Những bức hình ám ảnh về thành phố ma lớn nhất thế giới

    Ngocmiz,  

    Thành phố thời đại Ordos – hay còn gọi là Kangbashi – có sức chứa hơn 1 triệu dân với nhiều công trình kiến trúc hiện đại nhưng chưa khi nào thoát cảnh bỏ hoang.

    “Thành phố tương lai” từng được đầu tư rất nhiều tiền Ordos, Trung Quốc nay đã trở thành thành phố ma lớn nhất thế giới.

    15 năm trước, cơn sốt khai khoáng đã khiến chính quyền địa phương “ném” tiền vào phát triển hạ tầng nơi đây với hy vọng tạo ra một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị mới của Trung Quốc.

    Thành phố thời đại Ordos – hay còn gọi là Kangbashi – có sức chứa hơn 1 triệu dân đã từng rất nổi tiếng với những công trình kiến trúc khổng lồ, các khu dân cư lớn và những sân đấu thể thao hiện đại.

    Tuy nhiên, thuế nhà đất cao cùng thi công kém chất lượng đã khiến cho Ordos không thể trở thành bến đỗ của nhiều người. Hiện nay, thành phố mới chỉ khoảng 100.000 dân cư; hầu hết các khu vực đều bị bỏ hoang một cách lãng phí.

    Theo lời mô tả của nhiếp ảnh gia Raphael Olivier, người đã thực hiện bộ ảnh “Ordos – Giấc mộng tàn” thì “cả thành phố trông giống như một trạm vũ trụ bị bỏ hoang bước ra từ các bộ phim khoa học viễn tưởng”.

    Dưới đây là một trong những bức hình Olivier chụp được, bạn có thể xem chi tiết kích thước gốc tại đây.

    Ordos nằm tại vùng đất hẻo lánh Nội Mông Trung Quốc nhưng lại thuộc khu vực chứa 1/6 trữ lượng than của toàn đại lục nên đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

    Từ khoảng cuối những năm 90 đến đầu những năm 2000, nhiều công ty tư nhân được cấp phép khai thác các mỏ tại đây. Các hoạt động khai khoáng đi kèm với kinh doanh ở đây đã đóng góp một lượng thuế không nhỏ cho Trung Quốc.

    Chính quyền địa phương muốn xây dựng một thành phố hoành tráng từ con số không. Từ năm 2005, họ đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào hạ tầng và bất động sản.

    Thế nhưng từ năm 2010, lượng nhà ở thừa thãi cho một thị trường thậm chí còn chưa tồn tại dẫn đến tình trạng vỡ bong bóng bất động sản. Thuế nhà đất quá cao khiến nhiều hộ gia đình không còn muốn chuyển đến đây.

    Thêm vào đó, Thành phố thời đại Ordos mọc lên tại khu vực chỉ cách khu thành cổ Ordos vốn đã rất thịnh vượng chỉ vài trăm dặm. Nhiều người dân cảm thấy chẳng có lý do gì để rời bỏ nơi họ đang sống sang khu đất mới.

    Cuối cùng thì những đối tượng sống ở đây nhiều nhất lại là quan chức địa phương và các công nhân xây dựng nhập cư - phần lớn thành phố bị bỏ hoang.

    Tính đến năm 2010, 90% nhà ở tại Ordos bị bỏ hoang.

    Ordos nay chỉ còn là cái vỏ không hồn của một thành phố tương lai.

    Chỉ có các du khách và cánh phóng viên là hay đến đây làm tư liệu về các công trình kiến trúc đồ sộ xen lẫn vẻ kỳ quái của Ordos.

    Tượng hai chú ngựa trước Genghis Khan Plaza tại trung tâm thành phố. Ngựa vốn được coi là biểu tượng cho cuộc sống du mục của các cư dân Nội Mông xưa kia.

    Cách đó không xa, bảo tàng nghệ thuật Ordos trông như được một vật thể bay "vừa ngự xuống trái đất", theo cách tả của công ty thiết kế MAD Architects.

    Sân vận động Dongsheng có sức chứa 35.000 người nhưng chưa khi nào được chứng kiến một trận cầu đỉnh cao.

    Đây là một căn biệt thự trong dự án Ordos 100 - sáng kiến cho mời 100 kiến trúc sư thiết kế nên một khu làng toàn các căn biệt thự 1000 m2.

    Sức ép phải hoàn thành các dự án trong thời gian ngắn khiến cho nhiều công trình trở nên xiêu vẹo không lâu sau khi xây dựng. Nhiều tòa nhà trông còn vẻ như chưa hoàn thành.

    Những năm qua, chính quyền sở tại đã nỗ lực thu hút cư dân về đây sinh sống. Những người nông dân ở Nội Mông được chào mời bằng những ưu đãi như phúc lợi cao hay các căn hộ miễn phí.

    Các trung tâm hành chính được chuyển từ khu vực cách đó 20 dặm về Ordos để các công chức phải chuyển về sống tại đây cho gần công sở.

    Các trường trung học có tiếng cũng được điều chuyển về đây. Các khu nhà bỏ hoang lần lượt được chuyển thành ký túc xá cho học sinh.

    Sau những nỗ lực kể trên, số cư dân của Ordos đã tăng thành 100.000 người. Tuy nhiên, vẫn chưa có nguồn nào thống kê chính xác số dân thực sự ở đây. Một số người cho rằng chính quyền đã "chém" ra con số này để che đậy một thảm họa quy hoạch.

    Tính đến nay, Ordos vẫn không hề có dấu hiệu sẽ sớm thoát khỏi kiếp thành phố ma.

    Olivier cho rằng thất bại này phần lớn do quan niệm sai lầm "cứ xây đi rồi dân sẽ đến" của chính quyền địa phương. Đây cũng là vấn nạn lớn của Trung Quốc khi các quan chức chính phủ kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi dân số cả nước vào năm 2020.

    Các thành phố ma như Ordos nảy nở từ những vùng nông thôn với mục đích trở thành bến đỗ cho một lượng lớn dân cư. Thế nhưng dân cư không phải lúc nào cũng tới. Hiện tượng này đang trở thành căn bệnh ung thư của toàn đại lục và là một mối nguy cho nền kinh tế Trung Quốc.

    Tham khảo BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày