Nhìn LG, Samsung và hệ sinh thái Mi Eco sẽ hiểu tại sao Xiaomi muốn làm chip xử lý riêng

    TVD,  

    Một hãng smartphone Trung Quốc như Xiaomi, lại dám đầu tư tiền bạc, công sức và thời gian để nghiên cứu và chế tạo chip xử lý riêng.

    Xiaomi thành công nhờ có công thức đơn giản, sản xuất smartphone tầm trung với giá bán rẻ để cạnh tranh. Xiaomi cũng nổi tiếng vì những cáo buộc sao chép thiết kế và công nghệ của đối thủ. Hãng smartphone Trung Quốc này cũng đầu tư rất ít vào R&D, bằng sáng chế và việc tự sản xuất một con chip xử lý của riêng mình là điều quá xa xỉ.

    Thế nhưng mọi thứ sắp thay đổi, Xiaomi sắp gia nhập vào hàng ngũ của Qualcomm, Mediatek, Samsung hay Huawei với một con chip xử lý của riêng mình. Đó chính là dòng chip xử lý Pinecone, do chính Xiaomi tự thiết kế và sản xuất.

    Vậy tại sao một hãng smartphone như Xiaomi, lại chấp nhận bỏ tiền bạc, công sức và thời gian để nghiên cứu, chế tạo một con chip xử lý riêng? Mà thay vào đó, Xiaomi hoàn toàn có thể sử dụng các con chip Snapdragon từ cao cấp tới tầm trung của Qualcomm, để tiết kiệm rất nhiều thứ.

    Hệ sinh thái Mi Eco cần có những con chip xử lý riêng

    Có một thực tế là phần lớn doanh thu của Xiaomi không đến từ việc kinh doanh smartphone, mà đến từ hệ sinh thái Mi Eco với hàng loạt các thiết bị thông minh khác. Xiaomi có rất nhiều thiết bị thông minh từ vòng tay, TV, máy giặt, nồi cơm điện v.v..

    Trong tương lai, Xiaomi sẽ tiếp tục ra mắt thêm nhiều thiết bị thông minh mới trong hệ sinh thái Mi Eco của mình. Và đó đều sẽ là các thiết bị Internet of Things, có thể kết nối với nhau. Tuy nhiên nếu muốn làm tốt việc quản lý tất cả các thiết bị, Xiaomi sẽ cần những con chip đặc biệt.

    Một con chip của nhà sản xuất thứ 3 có thể sẽ không đáp ứng được hoàn toàn những yêu cầu của Xiaomi đối với hệ sinh thái Mi Eco. Chưa kể đến việc tương thích giữa các thiết bị, bởi IoT hiện nay vẫn chưa có một chuẩn chung được áp dụng trên toàn thế giới.

    Việc tự tạo ra một con chip của riêng mình và trang bị cho smartphone và cả các thiết bị IoT sẽ giúp hệ sinh thái Mi Eco trở nên đồng nhất hơn. Xiaomi cũng chủ động trong việc nâng cấp, tích hợp những tính năng mới, khắc phục sữa lỗi hay vá các lỗ hổng bảo mật.

    Phụ thuộc vào Qualcomm có quá nhiều rủi ro

    Một lý do khác khiến Xiaomi phải tự sản xuất chip xử lý cho smartphone, đó là vì không muốn phụ thuộc vào Qualcomm. Mặc dù Snapdragon 820 của Qualcomm được đánh giá rất cao, nhưng không phải lúc nào nhà sản xuất này cũng thành công như vậy.

    Snapdragon 810 của Qualcomm từng bị cáo buộc gây ra hiện tượng quá nhiệt trên Nexus 6P và khiến máy bị tắt đột ngột. Snapdragon Wear 2100 SOC trang bị trong smartphone của LG thì gây ra hiện tượng hao pin và hiệu năng không đạt được như mong đợi.

    Các hãng smartphone Samsung và Apple cũng tự sản xuất chip xử lý của riêng mình, do đó họ luôn chủ động trước những rắc rối trên. Trong khi đó, Google, LG và OnePlus đã từng rất đau đầu khi những con chip Snapdragon 810 của Qualcomm gặp lỗi.

    Một thực tế khác cho thấy không nên phụ thuộc hoàn toàn vào Qualcomm hay bất kỳ nhà sản xuất chip thứ 3 nào. Đó chính là việc LG G6 không được trang bị chip Snapdragon 835 mới nhất, do Samsung đã chiếm gần như toàn bộ lô hàng xuất xưởng của dòng chip này.

    Sản lượng của Qualcomm là có giới hạn, do đó không thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của các hãng smartphone. LG G6 chỉ được sử dụng chip Snapdragon 821, đây cũng được coi là thất bại trước Galaxy S8 của Samsung.

    Xiaomi sẽ lần đầu tiên giới thiệu con chip Pinecone của mình trên hệ máy Mi 5c, dự kiến ra mắt vào cuối tháng này. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu, để Xiaomi có thể tạo ra một dòng chip xử lý riêng cho smartphone và các thiết bị IoT, trở thành một thế lực mới của làng công nghệ thế giới.

    Tham khảo: gizmochina

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày