Những chiếc iPad vĩnh biệt: Tấm ảnh nói lên sự xót xa mà người Mỹ đang phải chấp nhận giữa đại dịch
Một hiện thực đáng buồn, khi con người ta chẳng thể gặp nhau ở những giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Trong tuần qua, một tấm ảnh do tài khoản Twitter có tên Roto_tudor đăng tải đã nhận được sự chia sẻ rất dữ dội từ cộng đồng mạng. Tấm ảnh ấy chỉ đơn giản là về một dãy những chiếc iPad xếp cạnh nhau thôi. Vấn đề là, câu chuyện đằng sau nó lại gây đau lòng đến tột độ.
Bởi lẽ, đó là những chiếc iPad dành cho người thân của những bệnh nhân nhiễm Covid-19 sắp lìa đời, để họ có thể nói lên lời giã biệt sau cuối. Một thực tại đau lòng mà các nạn nhân của đại dịch thế giới đang phải gánh chịu tại các bệnh viện của Mỹ.
Với việc rủi ro lây nhiễm virus corona là rất cao, các bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực buộc phải nói lời giã biệt với bạn bè, người thân thông qua những chiếc iPad vô hồn. Những giây phút cuối cùng của họ diễn ra trong cô độc, chẳng được gặp bất kỳ ai cả.
Tấm ảnh đã được chia sẻ tới hơn 24.000 lần, thu hút cả trăm ngàn lượt like từ cộng đồng mạng. Một số người dùng mạng xã hội khác cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự, khi phải trò chuyện cùng người thân nhiễm bệnh thông qua các nền tảng online.
"Hôm 30/11, bạn trai tôi phải giã biệt mẹ anh qua một chiếc iPad. Anh ấy chẳng thể ôm mẹ lần cuối, cũng chẳng thể nắm lấy tay bà," - một người dùng viết.
"Anh ấy ngồi sau lớp kính, tay cầm chiếc iPad và cố gắng nói một lời từ biệt khác với cha anh. Tôi thấy phẫn nộ. Thậm chí chẳng thể buồn nổi, vì cơn tức giận trào dâng."
Một người dùng khác chia sẻ: "Vừa trò chuyện với bà qua một chiếc iPad. Chúng tôi thậm chí còn chẳng được gặp bà, và tôi ghét điều đó."
"Vừa phải làm điều tương tự với mẹ tôi vào ngày Lễ Tạ ơn. Nỗi đau khi mẹ đi thực sự không thể chịu đựng nổi, và đáng ra là không cần thiết."
Theo số liệu gần đây nhất từ New York Times, Mỹ hiện có khoảng 14 triệu ca nhiễm Covid-19, với 276.300 trường hợp tử vong. Việc số ca nhiễm mới đang gia tăng đã khiến nhiều thành phố và tiểu bang phải ban hành chính sách siết chặt nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Trong đó, có cả việc đóng cửa các ngành dịch vụ không thiết yếu, và ban hành lệnh giới nghiêm.
Tiểu bang California đã tiết lộ kế hoạch ban hành lệnh "ở nhà" trên toàn bang, trước tình hình đơn vị chăm sóc tích cực đang dần trở nên quá tải. Hiện tại, tiểu bang ghi nhận 1,2 triệu ca nhiễm, cùng 19.400 người tử vong.
Lệnh "ở nhà" sẽ bao gồm cả yêu cầu hạn chế một số ngành kinh doanh và ngăn tụ tập đông người. Các phòng gym, nhà nguyện, sân chơi đều phải đóng cửa. Nhà hàng cũng vậy, chỉ được hoạt động theo hình thức mua mang về.
"Nếu không hành động ngay, hệ thống y tế của chúng tôi sẽ quá tải," - Thống đốc Gavin Newsom chia sẻ.
Nguồn: Newsweek
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI