Có thể nói sự đa dạng trong sản phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng để các nhà sản xuất tiếp tục bước đi trên nấc thang phát triển. Tuy nhiên, nếu áp dụng không đúng cách, những sản phẩm đó cũng chính là con dao hai lưỡi quay trở lại “tấn công” chính “cha đẻ” của mình.
Dưới đây là 13 smartphone Android được đánh giá là tệ nhất mọi thời đại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. “Của rẻ là của ôi”, và đôi khi trong những trường hợp này, câu thành ngữ “tiền nào của nấy” cũng không còn chính xác nữa.
1. Samsung moment
Là thiết bị của Samsung được ra mắt trong năm 2009, các thông số kĩ thuật của máy nhìn chung không phải quá hoàn hảo nhưng có thể chấp nhận được với một màn hình cảm ứng AMOLED 3,2 inch kết hợp khả năng trượt cho phép sử dụng được bàn phím QWERTY, chạy VXL có tốc độ 800 MHz và RAM 256 MB.
Thực sư mà nói, các thông số kỹ thuật này không đến nỗi tệ vào thời điểm năm 2009, song Moment có một số vấn đề rất lớn. Máy thường xuyên bị đơ đột ngột, có hiện tượng xung đột và rớt cuộc gọi, cũng như các vấn đề về treo dữ liệu mà cả Samsung và nhà mạng Sprint không thể giải quyết nổi.
2. Motorala Backflip
Backflip là smartphone có thiết kế “kì lạ” theo nghĩa xấu. Hãy tưởng tượng Lenovo Yoga trong hình dạng smartphone và bạn sẽ có ngay Motorala Backflip với ngoại hình “mập mạp”, thiết kế gập theo chiều ngang và toàn bộ bàn phím để lộ ra bên ngoài.
Sở hữu một thiết kế khá dày và một bàn phím QWERTY trượt bên dưới, thiết kế của chiếc Motorola Backflip dường như thiếu đi sự tinh tế và lỗi liên quan đến tương tác bàn phím với việc nó còn lắp đặt thêm một touchpad Backtrack ở phía sau màn hình, một điều dường như không cần thiết và gây trở ngại khi người dùng vô tình chạm phải. Backflip có màn hình 3,1 inch 480 x 320 pixels, vi xử lý Qualcomm 528 MHz, RAM 256MB và chạy Android 1.5 Cupcake.
3. HTC Wildfire
Còn nhớ khi vừa xuất hiện tại Việt Nam cách đây hơn 3 năm, HTC Wildfire là smartphone Android mơ ước của nhiều người. Nhưng sau một thời gian, thực tế đã chứng minh Wildfire không xứng với số tiền bỏ ra hơn 4 triệu vào lúc đó.
Người mua sẽ chỉ nhận được một màn hình 3,2 inch với độ phân giải tương đối thấp chỉ 320 x 240 pixel, điều này khiến hình ảnh và thông tin hiển thị trên máy không còn gì xấu hơn và còn có thể khiến mắt của người dùng bị mờ đi. Các thông số kỹ thuật khác của HTC Wildfire cũng vô cùng nghèo nàn như bộ vi xử lý ARMv6 528 MHz và RAM 384 MB.
4. Asus Garminfone
Hầu hết smartphone Android tại thời điểm thiết bị này ra mắt đều có chức năng định vị GPS nên thêm một chiếc Garminfone với điểm nhấn chủ yếu vào chức năng này không làm cho người dùng thực sự chú ý. Điều này đã được chứng minh bằng doanh số bán hàng ế ẩm của Garminfone.
Máy có giao diện cực khủng khiếp, Garminfone cũng có thiết kế xấu, thời lượng pin kém và hàng chục đặc điểm kỹ thuật yếu kém khác. Thiết bị này sở hữu màn hình cảm ứng 3,5 inch TFT có độ phân giải 480 x 320 pixel, camera 3,2 Mpx, RAM 256 MB, bộ nhớ dung lượng 4 GB.
5. Motorola Citrus
Thuộc dòng smartphone giá rẻ của Motorola, chiếc điện thoại Citrus này cũng có những nhược điểm khá giống với người anh em trước đó là Motorola Backflip với thiết kế touchpad Backtrack ở phía sau sẽ khiến rất nhiều người bất tiện khi vô tình chạm phải.
Citrus có màn hình 3 inch độ phân giải 320 x 240pixel, ngoài ra, sản phẩm này được trang bị vi xử lý ARM 11 528 MHz cho tốc độ khá chậm và RAM 256 MB, camera 3 MP.
6. HTC Chacha
Hãy gặp một trong những đại diện Facebook-phone “không chính thức” đầu tiên. Chacha cho đôi mắt ta cảm giác của một chiếc BlackBerry giá rẻ nhưng không thể cho đôi tay cùng một cảm giác như vậy với thao tác trên bàn phím QWERTY bị thu nhỏ nhường chỗ cho phím Facebook.
HTC ChaCha được trang bị màn hình cảm ứng điện dụng TFT 2,6 inch cho độ phân giải 480 x 320 pixel. Bên cạnh đó, máy còn có bộ VXL có tốc độ 800 MHz, RAM 512 MB cùng một camera 5 Mpx phía sau và camera chuẩn VGA phía trước. Với một màn hình nhỏ, cấu hình không có gì nổi bật cùng một cái tên khá…ngớ ngẩn, HTC ChaCha là chỉ thiết bị giá rẻ dành cho các tín đồ Facebook.
7. LG Optimus V
Mặc dù nhận được những đánh giá không tồi từ giới công nghệ, nhưng Optimus V vấp phải nhiều phàn nàn từ phía người dùng về chất lượng cuộc gọi, lỗi, và tuổi thọ pin. Ngoài ra, những nhược điểm khác của máy là việc chạy nền tảng Android khá cũ, phiên bản Android 2.2 Froyo, không có camera trước cùng đèn flash LED phía sau.
LG Optimus V được trang bị màn hình cảm ứng 3,2 inch có độ phân giải 480 x 320 pixel, vi xử lý VXL Snapdragon 600 MHz và một camera phía sau 3,2 Mp kèm hỗ trợ mạng 2G/3G cùng các kết nối Wi-Fi, Bluetooth khác.
8. Kyocera Echo
Có vẻ smartphone đến từ Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội thắng giải smartphone Android tệ hại nhất, nó liên tục xuất hiện trong nhiều bảng xếp hạng “dở” của giới công nghệ. Trái ngược với mong muốn “nhân đôi niềm vui” với màn hình kép, thực tế lại trở nên kinh khủng và khiến người dùng bực mình.
Khả năng đa nhiệm và các ứng dụng tùy chỉnh hoàn toàn bị lu mờ bởi phần cứng đơn giản không thể theo kịp tác vụ. Kyocera Echo sử dụng VXL Snapdragon của Qualcomm có tốc độ 1 GHz, RAM 512 MB, camera chính độ phân giải 5 Mpx và chạy HĐH Android 2.2 Froyo.
9. Samsung Dart
Một chiếc smartphone với màn hình nhựa 3 inch cho độ phân giải 320x240 pixel ra mắt vào thời điểm mùa hè năm 2011 là điều không thể chấp nhận được, dù đó là sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ. Ngoài ra, giao diện TouchWiz khiến mọi trải nghiệm người dùng trở nên chậm chạp vô cùng.
Thiết bị được tích hợp VXL có tốc độ 600 MHz cùng một khe cắm thẻ nhớ microSD, camera 3,2 Mpx, không có camera phụ, nguồn pin thấp 1,200 mAh cho thời gian đàm thoại chỉ có 4 giờ và chạy nền tảng Android 2.2 Froyo đời cũ.
10. Samsung Droid Charge
Bên cạnh các ưu điểm với màn hình cảm ứng 4,3 icnh Super AMOLED Plus, camera 8 Mpx, chiếc Samsung Droid Charge lại có những khiếm khuyết không đáng có cho một thiết bị tầm trung của Samsung. Độ phân giải màn hình chỉ đạt 800 x 480 pixel, chạy VXL đơn lõi tốc độ 1 GHz và dung lượng pin là 1,600 mAh, một con số khá thấp so với yêu cầu sử dụng của máy.
Bên cạnh đó, với việc sử dụng VXL đơn lõi 1 GHz và chạy nền tảng Adnroid 2.2 Froyo cũ kĩ khiến máy khá chậm chạp và nhiều lỗi. Cuối cùng điều khiến máy trở nên "tồi tệ" nhất đó là việc có quá nhiều nhược điểm như vậy mà vẫn được bán với mức giá khá cao là 260 USD tức 5,4 triệu đồng.
11. HTC Evo 3D
Không thể phủ nhận HTC EVO 3D có công nghệ 3D mới lạ, nhưng phần còn lại của thiết bị này lại không gây được ấn tượng. Việc trang bị tới 2 máy ảnh khiến cho EVO 3D thành một trong những chiếc smartphone lớn nhất, dầy nhất, nặng nhất hiện nay. HTC đã cố gắng tìm kiếm một điểm mạnh song họ lại có lỗi vì ra mắt một sản phẩm xấu với thời lượng pin kém cỏi.
HTC Evo 3D có màn hình cảm ứng LCD 3D rộng 4,3 inch cho độ phân giải 960 x 540 pixel, chạy VXL lõi kép xung nhịp 1,2 GHz của Qualcomm, RAM 1 GB và khe cắm thẻ nhớ có thể mở rộng tối đa 32 GB.
12. LG Optimus 3D
Một sản phẩm thất bại khác khi chạy theo trào lưu 3D là Optimus 3D của LG. Cũng giống như mẫu điện thoại 3D của HTC, Optimus 3D có thiết kế lùn và mập, giao diện người dùng xấu và sử dụng phiên bản Android cũ, cũng như thời lượng pin kém và nhiều lỗi.
Optimus 3D được trang bị màn hình LCD 4,3 inch cho độ phân giải 800 x 480 pixel. Ngoài ra, thiết bị cũng có một bộ vi xử lý VXL lõi kép ARM Cortex A9 có tốc độ 1 GHz, RAM 512 MB, bộ nhớ trong 8 GB với khả năng mở rộng lên đến 32 GB thông qua khe cắm thẻ nhớ microSD.
13. Samsung Double Time
Nổi bật lên với một thiết kế màn hình ghép nối bàn phím QWERTY, tuy nhiên thực tế thì Samsung Double Time lại là một ý tưởng thiết kế rất tồi. Chiếc smartphone này được trang bị màn hình ngoài 3,2 inch cho độ phân giải 480×320 pixel và có một màn hình nữa ở bên trong, nằm dọc theo bàn phím xấu xí và các phím bôi hồng. Điểm trừ là hai màn hình này không hợp lại thành một được.
Ngoài ra, DoubleTime thực sự chậm với vi xử lý Scorpion 800 MHz, RAM 256MB và camera 3,15 MP.
Tham khảo: Androidauthority.com