Mặc dù ngày tháng chính xác không thể xác định, nhưng vào năm 1979, có ít nhất hai CRPG được ghi nhận là đã được quảng bá cho các máy tính gia đình.
Một trong số đó là trò chơi được tạo bởi Richard Garriot, người sau này được biết đến với biệt danh “Lord British”. Tựa game của Garriot, Akalabeth: World of Doom, được thể hiện với đồ họa lưới với góc nhìn thứ nhất. Trò chơi, dưới nhiều góc độ, đã tiến xa khỏi thời đại của nó.
Akalabeth được phát hành cho máy Apple II vào năm 1979, mặc dù đã có khá nhiều tranh cãi về thời gian phát hành đích thực của trò chơi này. Tựa game thứ hai trong năm đó, là Dunjonquest: Temple of Apshai, được phát triển bởi Automated Simulation Inc (Sau này đổi tên thành Epyx).
Trò chơi được phát triển cho hệ máy TRS-80, sau đó mở rộng ra Commodore PET, và cuối cùng được port sang cả Apple II (1980), Atari home computer (1981) và DOS (1982).
Garriot là một fan hâm mộ cuồng nhiệt của Tolkien và Dungeons & Dragon. Cái tên Akalabeth được lấy từ một trong những tác phẩm của Tolkien, The Silmarillion. Trò chơi được viết bằng ngôn ngữ BASIC, điều này rất đáng kể với nền tảng kỹ thuật lúc đó (và đồng thời cho phép một người chơi sửa hoặc ăn gian nếu họ có khả năng lập trình).
Trò chơi, như được đề cập ở trên, có đồ họa lưới và góc nhìn thứ nhất ở dưới hầm ngục, hoặc chuyển sang góc từ đỉnh đầu nhìn xuống khi người chơi leo lên mặt đất. Thiết kế này có thể tìm thấy ở rất nhiều CRPG được phát triển sau này.
Cốt truyện của Akalabeth rất đơn giản: Lord British – người mang ánh sáng – đã dẹp được tên pháp sư hắc ám Mondain khỏi vương quốc Akalabeth, nhưng những quái vật và tay sai của Modain vẫn còn ẩn nấp trong những hầm ngục bên dưới lòng đất.
Nhiệm vụ của người chơi là đi vào những hầm ngục đó và tiêu diệt chúng, hoặc leo lên mặt đất để mua trang bị hoặc nhận nhiệm vụ mới từ Lord British. British sẽ nâng chỉ số của nhân vật dựa trên những nhiệm vụ người chơi hoàn thành, và một cơ hội để phong tước quý tộc. Các nhiệm vụ sẽ khó khăn dần và yêu cầu người chơi phải đi xa hơn.
Trò chơi có hai lớp nhân vật, pháp sư và chiến binh. Pháp sư không thể dùng kiếm hoặc cung, trong khi chiến binh không thể dùng những món đồ phép thuật. Trong số những món đồ đó, có một bảo bối khá đặc biệt, “the magic amulet”.
Khi trang bị, đôi khi nó biến pháp sư thành một người thằn lằn rất mạnh. Trò chơi khá khó qua, mặc dù người chơi có thể chọn độ khó từ 1 đến 10, và bạn luôn luôn phải cho nhân vật ăn. Nếu nhân vật bị kiệt sức và lương thực dự trữ đã cạn, game over – điều này xảy ra ngay cả với chiến binh mạnh nhất. Để làm cho mọi việc tồi tệ hơn, kẻ trộm xuất hiện nhan nhản trong các hầm ngục và luôn sẵn sàng nẫng đi một trang bị quý giá trên người nhân vật của bạn.
Không giống như Akalabeth có thể dễ dàng được tìm thấy trên mạng Internet cùng với một số phiên bản của Ultima, Dunjonquest: Temple of Apshai gần như không thể tìm thấy ở đâu ngoài các nhóm người dùng khép kín.
Dựa theo một bản hướng dẫn của Apshai được scan lại, vào thời điểm phát hành Apshai năm 1979, nhà phát triển cho rằng người chơi chưa thể làm quen ngay với những yếu tố của dòng game (cái tên RPG còn chưa được xuất hiện lúc đó) và đã dành rất nhiều phần để thuyết phục người chơi thử cho RPG một cơ hội, với kết luận “RPG cho bạn một cơ hội bước khỏi thế giới trần tục để tìm kiếm phép màu và vinh quang”.
Có lẽ tính năng tuyệt nhất trong series Apshai là hệ thống chiến đấu của nó. Theo như bản hướng dẫn, nhà phát triển khẳng định rằng nó được thiết kế dựa trên cảm hứng từ “những nghiên cứu lịch sử, kiến thức về một số bộ môn võ thuật và kinh nghiệm thực tế trong cộng đồng của những người hoài cổ.”
Họ đã sử dụng một chỉ số được gọi là “fatigue” để giới hạn lượng lượt tấn công hay số bước chạy của nhân vật – các hành trang của nhân vật được tính cân nặng và càng mang nặng, chỉ số fatigue càng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Nhân vật của người chơi có thể “hearken”, hay nghe ngóng động tĩnh của quái vật trong một căn phòng, đôi khi, chúng còn có lựa chọn nói chuyện với quái vật trong chiến đấu. Nếu bị đánh bại nhân vật sẽ phải đối mặt với bốn trường hợp: bị ăn thịt bởi một con quái vật đi ngang qua, hay được cứu sống bởi một thầy tu, một người lùn râu rậm hay một pháp sư.
Trong trường hợp người cứu bạn là một pháp sư hay người lùn, một trong số các trang bị của bạn sẽ bị lấy mất. Trò chơi nhanh chóng có được các phiên bản kế tiếp: Datestones of Ryn, Morloc’s Tower, Curse of Ra, ngoài ra còn có Upper reach of Apshai và Gatewway to Apshai.
Ba phiên bản đầu tiên được Epyx kết hợp và phát hành dưới cái tên The Apshai Trilogy vào năm 1983 cho nhiều hệ máy, với bản port tốt nhất cho hệ máy Commondore Amiga năm 1986, với đồ họa và hệ thống điều khiển được nâng cấp.
Mặc dù cả Temple of Apshai và Akalabeth đều không thể coi là chơi tốt theo đánh giá ngày nay, những giá trị lịch sử của chúng là không thẻ coi nhẹ. Mỗi tựa game đều rất thành công theo cách của riêng mình,và quan trọng nhất là tạo ra một rãnh khái niệm mới trong tư duy của người dùng. Mặc dù vậy, RPG vẫn còn rất non nớt và phải chờ đến cuối những năm 80 để được công nhận rộng rãi.