Nhóm mua: Có dàn xếp nổi không?

    CRA Moody,  

    Khả năng dàn xếp được giữa ông Tom Trần và các nhà đầu tư là rất thấp.

    Tuần qua, cộng đồng ICT Việt dậy sóng với câu chuyện của Nhóm mua và việc toàn bộ các dịch vụ của MJ Group bị shutdown. Theo những thông tin mới nhất, cuộc "đảo chính" diễn ra vào lúc ông Tom Trần - Founder, CEO của Nhóm mua cùng gia định đang đi du lịch Mỹ. Sự việc có vẻ đang dịu lại khi mà page được coi là blog cá nhân của ông Tom Trần đã shutdown. Sự việc này đã gây hoảng loạn cho các khách hàng, nhà cung cấp của Nhóm mua.
     
    Việc cả hai phía, Ban Giám Đốc cùng những nhà đồng sáng lập thỏa thuận hợp tác chắc chắn là điều mà khách hàng của nhóm mua cũng như giới ICT Việt Nam hi vọng nhất. Tuy nhiên, việc thỏa thuận dàn xếp là cực kỳ khó khăn.
     
    Ông Tom Trần chưa về Việt Nam
     
    Cho đến thời điểm này, cho dù đã hứa có một buổi gặp gỡ với truyền thông nhưng ông Tom Trần chưa công bố liệu đó sẽ là thời điểm nào. Tính đến thời điểm này, chưa có một nguồn tin nào khẳng định ông đã về Việt Nam. Thậm chí, một số nguồn tin nhỏ lẻ còn cho rằng Tom Trần còn đang vướng một số rắc rối nên chưa thể về Việt Nam. Một khi cựu CEO chưa thể về cuộc khủng hoảng Nhóm mua chắc chắn chưa thể chấm dứt.
     
    Nhóm mua: Có dàn xếp nổi không? 1
     
    Bát nước hắt đi
     
    Mới ngày nào, đại diện các nhà đầu tư và founder Nhóm mua còn tay bắt mặt mừng trong buổi lễ ký hợp tác thỏa thuận về việc nhóm các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư (xin nhắc rõ là cam kết đầu tư) 60 triệu USD vào MJ Group. Quan hệ nồng thắm khi đó cộng thêm với tương lai thị trường sáng sủa khiến nhiều người tin chắc đây là một thương vụ sẽ nâng tầm MJ Group nói riêng và thị trường TMĐT Việt Nam nói chung.
     
    Nâng tầm thì rõ, Nhóm mua nhờ sức mạnh của dòng vốn (có lẽ đã nhận khoảng hơn 20 triệu USD) và phát triển trở thành doanh nghiệp chiếm tới 60% thị phần mua hàng theo nhóm tại Việt Nam. Nhưng mặt trái của nó là một sự xuất hiện sự bất đồng, thảm họa sẽ xảy ra và vụ ngày 13/11 chỉ đơn giản là việc kích nổ một quả bom tiềm tàng từ lâu.
     
    Nhóm mua: Có dàn xếp nổi không? 2
     
    Quả bom này có lẽ đến từ sự sốt ruột của các nhà đầu tư khi họ chưa thấy hiệu quả rõ ràng từ núi tiền của mình. Nhóm mua giành thị phần lớn nhưng vẫn chưa ra tiền đồng thời tương lai ảm đạm của thị trường mua theo nhóm cũng khiến cho các nhà đầu tư nóng lòng. Các nhà đầu tư thậm chí buộc tội CEO Tom Trần và BLĐ cũ lãnh đạo công ty theo phong cách công ty gia đình và gian lận tài chính.
     
    Ai đúng
     
    Tóm tắt tình hình của Nhóm mua thế này:

    - Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 72,72% cổ phần
    - Tom Trần sở hữu 27,27% cổ phần
    - Hai chức vụ quan trọng nhất: Chủ tịch HĐTV (Board of Director - nhóm những ông chủ sở hữu công ty) và CEO đứng đầu ban giám đốc (Board of Management - nhóm những người điều hành công ty) đều thuộc về Tom Trần.
    - Con dấu của công ty có lẽ do bà Becky Lam nắm giữ.

    Diễn biến của vụ việc các bạn có thể xem thêm tại đây.
     
    Như vậy, xét về mặt lý mà nói, nhóm cổ đông nước ngoài hoàn toàn đủ quyền lực chi phối hoàn toàn hoạt động của cả công ty. Việc bãi nhiệm CEO và chủ tịch HĐTV về cơ bản là họ đủ quyền thực hiện (do chiếm quá đa số tuyệt đối 2/3). Việc bãi nhiệm này hoàn toàn có quyền thực hiện theo đúng quy trình do có dấu hiệu ông Tom Trần gây tổn hại cho công ty mà cụ thể là hợp đồng vay vốn lãi suất 13%/tháng. Việc các nhân viên "trung thành" của ông Tom Trần chống lại đại diện của các nhà đầu tư là sai luật.
     
    Sẽ không có thỏa hiệp
     
    Một thỏa hiệp ông Tom Trần mong đạt được có lẽ liên quan đến vấn đề chia sẻ quyền lực trong BLĐ tuy nhiên, có những thứ đã mất đi khiến cho điều này là không thể:
     
    1/ Niềm tin: Trong vai trò CEO, ông Tom Trần đủ khả năng thực hiện những giao dịch bất lợi cho công ty, đặc biệt những giao dịch chuyển tiền. Vì vậy, khi mà quan hệ rạn nứt, niềm tin không còn, khả năng nhóm các cổ đông nước ngoài giao quyền lực cho ông Tom là điều rất khó xảy ra.
     
    2/ Ổn định cơ cấu: Nắm tới 27% cổ phần cho nên vai trò của ông Tom nếu ông ở lại sẽ là rất lớn. Chưa kể mạng lưới do ông xây dựng cũng có ảnh hưởng lớn tới nhóm mua. Vì vậy, giữ ông Tom lại trong thời điểm này sẽ là điều mà các nhà đầu tư không thể chấp nhận.

    Vì vậy, thỏa hiệp sẽ rất khó thành công, trừ khi ông Tom Trần chấp nhận một vị trí mang tính tượng trưng trong BLĐ mới. Và việc các nhà đầu tư muốn kiểm soát toàn bộ Nhóm mua không phải là vô lý.
     
    Vậy, tương lai nào cho Nhóm mua? Chúng ta hãy chờ câu trả lời trong vài ngày tới.
    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày