Nhóm Lucky 56: Những người dành cả tuổi thanh xuân cho Xiaomi và giờ sắp thành triệu phú đô la

    Nguyễn Hải,  

    Trong số 56 nhân viên đầu tiên của Xiaomi, có người từng dùng toàn bộ tiền hồi môn để đầu tư cho công ty, giờ đây họ có thể thu lại số tiền gấp 200 lần như vậy sau đợt IPO của Xiaomi.

    Tám năm trước, trước khi hãng Xiaomi Corp bán được chiếc smartphone đầu tiên của mình, 56 nhân viên đầu tiên đã cùng nhau góp 11 triệu USD để đầu tư cho startup này. Những công thần đầu tiên đó đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm và mượn thêm từ cha mẹ cho khoản đầu tư này. Một nhân viên lễ tân còn dùng cả tiền hồi môn của mình.

    Ngày nay, họ trở thành nhóm Lucky 56. Xiaomi là một trong số các nhà sản xuất smartphone thành công nhất thế giới và họ đang chuẩn bị cho một đợt IPO bom tấn trên thị trường. Số cổ phần của họ trong công ty có thể có giá trị từ 1 tỷ USD đến 3 tỷ USD, phụ thuộc vào mức giá cổ phiếu khi chào bán. Điều đó sẽ mang lại cho mỗi người số tiền trung bình là 36 triệu USD.

    Những người đã đặt cược cả cuộc đời vào canh bạc Xiaomi

    Mọi việc bắt đầu từ quyết định ngẫu nhiên của những nhân viên như Li Weixing, một cựu kỹ sư của Microsoft Corp, người là nhân viên thứ 12 của Xiaomi. Đó là năm 2010, các nhân viên đã phải làm việc đến 7 ngày một tuần trong một văn phòng đơn sơ tại Bắc Kinh, để công ty điện thoại di động vô danh của họ khởi chạy và hoạt động được. Đó cũng là lúc tin đồn về việc Lei Jun và các nhà đồng sáng lập của mình đang dùng tiền riêng của mình để đặt cho một vòng gọi vốn đầu tư xuất hiện, Li và những người khác muốn tham gia cùng họ.

    Li, người đã giúp tạo ra hệ điều hành di động của Xiaomi, lúc đó có trong tay khoảng 500.000 Nhân dân tệ (khoảng 79.000 USD) tiền tiết kiệm. “Nó không đủ để mua một ngôi nhà, vì vậy anh ấy hỏi thay vào đó, anh ấy có thể đầu tư vào Xiaomi được không.” CEO Lei cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Ba tại trụ sở ở Bắc Kinh. “Chúng tôi nói, chúng tôi không thể chỉ để Weixing đầu tư vào, vì vậy chúng tôi cho mọi người cùng vào.”

    Một số nhân viên buổi đầu của Xiaomi vốn đã giàu có, bao gồm cả Lei, người đã tạo nên khối tài sản riêng cho mình nhờ hãng phát triển phần mềm hàng đầu Kingsoft Corp và đầu tư vào các startup Trung Quốc. Nhưng không như Lei, nhiều nhân viên khác vào lúc đó đã phải cóp nhặt từng đồng để tham gia vào công ty.

    Ông Li và nhiều người khác thích đầu tư vào một công ty mà mình biết chắc hơn là đánh cược vào sự phập phù của thị trường chứng khoán. Hiện tại ông Li sẽ có từ 10 triệu USD đến 20 triệu USD, tùy thuộc vào giá trị IPO của Xiaomi.

    Trong số các nhân viên sắp đổi đời đó, còn có nhân viên thứ 14, người lễ tân giờ đang làm cho phòng nhân sự của Xiaomi, người đã từng đóng góp toàn bộ tiền hồi môn của cô, khoảng 100.000 đến 200.000 Nhân dân tệ (từ 16.000 đến 31.000 USD), cho công ty. Số cổ phần đó giờ có thể có giá trị từ 1 triệu đến 8 triệu USD. Xiaomi từ chối tiết lộ danh tinh của cô và các công thần đầu tiên đó.

    Sau khi sự chú ý của mọi người tăng vọt, Lei quyết định hạn chế khoản đầu tư ban đầu đó chỉ ở mức 300.000 nhân dân tệ mỗi người để giới hạn rủi ro và ngăn chặn việc nhân viên vay tiền để đầu tư. “Sự quan tâm của mọi người thật ngoài sức tưởng tượng, nhưng chúng tôi phải đặt ra giới hạn bởi vì chúng tôi lo ngại rằng, nếu ai đó đặt vào quá nhiều tiền, họ sẽ lâm vào cảnh khó khăn nếu công ty thất bại.” Đồng sáng lập Li Wangquiang cho biết trong cuộc phỏng vấn vào tháng Ba.

    Đã đến lúc hái quả ngọt: thu về gấp 200 lần so với vốn đầu tư ban đầu

    Theo các tính toán dựa trên bản cáo bạch của Xiaomi, nhóm các công thần này có thể kiếm được tới 3 tỷ USD nếu giá trị Xiaomi tăng thêm 15% so với mức định giá 100 tỷ USD khi niêm yết công khai ở Hong Kong vào cuối năm nay. Một con số thận trọng hơn dự tính rằng, việc IPO sẽ mang lại cho 56 nhân viên này 1,4 tỷ USD nếu giá trị Xiaomi gia tăng 25% so với mức định giá 50 tỷ USD.

    So với khoản đầu tư ban đầu, các nhân viên này đã kiếm được số tiền gấp gần 200 lần. Một số lượng lớn các nhân viên của Xiaomi cũng sẽ trở nên giàu có thông qua các quyền chọn mua cổ phiếu, vốn không đòi hỏi đầu tư từ đầu.

     Nhà sáng lập Xiaomi, Lei Jun.

    Nhà sáng lập Xiaomi, Lei Jun.

    Lei và các nhà đồng sáng lập của mình đã đặt vào lượng tiền lớn nhất trong vòng đầu tư đó và nhận được phần chia lớn hơn trung bình. Theo tính toán của Bloomberg, năm người trong số đó đã trở thành các tỷ phú mới nổi, và cổ phần của Lei, được tích lũy qua nhiều vòng gọi vốn, có thể trị giá tới 27 tỷ USD.

    Các quỹ đầu tư hàng đầu, từ Qiming Venture Partners cho đến Morningside Group cũng được kỳ vọng sẽ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ khi Xiaomi niêm yết công khai trong năm nay. Đây được xem như lần IPO lớn nhất từ sau thương vụ của Alibaba Group Holding Ltd vào năm 2014 cho đến nay.

    Khi thành lập vào năm 2010, dự án này chẳng có gì rõ ràng cả. Theo Hans Tung, một trong những nhà tài trợ sớm nhất, lúc đó Xiaomi chỉ là một ý tưởng trong đầu của Lei Jun. Lei đã là một người nổi tiếng về công nghệ tại Trung Quốc với tài khoản Weibo có hơn 1 triệu người follow, nhưng lúc đó rõ ràng là anh không thể cạnh tranh với Apple Inc. hay Samsung Electronics Co. và Huawei Technologies. Vậy mà khi đó, anh đã tổ chức các cuộc họp với đầy thuốc và rượu trong các khách sạn ở Bắc Kinh để lôi kéo bạn mình đến và dùng thử điện thoại và phụ kiện đựng trong túi.

    Sau đó, Lei đã lôi kéo được 7 nhà đồng sáng lập khác nghỉ việc tại các công ty lẫy lừng như Microsoft và Alphabet chỉ trong một vài tháng. Các công ty như Qiming, nơi Tung từng làm việc, và Morningside quyết định đặt cược vào anh. Họ dẫn đầu vòng gọi vốn vào cuối 2010 và đầu 2011 khi định giá công ty ở mức 250 triệu USD. Đó cũng là khi các nhân viên nhóm Lucky 56 đặt 11 triệu USD của họ vào công ty. Giờ đây Xiaomi đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới và có giá trị gấp 200 lần số tiền đó.

    Lei Jun là nhà sáng lập. Anh ấy có đủ khả năng trả số vốn đó. Nhưng tại sao anh ấy lại chia sẻ nó với mọi người?” Đồng sáng lập Morningside, ông Richard Liu nói. “Bởi vì anh ấy có tầm nhìn và anh ấy có thể gây dựng niềm tin mạnh mẽ, còn mọi người sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn.”

    Thung lũng Silicon được biết tới với các triệu phí bí mật của mình, những người tham gia từ đầu vào các công ty như Facebook.com. Ví dụ nổi tiếng nhất là Bonnies Brown, chuyên gia trị liệu đã trở thành triệu phú sau 5 năm làm việc tại Google, nhờ quyền chọn mua cổ phiếu của công ty.

    Ở Trung Quốc những người giàu có như vậy vẫn còn hiếm hoi. “Những nhân viên này đã có đủ rủi ro khi làm việc cho một startup nhỏ nhoi, không chắc chắn và họ đã cho thấy nhiệt huyết lớn lao của mình.” Tung cho biết. “Hóa ra là họ đã đúng.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ