Nhìn từ đĩa cơm rang trứng, bạn sẽ hiểu vì sao tôi sẵn sàng chịu "thiệt" khi bỏ tiền mua hàng ủng hộ startup Việt Nam

    Lê Hoàng,  

    Tôi xin phép đặt mình vào vị trí của một startup bán... cơm rang trứng để trả lời câu hỏi: Vì sao tôi sẵn sàng gạt đi cả những lời chê hợp lý nhất và sẵn sàng bỏ ra 600.000 đồng, 800.000 đồng mua những sản phẩm Việt mà nhiều người cho là có giá trị thực chỉ vào khoảng 500.000 đồng?

    Tính từ năm 2013 cho tới nay, tôi đã vài lần được chứng kiến các công ty Việt tung ra nhiều sản phẩm có tỷ lệ Việt hóa cao với tham vọng chinh phục cộng đồng người dùng trong nước. Điện thoại, tai nghe, keycap, giày, loa... là một vài trong số này.

    Mỗi lần chứng kiến một sản phẩm "đình đám" như vậy ra đời, tôi cũng thường theo dõi phản ứng của người Việt với chính các sản phẩm "Made in Vietnam" hoặc "Assembled in Vietnam". Kịch bản theo tôi là đáng buồn thường sẽ lặp lại: chúng ta sẽ dành những cái nhìn rất khắc nghiệt dành cho sản phẩm Việt, chê nhiều hơn khen. Đáng buồn hơn nữa, phần lớn những lời chê thường mang tính chất "dìm hàng" thay vì mang tinh thần đóng góp, xây dựng.

    Còn những lời chê nghe có vẻ hợp lý, chí tình nhất lại thường xoáy sâu vào giá bán của sản phẩm, theo kiểu "Hàng như vậy chưa biết chất lượng ra sao mà giá lại trên trời như vậy?".

    Cơm rang trứng và những khó khăn không thể tránh khỏi khi tự phát triển sản phẩm

    Hãy đặt ra tình cảnh giả tưởng như thế này: bà hàng xóm ở ngõ 68 đang bán cơm rang trứng rất chạy. Tôi muốn bán cơm rang trứng "chính hiệu ngõ 66" để cạnh tranh.

    Khó khăn đầu tiên: tôi mới bán cơm rang trứng nên không thể bán được nhiều như bà hàng xóm ngõ 68. Bởi vậy nên số lượng trứng tôi có thể mua mỗi ngày chắc chắn sẽ ít hơn bà hàng xóm rất nhiều. Mỗi ngày tôi mua 100 quả. Bà hàng xóm mua 500 quả. Người bán trứng ở chợ chắc chắn sẽ dành cho bà hàng xóm mức giá ưu đãi hơn tôi.

    Khó khăn thứ hai: mới bắt đầu làm cơm rang trứng, ngày đầu tiên tôi hí hửng nấu cơm rồi đem rang ngay lập tức. Tôi không biết rằng cơm nấu xong phải để nguội rồi mới rang thì hạt cơm mới săn chắc. Những bát cơm đầu tiên ra đời trong sự thất vọng của tôi và thực khách.

    2 khó khăn này áp dụng vào chuyện phát triển sản phẩm mới như thế nào?

    Đầu tiên, bạn cho rằng sản phẩm người Việt phát triển cho người Việt thì phải có giá rẻ. Phải rẻ hơn sản phẩm ngoại có cùng mức chất lượng. Nhưng bạn cần phải hiểu rằng kể cả cùng một loại linh kiện, cùng một mức chất lượng, chi phí linh kiện, nhân công và chuỗi cung ứng khi sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ chắc chắn sẽ cao hơn chi phí sản xuất ở quy mô công nghiệp. Đó là điều tất yếu.

    Thứ hai, bất kể là loại sản phẩm gì, khi bắt tay vào phát triển những thế hệ đầu tiên, bạn đều sẽ mắc phải những sai lầm tưởng như đơn giản. Bạn chưa từng đem cơm nóng đi rang, chưa từng rang cơm theo kiểu vội vàng phục vụ 10 thực khách đang ngồi chờ thì cũng chưa thể "thấm" được những ngóc ngách của "nghề" rang cơm. Và rang cơm vẫn là chuyện thường thức – cái giày, cái tai nghe, cái amp... đều sẽ có những khúc mắc mà một người tiêu dùng bình thường không thể hình dung ra được.

    2 khó khăn này là cực kỳ khổng lồ. Nếu như bà con trong xóm 66 không chấp nhận những sai lầm của tôi, không chấp nhận mua bát cơm rang kém-hơn-ngõ-68 ở mức giá ngang ngửa (hoặc thậm chí là đắt hơn 5.000 đồng) thì chắc chắn hàng cơm rang của tôi sẽ không thể tồn tại được lâu dài. Bát cơm rang của ngõ 66 sẽ không bao giờ được cải thiện. Sẽ không bao giờ ngõ 66 tạo ra được những bát cơm rang ngon, rẻ như (hoặc hơn) ngõ 68.

    Bát phở, bát cơm nơi xa xứ

    Tôi làm phần mềm, học ở nước ngoài và cũng từng bôn ba đi nhiều nước kiếm sống. Tôi xin kể hai câu chuyện nữa, để bạn đọc hiểu vì sao tôi có tình cảm đặc biệt với những sản phẩm Việt.

    Chuyện thứ nhất, tôi từng qua những cái Tết ở nước ngoài, không một chút không khí Tết, không một chút háo hức nào cả. Ngày gần Tết đi ăn bát phở, không phải vì thèm. Thực sự mà nói, với một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như tôi, bát phở ở nước ngoài ăn dở ẹc. Ăn bát phở không ngon bằng ở nhà, tôi đơn giản chỉ nghĩ mình đang đóng góp một phần kinh tế cho người Việt xa xứ những ngày giáp Tết, cũng như cùng một lý do vì sao không đạp xe ra Aldi mà lại hay lui đến tiệm tạp hóa nhỏ của người đồng hương.

    Thêm nữa, mỗi lần trò chuyện với những người công nhân Việt gặp ở nước ngoài là một lần tôi thay đổi một chút cách nhìn về cuộc sống. Ở Châu Âu, có người nói với tôi: "Người Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan đoàn kết lắm. Người mình mà không đoàn kết thì không thể cạnh tranh, không thể tồn tại được".

    Rồi tôi giật mình nhớ ra Trung Quốc và Ấn Độ, ngoài nguồn lao động dồi dào, họ cũng đã trở thành những thế lực thực sự về công nghệ.

    Câu chuyện thứ hai, có lẽ gần gũi hơn: tôi đã từng ăn cơm rang (hoặc cơm rán trứng) qua ngày để tiết kiệm tiền mua đồ sale ở Mỹ. Nếu các bạn bỏ ra 1 triệu mua được một đôi Nike hoặc Addidas sale ở Việt Nam, Đài Loan hay Singapore đã là rẻ, thì tôi xin khẳng định rằng bạn nghĩ sai hoàn toàn. Và nếu coi mức giá sale mà tôi mua được ở Mỹ là giá bán "huề vốn" của các thương hiệu nước ngoài, thì tôi khẳng định với bạn rằng khoản lãi mà họ thu được trên mức giá bán hàng tới người Việt tại Việt Nam, sale hay không sale, là không hề ít.

    Tôi đơn giản chỉ nghĩ như thế này: vẫn là những khoản tiền ấy, đôi khi thay vì làm giàu cho người nước ngoài, mình góp phần làm giàu cho những người Việt dám nghĩ, dám làm? Tại sao không?

    Tất cả những câu chuyện này, tôi chia sẻ không phải với mong muốn rằng bạn sẽ mù quáng theo đuổi tất cả những gì có mác "Made in Vietnam", "Designed in Vietnam" hay "Assembled in Vietnam". Tôi cũng đã từng phải trải nghiệm những chiếc điện thoại lỗi lên lỗi xuống có giá cắt cổ, đã từng mua phải những chiếc tai nghe bóng bẩy giá cả triệu đồng nhưng chất âm thua cả tai nghe "Samsung Bắc Ninh" 90.000 đồng. Tôi cũng không thể cho phép mình có thể thoải mái mua những chiếc tai nghe giá 10 triệu đồng.

    Nhưng ở một khía cạnh khác, một chiếc tai nghe Việt, nếu đánh giá về chất âm chỉ đáng 500.000 đồng, tôi sẵn sàng bỏ ra 600.000 đồng hay 800.000 đồng để sở hữu.

    Tôi đơn giản là muốn dành tặng một cơ hội tới các bạn trẻ mang cùng dòng máu với tôi. Đã có một thời, cả Trung Quốc, cả Ấn Độ, cả Đài Loan, cả Hàn Quốc và thậm chí là cả Nhật Bản đều là những quốc gia có chất lượng sản xuất cực kém. Nhưng họ có cơ hội để sống sót qua những sai lầm kiểu "mang cơm nóng đi rang" để tiếp tục đi lên. Toyota không vươn lên vị trí ố 1 thế giới chỉ trong 1 năm, những chiếc điện thoại hoàn thiện như Galaxy S3 không được phát triển chỉ trong một ngày. Trước S3, Samsung đã vấp ngã với Galaxy, Galaxy S và cả S2 nữa.

    Tôi biết startup Việt sẽ vấp ngã. Tôi vẫn muốn cho họ một cơ hội.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày