắng dùng nhiều biện pháp để tiêu diệt loài muỗi nhưng đi cùng với những bước tiến của khoa học thì "hậu duệ" muỗi cũng tự thay đổi và tiến hóa để sinh tồn. Loài muỗi vằn vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở và cuộc chiến chống lại loài muỗi cứ dai dẳng chưa có hồi kết. Nhà côn trùng học Johns Hopkins đã phải thốt lên: "Đây thực sự là một cuộc chiến và chúng ta đã cố gắng chiến đấu để phá vỡ thế bế tắc". Từ phòng thí nghiệm cho tới những cánh đồng đều là chiến trường của chúng ta. Hãy cùng xem lại những biên niên sử về trận chiến chống lại kẻ sát nhân khiến bất cứ ai cũng phải khó chịu khi nhắc đến này.
Năm 1881
Người Pháp bắt đầu đào kênh Panama nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Thập kỷ sau đó, dịch sốt vàng da đã cướp đi sinh mạng của 22.000 công nhân tại các đầm lầy, eo đất của Panama cho tới khi người Pháp kết thúc thời gian thi công công trình này.
Năm 1990
Bác sĩ Walter Reed của Quân đội Mỹ đã chứng minh được rằng muỗi chính là tác nhân lây truyền bệnh sốt vàng da.
Năm 1904
Mỹ tiếp quản kênh đào Panama nhưng nỗi sợ sốt vàng da khiến cho không công nhân nào dám đi làm. Người Mỹ đã cố gắng chống lại bệnh sốt vàng da bằng cách dọn sạch khu vực đầm lầy và rừng rậm rộng tới 1.296 km2 đồng thời đổ dầu vào các vũng nước đọng để tiêu diệt ấu trùng muỗi.
Năm 1939
Nhà hóa học người Thụy Sĩ - Pauly Mueller đã sử dụng DDT (dichlorodiphenyltrichloroethane - một loại thuốc trừ sâu) để kiểm soát bệnh sốt rét và sốt vàng da do vật chủ trung gian như muỗi, chấy rận... truyền sang.
Năm 1962
Tổ chức Y tế Thế giới đã sử dụng DDT để diệt muỗi và thu được thành công lớn trong việc ngăn chặn bệnh sốt rét lây lan. Tuy nhiên, năm 1962, nhà nghiên cứu Rachel Carson đã công bố rằng DDT có sức tàn phá môi trường và làm hại động vật, trong đó có cả con người. Bên cạnh đó, loài muỗi cũng bắt đầu có khả năng đề kháng với thuốc.
Năm 1972
Mỹ cấm sử dụng DDT và một năm sau, loại thuốc trừ sâu tổng hợp có tên gọi permethrin đã được giới thiệu. Loại thuốc này có khả năng tiêu diệt các loại côn trùng rất hiệu quả nhưng đến những năm 90, khả năng đề kháng với chất độc ngày càng trở nên phổ biến. Theo như nhà côn trùng học Dan Strickman thì đây là điều tất yếu. Hầu hết các loại thuốc trừ sâu mới chỉ có hiệu quả trong một vài năm đầu và sau khi loài muỗi tăng cường được sức đề kháng thì chúng ta phải chuyển sang sử dụng loại thuốc khác. Các nhà khoa học gọi đây là "vòng lặp thuốc trừ sâu".
Năm 1974
Các nhà khoa học sử dụng bức xạ để làm giảm khả năng sinh sản của 57.000 con muỗi đực và thả chúng ở Kenya. Mỗi con muỗi cái chỉ giao phối một lần trong đời. Do vậy, nếu giao phối với muỗi đực đã bị chiếu xạ thì nó sẽ không sinh con được nữa. Tuy nhiên, bức xạ tồn tại trên người muỗi đực quá yếu nên phương pháp này chỉ đạt được một nửa hiệu quả so với dự kiến.
Đầu những năm 1980
Người ta đã phát minh ra một phương pháp phòng chống bệnh sốt rét không hề tốn kém, đó là màn chống muỗi. Tuy nhiên, phương pháp này lại không nhằm nhò gì đối với muỗi vằn bởi nó hút máu cả ngày lẫn đêm và thường quay trở lại chỉ trong tích tắc khiến nạn nhân không kịp trở tay.
Năm 1981
Sau khi bị xua đuổi khỏi các nước thuộc khu vực Mỹ Lantinh bởi thuốc trừ sâu liều nặng, loài muỗi vằn bắt đầu quay trở lại và Brazil là nước phải gánh chịu hậu quả này khi dịch sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng.
Cuối những năm 2000
Các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu hệ thống khứu giác của muỗi để tìm hiểu xem chúng bị thu hút bởi những loại phân tử mùi gì. Thông tin này rất hữu ích trong việc tạo ra các loại bẫy và chất độc diệt muỗi.
Năm 2009
Công ty Công nghệ sinh học Oxitec bắt đầu tạo ra giống muỗi đực biến đổi gen OX513A. Loại gen này khiến muỗi phải sống nhờ chất kháng sinh tetracyline. Nếu không được cung cấp tetracyline để giải độc, enzyme do cơ thể sản xuất sẽ tích tụ đến mức độc hại khiến muỗi chết trong vài ngày.
Các con muỗi trong phòng thí nghiệm đã được cho ăn thuốc sau đó được thả vào thiên nhiên, muỗi đực biến đổi gen sẽ giao phối với muỗi cái, sinh ra muỗi con thừa kế loại gen này. Muỗi con sẽ chết ngay vài ngày sau đó do không có tetracyline để trị độc.
Theo báo cáo, dự án này của Oxitec đã làm giảm hơn 90% quần thể muỗi trong khu vực thử nghiệm, tuy nhiên, để có thể áp dụng vào thực tế thì công ty sẽ phải tạo ra cả triệu con muỗi biến đổi gen và liên tục thả chúng vào môi trường tự nhiên. Điều này dường như vượt quá khả năng của Oxitec và làm dấy lên nghi ngờ của các nhà phê bình học.
Năm 2011
Tại Úc, Scott O’Neill - giáo sư Đại học Monash đã phát hiện ra vi khuẩn Wolbachia kí sinh trên côn trùng có khả năng ngăn chặn muỗi vằn truyền dịch sốt xuất huyết cho con người. Ông đã thả những con muỗi bị nhiễm loại vi khuẩn này tới các vùng ở Úc và các nơi có nguy cơ sốt xuất huyết ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Scott O’Neill cho biết rằng các con muỗi chứa vi khuẩn Wolbachia trong nhà thì cũng giống như có bác sĩ trong nhà vậy. Chúng có thể hút máu nhưng cũng giúp làm lây truyền vi khuẩn Wolbachia để ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết.
Năm 2014
Các nhà khoa học khác đang tìm kiếm một phương pháp để không phải dùng đến loại muỗi biến đổi gen. Tại Yale, một nhóm các nhà khoa học đã đề xuất nhân giống muỗi không truyền bệnh chết người.
Năm 2016
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế gây quỹ dự án thí điểm để phục hồi và cải thiện quá trình khử trùng chiếu xạ. Họ cũng bắt đầu hợp tác với chính phủ Brazil trong cuộc chiến chống lại virus Zika.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming