Nhìn vào thất bại của Microsoft, Qualcomm và Intel, bạn mới hiểu vì sao thế giới công nghệ nể phục Apple tới vậy
Trên laptop, PC desktop hay bất kỳ một thiết bị hi-tech nào khác, con chip luôn là thành phần trọng yếu nhất. Bất kỳ một vấn đề nào với con chip xử lý trung tâm đều sẽ tạo ra những thiết bị… dở tệ.
Có thể nói rằng, dù là một trong những tên tuổi công nghệ hàng đầu thế giới, Apple vẫn thường bị coi là một thương hiệu thua xa các ông lớn khác về sức mạnh công nghệ thuần túy. Nói đến Apple, điều đầu tiên được phần đông người tiêu dùng nghĩ đến sẽ là những sản phẩm có thiết kế đẹp và có mức giá vô cùng đắt đỏ. Trong các trào lưu công nghệ gây sốt của thập niên mới - AI, Big Data, điện toán đám mây…, Apple rõ ràng thua xa Microsoft, Google hay Amazon.
Những chiếc Mac cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi "tiếng xấu" này. Dù khá phổ biến trong giới công nghệ (đến mức được chính Google đặc biệt tin dùng), những chiếc PC gắn mác Táo Cắn Dở vẫn thường bị antifan coi là "xa xỉ phẩm" thua kém PC Windows. Khi Apple tuyên bố từ bỏ Intel để chuyển sang dùng chip tự thiết kế, nhiều người cũng đã ngay lập tức lớn tiếng coi bước đi này là sai lầm… Xét cho cùng, Apple không phải là kẻ đầu tiên nỗ lực đưa ARM lên PC.
Nơi Microsoft và Qualcomm thất bại
Microsoft đã không ít lần nỗ lực đưa Windows lên ARM...
Năm 2012, cùng với Windows 8, Microsoft trở thành kẻ đầu tiên cố gắng đưa những con chip smartphone trở thành "trái tim" của máy tính. Sau 3 năm, nỗ lực này thất bại thảm hại khi phiên bản Windows cho ARM hoàn toàn không tương thích với các ứng dụng Windows truyền thống. Khoản lỗ mà Microsoft phải ghi lận lên tới gần 1 tỷ USD.
Nhưng sức hút của ARM là quá lớn… Qua nửa thập kỷ, Microsoft lại một lần nữa đưa Windows trở lại với Snapdragon, lần này là qua một phiên bản Windows chạy giả lập x86 trên nền ARM. Những chiếc laptop đầu tiên sử dụng Snapdragon 8cx ra mắt vào năm 2018, và đến 2019 đích thân Microsoft nhảy vào cuộc chơi khi công bố Surface Pro X. Trên chiếc laptop nghìn đô, Microsoft đã đích thân cùng Qualcomm chế tạo con chip SQ1 để mở ra chương mới cho Surface.
Kết quả đến nay vẫn là một thất bại thảm hại. Ngay cả khi Microsoft đã ra mắt thế hệ chip mới ở mức giá lên tới 1500 USD, Surface Pro X vẫn là một cỗ máy chậm chạm hơn đáng kể so với chính những chiếc Surface Pro 7 có giá chỉ bằng một nửa. Trong video đánh giá, kênh YouTube Linus Tech Tips khẳng định: "Mặc dù Chrome có thể chạy ổn phần lớn thời gian, việc web treo, giật và tải giữa chừng không phải là hiếm. Dù bạn có thể cài đặt các ứng dụng chuyên nghiệp như Photoshop, việc chạy các ứng dụng này thực sự là một trải nghiệm khiến bạn điên đầu".
Kết quả đến giờ vẫn là những chiếc Surface, đắt, chậm và tương thích kém.
Tệ hại nhất là vấn đề tương thích. Ngay cả khi Surface Pro X đã bước sang thế hệ thứ 2 với con chip SQ2 mới nhất, Microsoft vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề tương thích. Bài đánh giá của Windows Central cho biết: "Nếu bạn cần chơi game trên PC, muốn chạy các ứng dụng CAD, muốn dùng các tác vụ như edit video hay tạo nội dung đa phương tiện, Pro X sẽ gây ra vấn đề". Tương tự, tạp chí IT Pro cho biết Chrome hay Photoshop sẽ gặp tình trạng crash bất chợt, và "có nhiều ứng dụng không được xuất bản dưới dạng ARM hay Windows 32-bit, và do đó sẽ không hề tương thích với Pro X".
Cuộc chiến không cân sức
Bởi thế, khi Apple tuyên bố từ bỏ x86 để chuyển sang ARM, thứ đầu tiên nhà Táo nhận được là sự hoài nghi. Nhắc đến Apple vẫn là nhắc đến "đẹp, độc, đắt" trước tiên, hiếm ai lại nghĩ Apple có thể vượt mặt Microsoft trong lĩnh vực công nghệ thuần túy.
Sự vượt trội của M1 so với chip Intel là không phải bàn cãi.
Ấy thế mà những gì mang lại đã phải khiến cho tất cả mọi người ngỡ ngàng. Khi đối đầu cùng "đàn anh" chạy chip Intel, những chiếc Mac mới cho thời gian build (dựng) ứng dụng chỉ bằng một nửa. Trong các thử nghiệm benchmark được Tom's Guide, Extreme Tech hay Notebookcheck công bố, chiếc MacBook Air M1 giá 800 USD dễ dàng đánh bại những chiếc laptop Windows có giá gấp đôi như Dell XPS 13 hay Lenovo ThinkPad X13.
Dĩ nhiên, benchmark không phải là đại diện hoàn hảo cho hiệu năng thực tế - bên cạnh sức mạnh chip, khả năng tối ưu của chính các nhà phát triển ứng dụng sẽ quyết định đến hiệu năng thực tế trong trải nghiệm người dùng. Nhưng với vấn đề tối ưu, chính Microsoft đã là một trong những tên tuổi đầu tiên lên tiếng hứa sẽ tối ưu ứng dụng (Office) cho Apple Silicon từ tháng 6, tức là từ khi tên gọi "M1" còn chưa được công bố.
Ngay cả khi chạy giả lập ứng dụng benchmark, Apple Silicon M1 đôi khi vẫn cho ra kết quả đánh bại chip Intel/AMD chạy trực tiếp. Rõ ràng, sự chênh lệch giữa 2 nền tảng là quá lớn.
MacBook Air M1 chạy Windows 10 ARM giả lập còn tốt hơn Surface Pro X chạy trực tiếp...
Và nếu tất cả những điều này chưa thuyết phục bạn rằng Apple đã khiến cho Microsoft, Qualcomm và Intel phải thừa nhận thất bại ê chề: Windows 10 ARM khi chạy giả lập trên chiếc MacBook Air M1 giá 800 USD vẫn nhanh gấp đôi chiếc Surface Pro X giá 1500 USD…
Kẻ tiên phong công nghệ
Cần chỉ ra rằng Mac chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu của Apple. Khoản tiền được Mac mang về mỗi quý thường không chênh lệch nhiều với iPad hay phụ kiện (Apple Watch, AirPods…) và luôn thua xa iPhone. Nhưng Mac là những cỗ máy được sử dụng để phát triển ứng dụng cho iPhone, iPad, Apple Watch, Apple TV và tất cả các thiết bị khác của người dùng. Máy Mac là những cỗ máy mạnh mẽ nhất được mang mác Táo Cắn Dở. Ngay cả khi không phải là nguồn thu lớn nhất, Mac vẫn là biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của Apple.
Và biểu tượng công nghệ ấy không chỉ là của riêng Táo: các kỹ sư Google cũng dùng MacBook, các công ty công nghệ lớn như IBM hay SAP cũng trang bị Mac cho nhân viên… Sự vượt trội của M1 sẽ càng khiến cho vai trò "PC dành riêng cho Pro" của Mac càng được củng cố trong cuộc đấu với PC Windows.
Máy Mac là lựa chọn phổ biến của các kỹ sư/nhà phát triển - những kẻ có vai trò quan trọng nhất đối với tương lai công nghệ.
Chưa hết, trong những năm vừa qua, tỷ lệ HPC ("siêu máy tính") hay tỷ lệ máy chủ đám mây sử dụng ARM cũng đang tăng đột biến, đặc biệt là trong các lĩnh vực ứng dụng AI và Big Data. Mới gần đây, NVIDIA cũng đã trực tiếp mua lại ARM với tham vọng không hề che giấu: gia tăng hơn nữa vị thế của ARM trong hệ sinh thái điện toán trên toàn cầu.
Muốn ARM phát triển trên đám mây, các nhà phát triển sẽ cần có những chiếc PC ARM chất lượng. Ngay lúc này đây, chẳng có ai khác ngoài Apple là tạo ra được những chiếc PC ấy. Như thế, trong một lần hiếm hoi, Apple đã khiến cả thế giới công nghệ phải thực sự "tâm phục khẩu phục".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI