Thật không may cho dù vấn đề đã xuất hiện từ hơn một năm nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho nguyên nhân của sự cố này.
Trong những năm vừa qua, LG đã mang đến một số thiết bị Android ấn tượng, nhưng các báo cáo từ người tiêu dung cho thấy rằng công ty đang gặp khó khăn để đảm bảo tính nhất quán trong sản xuất của mình với một vài model.
Lỗi bootloop (lỗi khởi động lại liên tục) lần đầu tiên xuất hiện một cách nghiêm trọng với chiếc LG G4 và người dùng đã thông báo về các vấn đề tương tự với phần lớn chiếc flagship được công ty xuất xưởng với nhiều mức độ khác nhau. Thật không may, các báo cáo đầu tiên cho thấy, vấn đề tương tự lại xảy ra với chiếc V20 mới ra mắt gần đây, cho dù đây có thể chỉ là một trường hợp cá biệt.
Cho đến nay, LG đã thừa nhận vấn đề với chiếc LG G4 và giải quyết một số vấn đề khác đang ảnh hưởng đến chiếc Nexus 5X mà họ phát triển cho Google. Người tiêu dùng cũng báo cáo về những vấn đề tương tự với chiếc V10, và ở một mức độ thấp hơn là chiếc G5.
Trang Android Authority đã cố gắng liên lạc với LG nhưng công ty từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào cho đến khi có báo cáo của cuộc điều tra. Không có phản hồi chính thức từ phía LG, rất khó biết được vấn đề này lan rộng đến như thế nào, nếu không muốn nói là tất cả các dòng điện thoại cao cấp của LG.
Dưới đây là những gì xảy ra cho đến nay, cũng như những gì chúng ta biết và chưa biết về các vấn đề với những thiết bị cao cấp của LG.
Vấn đề từ hoạt động hỗ trợ khách hàng
Khi xuất hiện lần đầu trên dòng G4, LG đã mất đến nhiều tháng mới thừa nhận vấn đề bootloop sau khi báo cáo đầu tiên đề cập đến nó vào tháng Chín 2015 và các khách hàng bắt đầu lập ra một bản kiến nghị để thu hút sự chú ý của công ty. Các nhà mạng và các nhà bán lẻ đã nhanh chóng nhận thức được vấn đề, một số còn cung cấp việc sửa chữa cho những thiết bị trong hạn bảo hành. Mặc dù vậy, LG đã không làm được điều tương tự.
Cho dù công ty đã sửa chữa một số thiết bị, những người tiêu dùng khác cho biết, phiên bản thiết bị của họ đã làm họ không thể sửa chữa hay thay thế. Chỉ cần tìm kiếm một chút, bạn có thể thấy rất nhiều người tiêu dùng tỏ ra không hài lòng về trải nghiệm này, khi cho biết việc sửa chữa thường kéo dài rất lâu và các vấn đề vẫn tồn tại ngay cả sau khi sửa chữa.
Phải đến tháng Một 2016, LG mới thừa nhận vấn đề và đưa ra các biện pháp sửa chữa. Cuối cùng công ty cho biết họ sẽ sửa chữa tất cả các thiết bị bị ảnh hưởng, nhưng đến lúc này, họ đã mất quá nhiều thời gian để đưa ra một giải pháp hợp lý cho lỗi trên chiếc G4.
LG G4, khởi đầu của vấn đề bootloop với những chiếc điện thoại của LG.
Chiêc Nexus 5X lại gặp phải một số vấn đề riêng, nhưng LG đã xử lý điều này tốt hơn. Báo cáo đầu tiên về vấn đề cho thấy nguyên nhân là từ bản cập nhật lên Nougat đã gây ra lỗi bootloop cho một số người dùng, nhưng những chủ sở hữu thiết bị khác cũng gặp phải một lỗi phần cứng gây ra bootloop, và thậm chí lỗi này còn khó sửa chữa hơn.
Đối với việc phần mềm Nougat gây ra lỗi loop, Google đã cung cấp các bản sửa lỗi cho những chiếc điện thoại được mua thông qua Google Store, trong khi đó với những người đã mua chiếc Nexus 5X từ nơi khác sẽ cần đến bảo hành của LG để được giải quyết lỗi này.
Đối với vấn đề do riêng phần cứng, ban đầu LG cho biết họ sẽ sửa chữa những thiết bị này thông qua chương trình bảo hành thông thường của mình, nhưng chỉ một vài tuần sau đó, công ty cho biết họ dừng việc sửa chữa và đề nghị hoàn lại tiền cho khách hàng.
Khi chiếc Nexus 5X không còn sản xuất nữa, công ty cũng không còn các bộ phận dự phòng để sửa chữa, vì vậy, những người dùng mang điện thoại của mình đi sửa được đề nghị hoàn lại tiền. Cho dù điều này có thể làm một vài người thất vọng, nhưng rõ ràng LG đã xử lý tình huống này chuyên nghiệp hơn nhiều so với chiếc G4.
Nexus 5X, một sản phẩm được LG phát triển cho Google.
Với chiếc G5 và V10, vẫn chưa rõ chúng liệu chung vấn đề với những dòng thiết bị khác hay không, nhưng số lượng các báo cáo về bootloop rõ ràng ít hơn so với chiếc G4. Dù sao đi nữa, những khách hàng trong hạn bảo hành có thể gửi điện thoại của họ về LG để được sửa chữa miễn phí với những khiếm khuyết chính hang này. Nhưng điều này cũng làm khó đánh giá tình hình hơn.
Bên cạnh chiếc G4 đã được chính thức xác nhận có vấn đề, vẫn chưa rõ liệu các báo cáo lỗi trên những thiết bị khác của LG có liên quan đến lỗi này hay không, hay nó được người dùng báo lỗi khi học không muốn thừa nhận nó mắc một sai sót nào đó khác.
Tình hình hiện tại cũng tương tự với Samsung sau các sự cố về chiếc Note7, giờ mọi người đều đang tìm kiếm một lỗi pin bất kỳ của những chiếc Galaxy dù rất hiếm hoi, để chứng tỏ rằng những chiếc điện thoại đó thật nguy hiểm. Dù sự thật là thế nào đi nữa, một tuyên bố từ LG sẽ làm rõ tất cả những điều này.
LG V10 và LG V20.
Vậy nguyên nhân có thể là gì?
Lướt qua diễn đàn LG Việt (lgviet.com), chúng tôi cũng ghi nhận có đến hàng trăm trường hợp báo lỗi bootloop ở chiếc LG G4, lỗi tương tự ở chiếc V10 ít hơn đáng kể nhưng cũng khá lớn (vài chục trường hợp) và cũng đã xuất hiện ở chiếc G5.
Nếu nhìn vào việc lỗi này làm cho những thiết bị đột ngột tắt nguồn và không thể restore lại thông qua việc flash phần mềm, dường như đây không phải một lỗi phần mềm (ngoại trừ những chiếc Nexus 5X bị lỗi khi cập nhật lên Nougat). Theo trang Android Authority, có lẽ nó có liên quan nhiều hơn đến phần cứng, có thể do một khiếm khuyết hiếm hoi xảy ra trong dây chuyền sản xuất.
Sau khi thừa nhận vấn đề với chiếc G4, LG đã xác nhận rằng vấn đề này có nguyên nhân do “một kết nối lỏng lẻo giữa các bộ phận”, và rất có thể đây cũng là vấn đề tương tự với những phiên bản khác. Việc hủy bỏ quá trình thay thế phần cứng cho Nexus 5X càng củng cố thêm giả thuyết này, nhưng rõ ràng LG đã không giải quyết tốt vấn đề này với các thế hệ phần cứng sau G4.
Chiếc LG G5.
Một kết nối lỏng lẻo giữa nguồn cung cấp điện và các thành phần bộ nhớ có thể là nguyên nhân cho tình trạng khởi động không đúng cách của chiếc điện thoại, do sự thiếu ổn định của hệ thống hoặc không thể truy cập được vào phần bộ nhớ quan trọng. Có thể lỗi kết nối với các bộ phận khác, ví dụ camera hoặc bộ quét vân tay, cũng sẽ gây ra vấn đề tương tự. Ngoài ra, điều này cũng có thể do những giao tiếp quan trọng với các bộ phận ngoại vi đã không được gửi và nhận đúng cách.
Các loại khiếm khuyết này có thể tác động đến rất nhiều loại phần cứng và sẽ không chỉ giới hạn với LG. Mặc dù vậy, điều quan trọng là các công ty khác có những cách hợp lý để giải quyết một số lượng nhỏ những sai sót không tránh khỏi này.
Cách xử lý chưa linh hoạt của LG với vấn đề ban đầu của chiếc G4 đã đặt công ty ở vào vị thế bị soi xét nhiều hơn các đối thủ của mình. Tuy nhiên, điều này lại làm cho việc xác định liệu phần cứng của LG dễ bị lỗi hơn các đối thủ khác, hay chỉ đơn giản là vì họ đang là mục tiêu để mọi người xem xét kỹ hơn.
Vậy có nên mua một chiếc điện thoại LG?
Khả năng cao để gặp phải một chiếc điện thoại không ổn định là quá đủ để hầu hết người dùng suy nghĩ lại về việc chọn một thiết bị của LG, nhưng chúng ta nên nhớ rằng số lượng người dùng bị ảnh hưởng bởi lỗi bootloop hiện còn quá nhỏ. Quy mô của vấn đề chưa đến mức phải tiến hành thu hồi. Cho dù điều này không có nghĩa là bạn nên bỏ qua khả năng mình sẽ là người tiếp theo bị ảnh hưởng.
Điều an toàn nhất lúc này là bạn nên mua một thiết bị LG từ nhà bán lẻ có bảo hành đầy đủ từ nhà sản xuất. Thậm chí bạn nên nghĩ đến chuyện nâng cấp gói bảo hành lên thành 3 năm để yên tâm hơn. Còn khi bạn mua lại một chiếc LG đã qua sử dụng hoặc hàng xách tay từ nước ngoài về, ít có khả năng thiết bị của bạn sẽ được bảo hành bởi nhà bán lẻ hay nhà sản xuất.
Dù sao LG vẫn là nhà sản xuất phần cứng tốt trên thị trường, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn thảo luận trước về điều khoản trả lại máy với nhà mạng hoặc nhà bán lẻ khi mua một chiếc điện thoại LG. Nếu bạn gặp vấn đề về bootloop, cho dù có phải từ nhà sản xuất hay không, hãy liên lạc với nhà mạng/nhà bán lẻ của bạn để thảo luận về các lựa chọn và sửa chữa thiết bị của mình.
Tham khảo Android Authority/anh HoàngNova - admin diễn đàn LG Việt
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao cái cảm giác được ở nhà ngày bão lại yên bình đến lạ?
Giống như một bào thai nằm yên ổn bên trong bụng mẹ, người lớn cũng sẽ cảm thấy ấm cúng, khi được nghỉ ngơi ở nhà ngày mưa bão.
Ra mắt smartphone mỏng chỉ 7.69mm mà pin tận 6.500mAh, mức giá lại vô cùng hợp lý