Dù bị mang tiếng là loài vật không mấy lanh lợi và thông minh, nhưng lợn vẫn được sử dụng trên chiến trường để chống lại kẻ thù lớn hơn chúng nhiều lần.
Trong lịch sử quân sự thế giới, có không ít động vật đã được con người sử dụng trên chiến trường và đóng góp không hề nhỏ trong các cuộc chiến thắng vĩ đại. Lợn là một trong những loài vật điển hình trong số này.
Lợn được con người sử dụng trong chiến tranh cổ đại. Ảnh: History.
1. Lợn chiến
Lợn được sử dụng khá phổ biến trên chiến trường trong thời kỳ chiến tranh cổ đại. Khi xung trận, những con voi đều có chung một điểm yếu là sợ hãi những tiếng động lạ. Nắm bắt được điểm yếu này, người ta đã nghĩ ra loại vũ khí chống voi hoàn hảo: sử dụng lợn chiến. Tiếng thét chói tai của lợn sẽ khiến voi chiến quay cuồng, làm chúng sợ hãi và rời khỏi hàng ngũ. Sự hoảng loạn sẽ khiến voi chiến mất khả năng chiến đấu và đôi khi tấn công lại chính chủ nhân của mình.
Để tăng hiệu quả hơn nữa, người ta thường tẩm vào mình lợn một loại dầu hoặc nhựa dễ cháy, sau đó phóng hỏa đốt, lùa lợn về phía đối phương. Những con lợn bị đốt sẽ kêu to hơn, kết hợp với ngọn lửa rừng rực cháy trên mình chúng sẽ tạo ra loại vũ khí vô cùng đáng sợ khiến đội quân voi của đối phương bỏ chạy tan tác. Nhưng không phải không có những trường hợp lợn chạy sai hướng và gây phản tác dụng.
Quân đội Mỹ huấn luyện cá heo. Ảnh: History.
2. Cá heo quân đội |
Cá heo phục vụ trong quân ngũ, thoạt nghe người ta hình dung ra một câu chuyện khoa học viễn tưởng và cho rằng hình ảnh chụp được chỉ là sản phẩm photoshop, nhưng không, đây lại là điều hoàn toàn có thật. Trong chiến tranh, Liên Xô đã khởi xướng chương trình huấn luyện động vật có vú dưới biển để đối phó với kẻ địch và cá heo – loài vật thông minh được lựa chọn cho chương trình này. Liên Xô đã thành lập một đơn vị cá heo để phát hiện và tấn công tàu chiến kẻ địch bằng cách dạy chúng phân biệt các tiếng động của chân vịt gây ra dưới nước.
Hải quân Mỹ cũng từng thực hiện một chương trình như vậy tại San Diego với sự tham gia của 75 chú cá heo. Việc huấn luyện cá heo trong quân đội Mỹ bắt nguồn từ năm 1960 khi lực lượng hải quân tìm cách nâng cấp thủy lôi bằng cách nghiên cứu cá heo bơi lội. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm, chương trình này đã bị bỏ dở và một nghiên cứu mới ra đời – nghiên cứu dùng cá heo phục vụ trong quân đội bắt nguồn từ trí thông minh và khả năng bơi lội tài tình của chúng. Lực lượng hải quân Mỹ đã phải mất thời gian dài tiến hành thử nghiệm, làm việc với 19 loài động vật biển khác nhau, thậm chí là cả cá mập mới phát điện cá heo mũi chai là động vật phù hợp nhất.
Cá heo được huấn luyện để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhằm phát huy tối đa khả năng định vị bằng sóng âm của chúng. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là thăm dò mìn và thủy lôi ở dưới nước, sau đó thông báo cho các tàu tuần tra về mối nguy hiểm. Nhiệm vụ khác là phát hiện vị trí người nhái của phía đối phương và cảnh báo lực lượng hải quân.
3. Sư tử biển
Cùng với cá heo, sư tử biển cũng là động vật thông minh và có thể được huấn luyện để thực hiện nhiều nhiệm vụ. Hải quân Mỹ đã đào tạo sư tử biển trở thành lính quét thủy lôi, có thể xác định vị trí và đánh dấu các quả mìn.Những loại vũ khí như mìn và tên lửa chống tàu ngầm được lực lượng hải quân thả xuống đại dương từ trên máy bay. Sư tử biển sẽ bắt lấy những thứ này và gắn thiết bị tìm kiếm vào chúng.
Sư tử biển California thậm chí được huấn luyện thao tác với những hình nộm trong các vụ thử nghiệm tai nạn máy bay để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ. Trong quân đội Mỹ có một đơn vị mang tên MK-6. Tại đơn vị này, binh lính hải quân cùng làm việc với cả cá heo và sư tử biển. Đây là lực lượng bảo vệ chống lại người nhái của đối phương. Khác với cá heo gắn thiết bị báo hiệu vào người thợ lặn, sư tử biển có thể gắn một chiếc cùm chân đặc biệt vào người nhái hay những kẻ phá hoại, cho phép các thủy thủ lôi những nghi phạm lên bề mặt.
Chú gấu Wojtek. Ảnh: History.
4. Gấu
Vào mùa xuân năm 1942, khi lực lượng vũ trang Ba Lan rời Liên Xô tới Iran thì một sự kiện bất ngờ xảy ra tại nhà ga đường sắt ở Iran. Sự kiện này đã làm thay đổi Quân đoàn 2 của Ba Lan theo cách khó tin nhất. Một cậu bé đã tìm thấy một chú gấu con Iran đi lạc và Trung úy Anatol Tarnowiecki đã mua chú gấu này. Chú gấu đã sống 3 tháng trong một trại tị nạn Ba Lan trước khi được đưa đến Đại đội pháo binh số 22. Tại đây, những người lính đã đặt cho chú gấu nhỏ cái tên rất dễ thương Wojtek (nghĩa là chiến binh hạnh phúc).
Vì chú gấu này rất nhỏ và yếu nên những người lính phải cho nó uống sữa bằng chai. Quá trình chăm sóc đã tạo ra một sợi dây gắn kết đặc biệt giữa con người và động vật. Vì sống những năm đầu đời cùng các binh sỹ nên Wojtek cũng học cách bắt chước hành động của con người. Wojtek thích hút thuốc, đấu vật và biết chào theo kiểu nhà binh. Nó đã theo chân đại đội pháo binh 22 đến Iraq, Syria, Palestine và Ai Cập chiến đấu chống phát xít Đức. Để đưa Wojtek lên tàu vận chuyển khi đơn vị vượt biển từ Ai Cập đến Italy, các thành viên trong đại đội pháo binh 22 nhất trí để chú gấu nhập ngũ vào quân đội Ba Lan với cấp bậc hạ sĩ và có tên trong danh sách binh lính của đại đội.
Tuy nhiên, tài năng của chú thực sự tỏa sáng trong trận chiến Monte Cassino. Wojtek đã góp sức bằng cách vận chuyển các thùng đạn dược nặng khoảng 45 kg mà phải cần đến 4 binh sỹ mới khiêng được và sắp xếp ngay ngắn những thùng đạn này. Để ghi nhận đóng góp của Wojtek, cấp chỉ huy đã dùng hình ảnh một con gấu vác vỏ đạn pháo làm huy hiệu chính thức của đại đội 22.
5. Mèo gián điệp
Vào những năm 1960, hai siêu cường Mỹ và Liên Xô rơi vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến tranh Lạnh. Thời gian này, cả Mỹ và Liên Xô đều ra sức chạy đua vũ trang nhằm chiếm ưu thế trước đối phương. Bên cạnh chạy đua vũ trang, đôi bên còn tiến hành rất nhiều chương trình gián điệp nhằm nắm bắt các hoạt động của đối phương để có thể đưa ra cách thức đối phó. Trong số này phải kể đến ý tưởng của CIA sử dụng mèo gián điệp để thu thập thông tin từ phía Liên Xô. Dự án này đầy sức sáng tạo này có tên gọi Acoustic Kitty.
Thay vì hỏi những người chủ cách thức huấn luyện mèo tốt nhất, CIA quyết định đi trước một bước đó là tự đào tạo mèo để theo dõi Liên Xô. Theo kế hoạch, các bác sĩ thú y sẽ cấy một microphone vào ống tai, một máy phát radio nhỏ được gắn dưới đáy hộp sọ cùng một ăng ten nhỏ gắn vào đuôi. Sau khi trải qua quá trình phẫu thuật cấy ghép thiết bị này, những chú mèo dễ thương đã trở thành những điệp viên. Tuy nhiên, kế hoạch của CIA đã gặp phải một số vấn đề.
Trước hết đó là những chú mèo không dễ huấn luyện như họ nghĩ. Chúng liên tục bị phân tâm bởi môi trường xung quanh. Một vấn đề khác là làm thế nào để giải quyết cơn đói của mèo, vốn khiến chúng dễ mất tập trung và nổi nóng. Đó thực sự là một thảm họa. Một số thử nghiệm đầu tiên của dự án đã thất bại. Một con mèo gián điệp đã được thả gần đại sứ quán Liên Xô ở Washington để thăm dò. Tuy nhiên thay vì tập trung vào nhiệm vụ, chú mèo đã bị phân tán bởi những âm thanh hỗn loạn. Nó đi lang thang qua đường và bị một chiếc xe ô tô cán chết. Tiếp đến, thêm một số thử nghiệm nữa của CIA cũng không thành công. Cuối cùng, dự án ảo tưởng này đã bị phá sản vào năm 1967.
6. Ong phát hiện bom
Loài ong có khả năng nhận biết mùi hương và phấn hoa của từng loài cây. Lợi dụng khả năng này, người ta huấn luyện ong để phân biệt mùi của các thành phần trong bom. Các nhà khoa học tại Cơ quan nghiên cứu tân tiến của Bộ Quốc Phòng (DARPA) đã bẫy những con ong, sau đó họ thả một số thành phần mùi của thuốc nổ vào trong những cốc nước đường. Bản chất tự nhiên của loài ong bị hấp dẫn bởi mật ngọt của hoa sẽ kéo chúng đến vị trí của nước đường, dần dần hình thành thói quen của chúng với thành phần mùi thuốc nổ trong những cốc nước này. Khi ong tiếp xúc với mùi thuốc nổ, vòi hút mật của nó sẽ rung mạnh và phát tín hiệu. Một phần mềm nhận dạng sẽ phát tín hiệu cho trung tâm chỉ huy khi tất cả đàn ong cùng phát ra âm thanh. Vấn đề chính mà DARPA gặp phải là trong không gian hẹp, mọi thử nghiệm diễn ra rất suôn sẻ, nhưng trong không gian rộng rất khó để theo dõi đàn ong. Để giải quyết vấn đề này, họ đã gắn vào mình các chú ong máy phát sóng để người huấn luyện có thể theo dõi và tìm ra chúng.
7. Chuột mang thiết bị nổ
Chó không phải là động vật duy nhất được sử dụng để mang bom mìn. Trong khi Liên Xô dành khá nhiều thời gian để huấn luyện chó thực hiện nhiệm vụ này thì Lực lượng điều hành các hoạt động đặc biệt của Anh (SOE) đã nảy ra một ý tưởng mang tính sáng tạo hơn nhiều là dùng chuột để đánh bom, nhằm mục đích phá hủy các nhà máy của phát xít Đức trong Thế chiến II. Thay vì nghĩ cách huấn luyện động vật, SOE quyết định làm việc với những con chuột chết. Trên thực tế, lực lượng đặc nhiệm này của Anh đã thu thập khoảng 100 con chuột sau đó giết chết chúng. Tiếp đến họ biến chúng thành nỗi kinh hoàng khi nhét đầy chất nổ vào cơ thể chuột. Đây là một kế hoạch đầy táo bạo.
Bước đi tiếp theo là vận chuyển xác chuột vào những khu vực có nồi hơi trong các nhà máy vũ khí của Đức quốc xã. "Chuột bom" sẽ đạt được hiệu quả như mong đợi khi phát xít Đức ném những con chuột chết vào đống lửa để đốt xác bởi điều đó sẽ gây ra một vụ nổ lớn. Nhưng kế hoạch này đã nhanh chóng kết thúc ngay từ trong trứng nước vì lô vũ khí chuột bom đầu tiên đã bị Đức Quốc xã phát hiện và tịch thu trước khi chúng được đem đi phát tán. Tuy nhiên kế hoạch này không hoàn toàn thất bại bởi vì người Anh đã gieo rắc trong đầu binh lính phát xít Đức một nỗi sự hãi vô hình, buộc Đức Quốc xã phải thực hiện vô số nghiên cứu khác nhau để chống lại mối đe dọa này.
8. Bồ câu tình báo
Chim bồ câu đóng vai trò rất quan trọng trong thời chiến xuyên suốt các giai đoạn lịch sử. Nhờ khả năng định hướng tốt và bao quát các khoảng cách xa, chim bồ câu được sử dụng để đưa thư như một cách thức truyền tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Phương thức này có từ thời kỳ La Mã cổ đại và phổ biến trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, quân đội Anh đã sử dụng 250.000 chú chim bồ câu để truyền tin đến những người lính ở phía sau chiến tuyến của quân Đức. Đã có tới 32 chú chim bồ câu được nhận huy chương dũng cảm Dickin của Anh.
Ngoài đưa thư, chim bồ câu cũng được sử dụng để thu thập thông tin tình báo. Người ta gắn những chiếc camera nhỏ vào thân chúng để thu thập thông tin tình báo từ trên cao. Bảo tàng của CIA đã trưng bày những chiếc camera chạy bằng pin nhỏ để sử dụng cho chim bồ câu./.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming